Người khuyết tật Bảo Lâm học nghề

03:03, 03/03/2013

Chẳng được như những con người bình thường khác, họ sinh ra vốn đã bị khiếm khuyết về hình thể và trí tuệ. Cuộc sống gắn liền với hai chữ “tàn tật”, thế nhưng, họ khát vọng sống và khát vọng bao điều...

Chẳng được như những con người bình thường khác, họ sinh ra vốn đã bị khiếm khuyết về hình thể và trí tuệ. Cuộc sống gắn liền với hai chữ “tàn tật”, thế nhưng, họ khát vọng sống và khát vọng bao điều. Dự án “Hỗ trợ hoà nhập kinh tế - xã hội và việc làm cho người khuyết tật” chính là chiếc “cầu nối” đưa họ đến với khát vọng, cho dù còn nhỏ nhoi!

Cô Huỳnh Thị Thu Huyền và các học viên lớp khuyết tật
Cô Huỳnh Thị Thu Huyền và các học viên lớp khuyết tật


“Hỗ trợ hoà nhập kinh tế - xã hội và việc làm cho người khuyết tật” là dự án mà Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện tại 6 tỉnh, thành trong cả nước, giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014, dưới sự tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha. Mô hình này cũng được Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha thực hiện tại một số nước đang phát triển khác, như: Ma-rốc, An-ba-ni… Lớp học nghề đan giỏ xách bằng hạt cườm ở thôn 2 (xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm) có 9 học viên, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 1 năm 2013, cũng nằm trong dự án đó.

Những học viên tham gia lớp này không phải đóng học phí và được hỗ trợ 20 ngàn đồng/ người/ ngày. Giáo viên giảng dạy được hỗ trợ 600 ngàn đồng/ 1 học viên/ tháng. Cuối dự án, người được hưởng lợi sẽ có công việc ổn định, cuộc sống và thu nhập được cải thiện. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ thêm thiết bị cần thiết, khi người khuyết tật (đã qua đào tạo nghề) khởi sự kinh doanh nhỏ… Cô Huỳnh Thị Thu Huyền - giáo viên dạy lớp đan giỏ xách bằng hạt cườm, cho biết: “Sau này, khi các em đã trở thành những tay thợ lành nghề, sản phẩm các em làm ra tôi sẽ thu mua lại. Lúc đó, các em cứ yên tâm mà làm vì đã có nơi tiêu thụ sản phẩm”. Tuy nhiên, việc học của những học viên này quả là rất khó khăn. Bởi: “Đối với người bình thường, học nghề này mất khoảng 2 tháng, cùng lắm là 3 tháng, thì thành thạo nghề và có thể tự tay làm ra sản phẩm để đem bán. Nhưng với những người khuyết tật, thời gian học có thể kéo dài từ 4 đến 6 tháng, may ra mới có thể hoàn thiện được sản phẩm. Nghề đan giỏ xách bằng hạt cườm đòi hỏi phải khéo léo, tỉ mỉ và cần phải có đôi tay khoẻ để xiết sợi cước. Cái khó ở đây là các em đều bị khuyết tật. Em câm điếc thì không thể tiếp thu được điều tôi nói. Bản thân tôi lại không biết ngôn ngữ ký hiệu, thành thử cô trò rất lúng túng cả trong việc dạy lẫn việc học. Còn em tiếp thu được những điều tôi dạy thì tay chân lại bị co quắp và yếu. Nói chung là rất vất vả. Nhiều lúc cũng cảm thấy nản. Tuy thế, cô trò cũng phải tìm cách khắc phục dần. Tóm lại, mỗi em phải có một phương cách truyền dạy riêng. Nếu các em có quên những điều đã học (điều này thường xuyên xảy ra) thì cũng phải ân cần, nhẹ nhàng động viên, chỉ bảo lại từ đầu và nhất là không được to tiếng la mắng. Bởi các em rất dễ bị tổn thương và hay tự ái” - cô Huyền chia sẻ.

Quả vậy, việc dạy nghề cho người khuyết tật không hề đơn giản. Bà Phạm Thị Luật, mẹ của học viên Phạm Hồng Anh (sinh năm 1981), cũng thừa nhận: “Do bị tật bẩm sinh nên việc tiếp thu của cháu nhà tôi rất kém. Hàng ngày, tôi phải đến lớp học cùng, để tối về còn biết đường mà chỉ lại cho cháu. Những ngày nghỉ học ở trường, con gái tôi lại thay tôi làm công việc ấy!”.

Nhìn những bàn tay, bàn chân co quắp, những đôi mắt ngơ ngác đang cố xâu từng chuỗi hạt cườm, tôi không khỏi chạnh lòng. Nhưng đằng sau cái vẻ tội nghiệp ấy, tôi thấy cả một tinh thần tự vươn lên, quyết không cam chịu số phận, để sống có ích hơn và phần nào tránh được gánh nặng cho gia đình. Dẫu khó khăn bộn bề, dẫu phải làm đi làm lại nhiều lần, các học viên vẫn miệt mài, kiên trì theo học. Như chị Võ Thị Thanh Lan (34 tuổi, ở thôn 3, xã Lộc Ngãi) là một ví dụ. Mỗi ngày chị dậy sớm, rồi đi nhờ xe của một cô giáo (nhà ở Lộc Ngãi nhưng lại dạy học ở Trường Mầm non Lộc Quảng) để đến lớp học; chiều lại, nhờ cô chở về nhà và một tháng nộp 200 ngàn đồng tiền “xe ôm” cho cô. Từ tháng đầu 1 năm 2013 đến nay, chưa thấy ngày nào chị bỏ lớp. Ông Nguyễn Văn Vân - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Lộc Quảng, nói thêm: “Mặc dù bị tàn tật, song các em rất chịu khó. Nói thì trọ trẹ, câu được, câu mất nhưng các em vẫn thường xuyên trò chuyện với nhau. Mong sao các em sớm học được cái nghề để có thể hoà nhập với cộng đồng, với xã hội”.

TRỊNH CHU