Để cồng chiêng mãi ngân cùng buôn làng

04:05, 22/05/2013

Những năm gần đây, sự xâm nhập và lan tỏa của nhạc trẻ đã lấn lướt nhiều giá trị văn hóa đặc hữu trên mảnh đất Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng; trong đó, có không gian văn hóa cồng chiêng.

Rừng mất, nương rẫy không còn, kéo theo phương thức sản xuất và hình thái kinh tế thay đổi. Cùng với đó là những biến đổi trong đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của cư dân bản địa đã tác động tiêu cực đến những lễ nghi xưa. Không gian văn hóa cồng chiêng của người Châu Mạ ở thôn 3, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm cũng vì thế mà thay đổi. Để nhịp chiêng mãi là điểm tựa tâm linh của buôn làng trong thời đại ngày nay quả là không dễ. Nhưng…


Những năm gần đây, sự xâm nhập và lan tỏa của nhạc trẻ đã lấn lướt nhiều giá trị văn hóa đặc hữu trên mảnh đất Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng; trong đó, có không gian văn hóa cồng chiêng. Xưa kia, cư dân Châu Mạ chủ yếu sống nhờ vào nền nông nghiệp lúa rẫy. Các lễ hội cũng hình thành và liên quan đến các giai đoạn của một chu kỳ sản xuất nông nghiệp. Niềm tin, tín ngưỡng, sự hoài vọng, cách suy nghĩ và thể hiện lễ hội truyền thống gắn liền với chu kỳ sinh trưởng của cây lúa cạn. Ngày nay, hình thái sinh tồn của buôn làng đã đổi khác; không gian rừng, không gian nhà dài, bếp lửa, suối thác… đang dần mất đi trong đời sống cộng đồng. Đấy là những nguyên nhân làm âm nhạc cồng chiêng đang đứng trước nguy cơ mai một.

Mặt khác, công tác kiểm tra, quản lý, nghiên cứu các hoạt động văn hóa cồng chiêng chưa thật sự thấu đáo. Bên cạnh đó, việc phổ biến, tuyên truyền cho người dân (đặc biệt, là cư dân bản địa) hiểu được những giá trị văn hóa cồng chiêng cũng chưa đúng mức, đã làm cồng chiêng bị “chảy máu” khá nhiều trong suốt những năm qua. Do vậy, tìm một hướng đi cho công tác bảo tồn vốn di sản văn hóa cồng chiêng trong bối cảnh hiện nay là việc làm hết sức cấp bách và cần thiết.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, nghệ nhân K’Breoh (sinh năm 1960), người từng tham gia nhiều lễ hội và nhận được nhiều giải thưởng trong những lần liên hoan, chia sẻ: “Bây giờ, nhiều người bảo chỉ còn thấy âm nhạc cồng chiêng trong các hội diễn, hội thi, các điểm du lịch, các chương trình giao lưu văn nghệ. Nhiều chương trình trong số này đều được dàn dựng theo kịch bản, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến không gian văn hóa của cồng chiêng. Rất hiếm khi chúng ta được thấy cồng chiêng “cất lời” trong đúng không gian thiêng nguyên thủy (không gian nhà dài, lửa rừng, suối nước, đêm đại ngàn…) của nó. Thành thử, bản chất văn hóa cồng chiêng ít nhiều đã bị sai khác. Chỉ ở không gian thiêng, tiếng chiêng mới có thể cất lời, nói thay tiếng nói của cả cộng đồng gửi tới các thế lực siêu nhiên”.

Cũng theo K’Breoh: “Âm nhạc cồng chiêng gắn bó hữu cơ với không gian rừng. Các nghi lễ của cả cộng đồng cũng từ đó mà sinh ra. Cồng chiêng thường được trình tấu trong các lễ hội, như: Đâm trâu, mừng lúa mới, cưới hỏi hoặc vào các dịp quan trọng khác. Tấu chiêng thường có 6 người, nhưng đôi lúc cồng chiêng cũng được tấu bởi 2 hoặc 3 người, tùy theo âm điệu bài chiêng mà có những cách thức trình tấu khác nhau. Ví như, bài “Đánh đôi” thì 2 người, còn bài “Đánh đuổi nhau” thì 3 người. Mỗi âm điệu và số lượng người đánh cồng chiêng có một ý nghĩa riêng, mang đậm bản sắc độc đáo của dân tộc Châu Mạ”.

K’Breoh đam mê nghệ thuật cồng chiêng từ nhỏ. Hàng ngày, sau những giờ lên nương, tối đến K’Breoh lại theo học các nghệ nhân đi trước những bài bản của chiêng. Tuy vậy, đến năm 18 tuổi, anh mới thuộc hết những bài chiêng. Từ đó đến nay, anh không ngừng trau dồi, học hỏi về nghệ thuật diễn xướng và trình tấu cồng chiêng: “Ý nghĩa của việc đánh chiêng là tạo niềm vui, bày tỏ những mong muốn, yêu thương, tình đoàn kết giữa con người với con người, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. Nhạc chiêng của người Châu Mạ gồm 34 âm điệu” - Nghệ nhân K’Breoh cho biết.

Âm nhạc cồng chiêng cùng lửa rừng, rượu cần, không gian nhà dài… đã làm nên không gian thiêng của núi rừng Nam Tây Nguyên. Nhưng hiện nay, không gian thiêng ấy đang bị thu hẹp dần. Để tránh nguy cơ đứt gãy văn hóa cồng chiêng trong giai đoạn hiện nay, K’Breoh mong muốn: Trước mắt, cần tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng cho lớp trẻ, giúp họ nhận thức một cách sâu sắc và đầy đủ không gian văn hóa cồng chiêng. Về lâu dài, cần xây dựng kế hoạch cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy phong tục truyền thống của dân tộc mình; đồng thời, phục dựng lại các lễ hội gắn với vòng đời cây lúa rẫy ở các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ, để tạo môi trường diễn xướng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Nhưng điều quan trọng nhất, là phải làm cho văn hóa cồng chiêng sống được cùng buôn làng trong đời sống hàng ngày và cả trong các lễ nghi truyền thống.

Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức các lễ hội truyền thống, như Lễ hội Văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng lần thứ VII - năm 2013 tại Cát Tiên vừa qua chẳng hạn, để các dân tộc anh em có dịp giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong kinh nghiệm gìn giữ và phát huy vốn di sản của dân tộc mình. Có như vậy, tiếng chiêng cồng mới có thể ngân mãi cùng làng buôn.

TRỊNH CHU - KA GÙI