Làm lụng vất vả và mong ước lớn nhất của chị Ngà là lo đủ cái ăn cho chồng con. Chị lo những ngày mưa không có việc, lo những ngày trái gió trở trời anh Tùng lại đau nhức người, lo mỗi khi tiền học của các con đến hạn phải đóng và lo cả khi chị đau ốm ai sẽ là người lo cho chồng, cho con...
Hơn 10 năm vào xã Hà Đông (huyện Đạ Tẻh) lập nghiệp, ngày ngày chị Nguyễn Thị Ngà (42 tuổi) vẫn bươn chải làm thuê để lo cho cuộc sống gia đình. Lý do lớn nhất để chị tìm vào đất Hà Đông là để tìm mẹ ruột đã hai mươi mấy năm chưa gặp. Vậy mà, mẹ con gặp mặt chưa bao lâu thì mẹ mất. Chị một thân một mình vượt khó nơi đất khách quê người. Những tưởng gánh nặng mưu sinh sẽ vơi bớt phần nào khi chị lập gia đình, thế nhưng nỗi vất vả càng tăng thêm gấp bội. Chồng chị, anh Lê Thanh Tùng (46 tuổi), bị tật bẩm sinh nên thường xuyên đau nửa người; tay, chân bên phải rất yếu không thể lao động được. Ngày lấy chồng, bố mẹ cho được 4 sào đất trồng điều, nhưng năm được năm mất, nên thu chẳng được bao nhiêu. Chị kể: Mỗi ngày, ai kêu gì làm nấy, nhưng mỗi tháng cũng chẳng được mấy ngày có việc. Quanh năm trông vào mấy sào điều, để mua cho con bữa ăn ngon hay cái áo, cái quần mới nhưng cũng khó thực hiện được.
Chị Lê Thị Hoàn với công việc bóc vỏ điều hàng ngày |
Làm lụng vất vả và mong ước lớn nhất của chị Ngà là lo đủ cái ăn cho chồng con. Chị lo những ngày mưa không có việc, lo những ngày trái gió trở trời anh Tùng lại đau nhức người, lo mỗi khi tiền học của các con đến hạn phải đóng và lo cả khi chị đau ốm ai sẽ là người lo cho chồng, cho con. “Một thân một mình xoay không xuể, lắm khi cũng phải thiếu ăn nhưng nhìn các con ngoan hiền, học giỏi mình lại có thêm động lực để sống, để làm việc” – chị Ngà tâm sự. Các con của chị, cháu Lê Thị Ánh Nguyệt (lớp 5) và Lê Nguyễn Thanh Tòng (lớp 1), dường như biết nỗi nhọc nhằn của mẹ nên rất ngoan, chăm học.
Cách nhà chị Ngà không xa là nhà chị Nguyễn Thị Tuyền (35 tuổi). Gọi là nhà, nhưng thật sự vợ chồng và 2 con ở trong chuồng heo được xây dựng trước đây. Cách đây 3 năm, anh Nguyễn Văn Đưa (34 tuổi, chồng chị Tuyền) phát bệnh tâm thần, nên mọi việc trong nhà đều do chị Tuyền đảm đương. Căn nhà gỗ của anh chị quá cũ bị sập cách đây 2 - 3 năm, nên phải tận dụng chuồng heo để ở tạm. Từ ngày anh Đưa bị bệnh, ròng rã 3 tháng trời chị vừa phải đưa chồng về Biên Hoà điều trị vừa phải lo cho 2 con nhỏ ở nhà. Hiện, tình trạng sức khoẻ anh Đưa đã tạm ổn nên bác sỹ cho về nhà điều trị với tiền thuốc hàng tháng khoảng 500 ngàn đồng. Ngày ngày, chị Tuyền phải dậy từ 5 giờ sáng để đi bóc vỏ hạt điều. Vất vả cả ngày nhưng tiền công cũng chỉ được vài chục ngàn đồng, không đủ lo cho chồng, cho con. Con trai chị là Nguyễn Văn Tuyến (lớp 4) học rất giỏi nên được nhận học bổng “Hỗ trợ nông dân cho con đến trường” của Báo Tuổi Trẻ và Công ty GrennFeed. Chị chia sẻ: Con còn nhỏ vậy mà đã phải “gánh nợ” cho bố mẹ nên mình cũng rất chạnh lòng. Bố mẹ ít học nên đâu chỉ dạy con được gì. Mỗi ngày đi học cháu đều bảo con cố gắng học để giảm nợ cho mẹ”. Ngoài học bổng, chị Tuyền còn được hỗ trợ 12 triệu đồng để chăn nuôi heo. Mua được 2 con heo nái, nhưng đành phải đi gởi nhà anh chị nuôi vì không có chuồng. Chị đang kỳ vọng khi heo đẻ sẽ có tiền để phụ thêm vào xây lại căn nhà, để con cái có chỗ học hành tử tế. Hiện, anh em bà con đã hỗ trợ anh chị tiền để làm lại nhà.
Ở xã Hà Đông, người dân còn biết đến hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Lê Thị Hoàn (43 tuổi). Năm 2008, chồng chị là anh Đoàn Văn Long (48 tuổi) bị tai nạn giao thông gãy chân và ảnh hưởng đến thần kinh. Từ một người giỏi việc và là trụ cột của gia đình, anh Long mất khả năng lao động. Ngày ngày, chị đi bóc vỏ hạt điều để lo các con ăn học. Chị tâm sự: “Hết việc này thì mình cũng phải cố tìm lấy việc khác để mà có tiền lo cho các con. Những lúc không làm ra tiền thì phải đi vay đi mượn để bằng mọi giá cho các con học nên người. Lắm lúc khổ và vất vả quá nhưng chẳng biết làm sao, chẳng biết chia sẻ với ai. Thấy vậy, con gái mình cứ bảo mẹ cố thêm vài năm nữa, con làm có tiền nuôi mẹ. Nghe vậy, mình cũng được an ủi phần nào”. Con gái của chị Hoàn là Đoàn Thị Thanh (lớp 10) là học sinh giỏi toàn diện nhiều năm liền. Ngoài ra, chị còn có con trai lớn là Đoàn Văn Nam (lớp 12) và Đoàn Thị Quỳnh Như (lớp 3) cũng học khá, giỏi. Các con chính là nguồn động lực để chị phấn đấu vượt qua khó khăn.
Cái nghèo, cái khó vẫn còn hiển hiện trong ngôi nhà của các chị. Thế nhưng, bao nỗi nhọc nhằn không làm quỵ ngã tấm thân gầy của các chị. Bởi lẽ, trong các chị vẫn còn niềm tin, niềm lạc quan khi thấy các con chăm ngoan và học giỏi.
Chị Nguyễn Thị Tuyền chăm sóc 2 con heo nái |
Chị Nguyễn Thị Ngà cùng chồng nhặt điều trong vườn |
HỮU SANG – KHÁNH PHÚC