Bại liệt chân vẫn chọn nghề cơ khí

04:05, 22/05/2013

Hiện nay ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm có trên 100 người khuyết tật. Trong số đó, chỉ có 6 người có khả năng học nghề và được hỗ trợ học nghề. Nhưng, có một cái tên cần được nhắc đến, bởi nghị lực của anh chứng minh bản thân mình “tàn” nhưng không “phế”.

Anh Duẩn bên máy tiện sắt
Anh Duẩn bên máy tiện sắt

Hiện nay ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm có trên 100 người khuyết tật. Trong số đó, chỉ có 6 người có khả năng học nghề và được hỗ trợ học nghề. Nhưng, có một cái tên cần được nhắc đến, bởi nghị lực của anh chứng minh bản thân mình “tàn” nhưng không “phế”.

Anh là Lê Văn Duẩn (35 tuổi) ngụ tại thôn 11, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm. Câu chuyện về cuộc đời mình, được anh Duẩn kể lại thật đáng thương. Lọt lòng mẹ, anh đã bị chứng bệnh bại liệt chân trái. Năm lên 4 thì mẹ anh qua đời và 2 năm sau người bố cũng bỏ đi “biệt tăm” cho đến nay. Cũng từ đó, Duẩn được người cậu ruột là ông Lê Văn Bình cưu mang, nuôi dưỡng. Nhưng vì bệnh tật giằng xé, đi lại khó khăn, buộc anh phải nghỉ học từ năm lớp 1.

Quãng thời gian 34 năm sống chung với cậu ruột, anh cũng chỉ biết phụ việc nhà giúp cậu. Do gia cảnh khó khăn, người cậu không thể lo được thuốc men để cứu chữa chân cho anh. Không đầu hàng số phận, anh luôn đau đáu muốn tìm một cái nghề để tự lo cho bản thân. May mắn đến với chàng trai tật nguyền này, từ khi Dự án “Hỗ trợ hòa nhập kinh tế - xã hội và việc làm cho người khuyết tật” được triển khai tại huyện Bảo Lâm, anh Duẩn được Hội Chữ thập đỏ Bảo Lâm tạo điều kiện học nghề cơ khí.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Lộc An, cho biết: “Mặc dù Duẩn bị bại liệt một chân, nhưng chúng tôi nhận thấy em có khả năng có thể vượt ra khỏi “vòng xoáy” của cuộc đời. Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị lên Hội Chữ thập đỏ huyện để em được học nghề”. Nơi nhận đào tạo nghề cho anh Duẩn là Cơ sở cơ khí Diệp Trúc (thôn 4, xã Lộc An). Với quyết tâm biến nghề cơ khí thành cái “cần câu cơm”, anh rất chăm chỉ vừa học, vừa làm. Kể cả thứ bảy và chủ nhật, anh vẫn không nghỉ ngày nào.

Từ lúc ước mong được học nghề trở thành hiện thực, cuộc sống của anh đã vui tươi hẳn. Anh Duẩn tâm sự: “Sinh ra không được như người bình thường, nên trước đây tôi cảm thấy tự ti, chán nản. Nhiều lúc, tôi muốn buông xuôi tất cả. Nhưng rồi nghĩ lại, dù sao cũng phải đương đầu với số phận để sống. Cũng vì thế, tôi luôn ước mong có được một cái nghề để mưu sinh. Nên, khi được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ cho những người như tôi được học nghề, tôi rất vui và biết ơn. Tôi biết, nghề cơ khí là nghề cần có sức khỏe, nhưng cũng rất cần sự chăm chỉ và niềm đam mê. Vì vậy, từ lâu, tôi đã ước ao được theo học và giờ đây tôi phải cố gắng học bằng được nghề này!”.

Chính niềm say mê với nghề đã chọn, cùng với quyết tâm học nghề để tự lo cho bản thân, bước đầu anh đạt được kết quả khả quan. Anh Nguyễn Diệp Trúc, chủ cơ sở cơ khí, người trực tiếp hướng dẫn cho anh Duẩn, vui mừng: “Sau 3 tháng em Duẩn vừa học, vừa làm tại đây, tôi nhận thấy em là một người rất có khả năng với nghề cơ khí. Thời gian trôi qua, Duẩn đã chứng minh được mình là một tấm gương “tàn” nhưng không “phế”. Trong nghề cơ khí, với khả năng của Duẩn, tôi giám khẳng định, em làm được rất nhiều công việc như: Tiện, hàn, gò, lắp ráp, sửa chữa các loại máy…”.

Thương cho hoàn cảnh và khâm phục nghị lực của chàng trai khuyết tật, anh Trúc đã sẵn sàng giúp đỡ mỗi tháng 300 ngàn đồng để anh Duẩn thuê nhà trọ. Anh Trúc cũng đã hứa rằng, sau 6 tháng được hỗ trợ học nghề, nếu chưa thành thạo công việc thì anh sẽ giữ anh Duẩn lại để đào tạo cho thành nghề. Còn sau này, khi công việc đã thành thạo nếu có nhu cầu ở lại, anh Trúc sẵn sàng đón nhận để tạo công ăn việc làm cho Duẩn. Sau hơn 3 tháng làm quen với công việc, anh Duẩn đã đứng máy tiện thành thạo. Còn với công việc hàn, gò thì anh cũng đã làm được khá tốt. Hiện, anh đang làm quen với công việc sửa chữa các loại máy.

KHÁNH PHÚC