Đào tạo nghề (ĐTN) là một trong những nội dung quan trọng được Nghị quyết 17, ngày 20/10/2008 của Tỉnh ủy đặt ra đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Năm 2012, Lâm Đồng xếp thứ 31/63 tỉnh, thành về chỉ số đào tạo lao động, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong quản lý.
Đào tạo nghề (ĐTN) là một trong những nội dung quan trọng được Nghị quyết 17, ngày 20/10/2008 của Tỉnh ủy đặt ra đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Năm 2012, Lâm Đồng xếp thứ 31/63 tỉnh, thành về chỉ số đào tạo lao động, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong quản lý.
Chỉ số lao động tăng bình quân 18,7%/năm
Năm năm qua, nhiều giải pháp trọng tâm phát triển dạy nghề được triển khai có hiệu quả như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN); lồng ghép dạy nghề với hỗ trợ sản xuất theo Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; chính sách ưu tiên hỗ trợ học và dạy nghề cho đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, các xã, thôn nghèo, người khuyết tật có hiệu quả. Chất lượng, hiệu quả đào tạo nâng lên thông qua dạy nghề thích hợp cho lao động nông thôn. Theo đó, có bước phát triển về qui mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo; hiệu quả dạy nghề từng bước gắn thị trường lao động.
Nghề xây dựng cung mới đáp ứng 60-80% cầu |
Toàn tỉnh hiện có 56 cơ sở dạy nghề, tăng 1,6 lần so với năm 2008; trong đó 23 cơ sở công lập và 33 cơ sở ngoài công lập. Năng lực của các cơ sở này đào tạo được 36 ngàn học viên/ năm với 65 nghề từ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên đến trung cấp, cao đẳng. Trong 4 năm (2009-2012), Lâm Đồng có gần 50 ngàn học viên tốt nghiệp, bằng 2,4 lần so với 4 năm trước. Trong đó, trên 80% học viên có việc làm đúng nghề trong vòng 1 năm sau tốt nghiệp. Nhiều nghề tỉ lệ học viên có việc làm trên 90% như dược tá, vận hành nhà máy thuỷ điện, cơ khí, đan len công nghiệp, xây dựng, nghiệp vụ khách sạn - nhà hàng, các nghề nông nghiệp…
Số học viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề hàng năm thất nghiệp không đáng kể. Riêng dạy nghề cho lao động nông thôn trong 3 năm (2010-2012) có gần 19,500 ngàn lao động tốt nghiệp; trong đó các đối tượng dân tộc thiểu số, người khuyết tật, đối tượng chính sách chiếm hơn 50%. Tỉ lệ có việc làm sau học nghề 2 năm 2010 và 2011 chiếm 85%; nhóm nghề nông nghiệp 90,5% và phi nông nghiệp 76%. Mỗi năm Lâm Đồng còn có gần 20 ngàn người được học nghề, truyền nghề, đạt 60,7% số người được dạy nghề mỗi năm. Tỉ lệ lao động qua ĐTN của tỉnh tăng từ 16,25% năm 2008 lên 25% năm 2010 và 30,8% năm 2012.
Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại- Công nghiệp Việt Nam công bố từ năm 2009-2012 chỉ số đào tạo lao động của Lâm Đồng tăng bình quân 18,7%/năm (cả nước chỉ tăng 1%) và năm 2012 Lâm Đồng xếp thứ 31/63 tỉnh, thành về chỉ số đào tạo lao động. Đây là những kết quả đáng ghi nhận, nhưng…
Thị trường còn mất cân đối lớn
Mất cân đối nhưng chậm có những giải pháp điều chỉnh là một trong những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước về ĐTN. Cung và cầu lao động mất cân đối lớn, rõ nhất là thừa thầy thiếu thợ. DN không tuyển được lao động phù hợp vị trí cần tuyển nhưng còn hàng ngàn người có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thất nghiệp. Năm 2012, cung lao động trình độ đại học vượt đến 4 lần so với cầu, cao đẳng vượt 3,6 lần, trung cấp 1,7 lần; nhưng công nhân kỹ thuật chỉ mới đáp ứng được 70% nhu cầu tuyển dụng. Nhóm ngành nghề trong tình trạng cung vượt cầu bao gồm tin học, công nghệ thông tin, kế toán trên 10 lần; kinh doanh - quản lý, hành chính văn phòng từ 2,2 đến 3,3 lần. Nhưng các nhóm nghề như giáo viên mầm non, xây dựng, bảo vệ, lái xe, cơ khí, điện… cung mới chỉ đáp ứng từ 60-80% nhu cầu tuyển dụng. Đặc biệt, nghề dệt may chỉ đáp ứng được 3%. Đây là hệ quả của tỉ trọng tuyển sinh đã và đang lệch pha quá lớn trong các trường đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Một hạn chế khác, công tác dự báo còn bất cập. Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Ngô Hữu Hay, bất cập này là do chưa triển khai thu thập, tổng hợp, công khai nhu cầu tuyển dụng của các DN về vị trí việc làm, trình độ và của các cơ quan, đơn vị công lập về ngành nghề đào tạo, nhu cầu cần thay thế. Do đó, thiếu định hướng đào tạo dài hạn; thiếu thông tin tư vấn lựa chọn nghề học cho học sinh và khó thực hiện xây dựng chính sách thu hút phù hợp. Ở Lâm Đồng có những đơn vị dạy nghề công lập đầu tư khá tốt cơ sở vật chất - trang thiết bị về nhóm nghề nông - lâm nghiệp, sản xuất chế biến, cơ khí, ô tô… nhưng chưa thu hút nhiều học viên. Nguyên nhân dẫn đến hiệu quả thấp trong sử dụng nguồn lực đầu tư này là do hạn chế khâu dự báo thị trường; chậm ban hành chính sách khuyến khích học và dạy các nghề mà xã hội có nhu cầu…
Để đạt mục tiêu tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2015 từ 45-50%; mỗi năm 25 ngàn đến 30 ngàn công nhân được các DN bổ túc, đào tạo nghề phù hợp, công tác ĐTN của tỉnh cần khắc phục sớm những hạn chế, tồn tại vừa nêu. Mặt khác, cần đổi mới cơ chế giao ngân sách đào tạo cho các trường công lập theo hình thức giao kinh phí cho chỉ tiêu tuyển sinh đối với từng nghề theo nhu cầu của DN và địa phương. Giải pháp này nhằm hạn chế đầu tư thiếu hiệu quả, tuyển sinh ồ ạt, đào tạo không có địa chỉ. Đồng thời, cần hỗ trợ chi phí cho các trường, nhất là trường ngoài công lập ở tỉnh mở các ngành đào tạo mà tỉnh có nhu cầu cao. Giám đốc Sở LĐTB-XH Trương Ngọc Lý cho rằng, cần đưa chỉ số đào tạo lao động vào hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả điều hành kinh tế - xã hội hàng năm của chỉ số năng lực cạnh tranh PCI. Mặt khác, khi kinh phí Đề án 3159 không sử dụng hết nên điều chỉnh bổ sung cho dạy nghề nông thôn, dạy nghề tại các xã thí điểm xây dựng nông thôn mới, dạy nghề phục vụ các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…
MINH ĐẠO