Tiếng chổi tre...

03:03, 07/03/2013

“Những đêm đông/ khi cơn giông/ vừa tắt/ Tôi đứng trông/ trên đường/ lặng ngắt/ Chị lao công/ như sắt/ như đồng/ Chị lao công/ đêm đông/ quét rác”...

“Những đêm đông/ khi cơn giông/ vừa tắt/ Tôi đứng trông/ trên đường/ lặng ngắt/ Chị lao công/ như sắt/ như đồng/ Chị lao công/ đêm đông/ quét rác”... Những câu thơ ấy cứ văng vẳng bên tai mỗi tối khi bóng các chị lao công thấp thoáng trên những con đường chúng tôi đi bộ qua. Được hít thở cái không gian yên tĩnh và trong lành ấy, mới thấy, sự hiện diện của các chị là vô cùng cần thiết.

Dáng ai!
Dáng ai!


Hình ảnh những chị công nhân của Đội Môi trường (Công ty Dịch vụ Đô thị Đà Lạt) trong bộ đồ màu xanh tím, khoác bên ngoài chiếc áo phản quang trên đường phố Đà Lạt trở nên quen thuộc tự khi nào. Giờ tan tầm, bao nhiêu người từ công sở trở về nhà, là lúc họ bắt đầu rời gia đình đến nơi làm việc. Công việc, thời gian và môi trường lao động khiến cuộc sống của họ trở nên lẻ loi, lặng lẽ. Chị Phan Kim Phượng - Đội phó Đội Môi trường cho biết: “Đội Môi trường đa số là nữ (160/192 người), thực hiện thu gom rác trên toàn bộ các tuyến đường của 12 phường và 4 xã. Đối với những nơi xa trung tâm, ít xe cộ đi lại hoặc đường sâu, ngõ hẻm mới được làm việc ban ngày, còn đa số phải làm việc ban đêm”, với quy định các gia đình bỏ rác từ 5-7 giờ chiều, rất nhanh, các thùng rác đầy lên, những người phụ nữ bé nhỏ lại đẩy chúng đến nơi tập kết để chuyển đi...

“Đồ nghề” của các chị là chổi, đồ hốt rác, xe đẩy tay... Ở những đoạn đường xa khu dân cư và ít nhà cửa, chỉ có lá cây trên đường, các chị mang theo một bao tải, gom cho đến khi đầy bao thì tiếp tục đẩy xe đến vị trí mới... Theo chân một chị lao công trên đường Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi thấy chị bất chợt hối hả đẩy xe lách ngang dòng di chuyển của các phương tiện giao thông để kịp tới nơi chiếc xe gom rác vừa dừng bánh. Đổ xong, chị lại một lần nữa len qua dòng xe cộ tiếp tục quét, nhặt từng lá cây, cọng rác...

Công việc của các chị, nhìn qua dường như rất đơn giản và có vẻ không nặng nề, nhưng nếu nhìn thấy cảnh một chị đẩy chiếc xe rác cao quá đầu, hoặc thấy các chị phải đứng hẳn lên xe, cố dùng sức của mình để nhấn rác xuống... và chỉ một lần phải đi ngang qua đống rác... có lẽ ai ai cũng thấy may mắn vì mình không phải làm công việc này. Và chính đặc thù công việc trong môi trường khí hậu Đà Lạt vào ban đêm đã khiến các chị thường gặp những căn bệnh như nhức mỏi, viêm họng, viêm mũi, viêm khớp,... nặng hơn là lao phổi, thậm chí là ung thư. Theo chị Phượng, từ khi đi làm đến nay, chị chứng kiến 4 trường hợp bị bệnh ung thư, có dì đã mất, không ít chị hiện đang hàng ngày chống chọi với bệnh tật... và 63 trường hợp phải nhận hỗ trợ khó khăn.

Mỗi ngày, các chị phải đi trung bình 4 cây số. Với môi trường và không gian làm việc khác biệt như thế, các chị luôn vắng mặt trong những bữa cơm chiều của gia đình. Chị Trịnh Thị Liên tâm sự: Làm nghề này phải có sự thông cảm đặc biệt của chồng con”. Việc nhà cửa, con cái, cơm nước... của gia đình, một tay chồng chị lo toan hết. Tết vừa rồi, thằng cháu đủ lớn để thắc mắc: “Sao bà nội không ở nhà đón giao thừa?”. Biết làm sao được, công việc này đâu có tính giờ. Những ngày lễ tết, hội hè, rác thải nhiều hơn, phải làm việc nhiều giờ hơn. Như năm nay, 5 giờ sáng Mùng một Tết chị mới về đến nhà và đã mười mấy năm không đón giao thừa cùng gia đình rồi"... Chính sự chênh lệch trong giờ giấc sinh hoạt, mà có chị vẫn chưa một lần hẹn hò với người yêu, chưa một lần tụ tập bạn bè dịp lễ hội, không được nói cười vui vẻ trong những căn phòng sáng đèn hàng đêm... Vì thế, nhiều chị không có được cơ hội làm vợ, làm mẹ như những người phụ nữ khác...

Với chị Phượng, người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông con, ba mẹ đều đau yếu nên phải đi làm từ năm 19 tuổi để đỡ đần ba mẹ lo cho các em. Đến nay, sau 31 năm làm công nhân vệ sinh thì cũng chừng đó năm, chị đều đón giao thừa ngoài đường. Dù năm nào chị cũng đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, hoặc Chiến sĩ thi đua, nhưng, chị vẫn chưa có được hạnh phúc của riêng mình. Thực tế, mỗi công nhân vệ sinh đều được ưu đãi 5 năm tuổi nghề, có nghĩa với việc đóng bảo hiểm được 20 năm, các chị có thể nghỉ hưu năm 50 tuổi. Dù luôn nhận được sự quan tâm, động viên, chia sẻ... dù cần mẫn làm việc, nhưng chị em luôn mong muốn ngày về hưu để được sống như một thành viên bình thường của gia đình, cùng ăn những bữa cơm chiều ấm cúng, cùng ngồi xem tivi mỗi tối, cùng thức dậy mỗi sớm mai... Nhiều chị khác, thì mong ngày về hưu để tập trung chữa và dưỡng bệnh...

Chia tay các chị, trong tôi lại thấp thoáng lời thơ: “Tiếng chổi tre/ chị quét/ Những đêm hè/ đêm đông/ gió rét/ Tiếng chổi tre/ sớm tối/ đi về/ Giữ sạch lề/ đẹp lối...”. Nhưng, Đà Lạt làm gì có đêm hè. Chỉ mong, những câu thơ trong bài thơ “Tiếng chổi tre” của nhà thơ Tố Hữu an ủi các chị hằng đêm trong đất trời chỉ có gió lạnh hoặc mưa lạnh của Đà Lạt.

LÊ HOA