Xây dựng nông thôn mới ở một vùng có đạo

04:04, 10/04/2013

Bình Thạnh là một xã của huyện Đức Trọng với một nền nông nghiệp chủ yếu là trồng cà phê, trồng lúa nước và có 4 thôn với 1.618 hộ, 7.572 người; trong đó gần 98% đồng bào theo đạo Công giáo. Điều đáng nói là từ lâu các phong trào, nhất là phong trào “chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được gắn chặt với việc thực hiện tốt phương châm "tốt đời đẹp đạo".

Bình Thạnh là một xã của huyện Đức Trọng với một nền nông nghiệp chủ yếu là trồng cà phê, trồng lúa nước và có 4 thôn với 1.618 hộ, 7.572 người; trong đó gần 98% đồng bào theo đạo Công giáo. Điều đáng nói là từ lâu các phong trào, nhất là phong trào “chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được gắn chặt với việc thực hiện tốt phương châm "tốt đời đẹp đạo".

Năm 2011 xã Bình Thạnh được chọn xây dựng xã nông thôn mới điểm của huyện Đức Trọng giai đoạn 2011-2015 và đây cũng chính là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới cũng như xây dựng đời sống văn hoá... Toàn xã đã tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, lồng ghép các buổi họp, học Nghị quyết, hội nghị, hội thảo, tiếp xúc cử tri với 20 buổi có 1.550 lượt người tham dự, góp phần nâng cao nhận thức của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Tiếp đó, xã đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới để chính thức phát động thi đua với khẩu hiệu "Cán bộ và nhân dân xã Bình Thạnh chung sức xây dựng nông thôn mới" và đã tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch, phương án xây dựng xã nông thôn mới, xã đã lập xong đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020, với tổng kinh phí là hơn 192 triệu đồng và đã được UBND huyện phê duyệt tại Quyết định số 1.278/QĐ-UBND vào ngày 5/6/2012…

Để đánh giá phong trào này một cách đầy đủ và thiết thực, xã cũng đã tổ chức sơ kết việc thực hiện chương trình nông thôn mới trong 6 tháng và 9 tháng. Và kết quả là trước hết về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2012 của Bình Thạnh đã đạt 17%, GDP bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 27,3% so với năm 2011, tổng thu ngân sách trên địa bàn hơn 2,8 tỷ đồng đạt 147% dự toán mà huyện đã giao. Ở đây, trong lĩnh vực sản xuất, nhân dân đã hưởng ứng chuyển đổi được 138 ha cà phê sang ghép giống cao sản, cho thu nhập bình quân từ 85 triệu đồng/ha. Đồng thời, chuyển đổi hàng chục ha đất cà phê già cỗi sang trồng dâu để phát triển nghề nuôi tằm. Nhân dân đã đồng tình chuyển đổi 13 ha lúa một vụ sang trồng các loại rau, hoa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển mô hình nhà lưới, nhà kính. Đây chính là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của địa phương và đã làm thay đổi được nhận thức của nhân dân về tập quán trồng lúa nước cho năng suất thấp của mấy chục năm qua, bởi vì thu nhập trung bình 1 ha lúa một vụ trước đây là 50 triệu đồng, đến khi chuyển đổi sang trồng rau, hoa mà nhất là hoa lay ơn theo mô hình công nghệ cao thì thu nhập là từ 150 triệu đến 300 triệu đồng/ha… Bên cạnh đó, xã đã huy động được sự đóng góp của nhân dân hơn 4 tỷ đồng để xây dựng mới được 3 nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 phân trường mẫu giáo trị giá 200 triệu đồng, 8/16 đường giao thông nông thôn với hơn 6 cây số cũng như kéo điện thắp sáng 100% khu dân cư, kiên cố hoá 90% kênh mương thuỷ lợi và đóng góp xây dựng trạm y tế có đủ điều kiện để được công nhận là trạm đạt tiêu chí quốc gia theo quy định mới đây… Hiện nay, xã đang chuẩn bị khởi công xây dựng các công trình khác như nhà văn hoá xã trị giá hơn 300 triệu, trường mẫu giáo xã trị giá hơn 500 triệu, 1 phân trường mẫu giáo với trị giá hơn 100 triệu đồng và nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn còn lại trong thời gian tới… Điều đáng nói là ở đây không còn nhà tạm, nhà dột nát vì nhân dân trong xã đã đầu tư cho việc tu sửa, xây dựng mới nhà với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng và Bình Thạnh là một trong những xã đầu tiên được tỉnh công nhận đã  xoá được nhà tạm… cũng như đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ trên 6% vào năm 2008 còn 2,84% cuối năm 2012… 100% số hộ đã được sử dụng điện và tỷ lệ phủ sóng truyền thanh và phủ sóng truyền hình trên địa bàn dân cư cũng là 100%...

Cho đến hết năm 2011, xã Bình Thạnh đã đạt 8/19 tiêu chí của xã nông thôn mới. Năm 2012 vừa qua đạt 14/19 tiêu chí và đang nỗ lực phấn đấu đạt thêm các tiêu chí còn lại, trong đó có tiêu chí thứ 6 về văn hoá vì xã đã xác định là phải có đủ các thiết chế văn hoá như nhà văn hoá xã và tất cả các nhà sinh hoạt cộng đồng tại các thôn cũng như phải bê tông hoá được hầu hết các đường làng ngõ xóm vốn đã có nền kiên cố rồi… Năm 2013 này, xã nỗ lực đạt thêm 3 tiêu chí nữa là 17/19 tiêu chí và tiếp tục phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí còn lại để năm 2014 hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và trở thành xã nông thôn mới…

Như vậy, có thể nói cán bộ và nhân dân xã Bình Thạnh đã nhận thức rất đầy đủ về việc xây dựng nông thôn mới. Và chính từ đó, cấp uỷ và chính quyền đã tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo việc xây dựng địa phương cùng với việc xây dựng đời sống văn hoá và đã huy động được sức mạnh tổng hợp của Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở cùng với sự đồng thuận cao của các vị linh mục, chức sắc, chức việc trong việc phát huy tinh thần phối hợp chặt chẽ và truyền thống đoàn kết lương - giáo; góp phần củng cố và tăng cường được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương trong tham gia xây dựng và phát triển xã Bình Thạnh trở thành xã nông thôn mới ngày càng giàu đẹp và văn minh.

BÙI THANH LONG