Người “hồi sinh” cây phượng vàng duy nhất ở B’Lao

03:05, 02/05/2013

Lâm Đồng chỉ có một cây duy nhất được trồng tại đất B’Lao năm 1929. Người có công lớn trong việc “hồi sinh” giống phượng quý hiếm này là thầy giáo Bùi Văn Tho (thường gọi là Bùi Tho, 77 tuổi, giáo viên giảng dạy tại Trường Trung học Nông Lâm Súc những năm 1970 -1975, nay là Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Bảo Lộc).

Hoa phượng được biết đến bởi nhiều màu sắc như: Phượng đỏ, phượng tím, phượng son, nhưng ít ai biết đến “phượng vàng” - một loài hoa quý hiếm. Lâm Đồng chỉ có một cây duy nhất được trồng tại đất B’Lao năm 1929. Người có công lớn trong việc “hồi sinh” giống phượng quý hiếm này là thầy giáo Bùi Văn Tho (thường gọi là Bùi Tho, 77 tuổi, giáo viên giảng dạy tại Trường Trung học Nông Lâm Súc những năm 1970 -1975, nay là Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Bảo Lộc).

Thầy giáo Bùi Tho bên những cây phượng vàng con
Thầy giáo Bùi Tho bên những cây phượng vàng con


Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất B’Lao, từ khi chập chững biết đi, Bùi Tho đã phải theo ba mẹ ra vườn chăm sóc từng cây trà, cà phê, dâu tằm. Cây cối, vườn tược đã gắn liền với tuổi thơ và cuộc đời ông. Tình yêu và niềm đam mê cây xanh đã ngấm sâu vào ông, từ suy nghĩ, hơi thở, niềm vui cuộc sống… Khi lớn lên, ông quyết theo học ngành Lâm nghiệp và về giảng dạy môn Nông - Lâm tại Trường Trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc.

Bàn về cây phượng vàng quý hiếm, duy nhất được trồng ở Bảo Lộc thời bấy giờ, ông Bùi Tho cho biết: Cây phượng vàng còn có tên gọi khác là cây Phật Y (áo Phật), là một loại cây họ đậu (tên khoa học là Schigolobium excelsum), nguồn gốc từ Brazil. Năm 1929, được người Pháp mang về miền Nam Việt Nam trồng hai cây. Một cây được trồng tại Thảo Cầm viên Sài Gòn - Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh) và một cây được trồng trước Sở Con Trâu (tức Trung tâm Thực nghiệm, nay ở phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc). Tuy nhiên, cây phượng vàng ở Thảo Cầm viên đã chết năm 1945. Chỉ còn lại duy nhất ở Bảo Lộc, nó đơm hoa, kết quả mà không có cây con mọc tự nhiên (bởi cây không tái sinh theo chu kỳ bình thường trong tự nhiên).

Chuyện xảy ra như một cơ duyên, ông Bùi Tho kể lại: Trước tết Mậu Dần năm 1999, một nhiếp ảnh gia gửi kèm một bức ảnh hoa vàng rực và hỏi ông rằng: “Ở đầu dốc vào thị xã Bảo Lộc có một cây cổ thụ cho ra hoa màu vàng như một cái lọng khổng lồ rất đẹp tên là gì?”. Lúc đó, nhiều người ở Bảo Lộc cũng không ai biết gọi cây đó tên gì mà chỉ gọi là: Chiêu liêu, vàng anh… Từ đó, ông Tho liên hệ ngay với ông Huỳnh Minh Bảo, một kỹ sư Cao đẳng Lâm nghiệp thuộc Trường Quốc gia Nông - Lâm - Mục B’Lao thời bấy giờ và đã ghi nhận là cây có họ hàng với cây phượng thuộc họ Điệp Caesalpiniaceae (tên khoa học là Schigolobium excelsum). Trước vẻ đẹp của nó, đã thôi thúc ông phải làm cách nào để “nhân bản” được những cây con, lỡ may một mai cây “mẹ” già đi không còn nữa.

Nghĩ là làm, ông Bùi Tho đã bắt tay vào việc ươm giống cây. Vất vả gần 2 năm ròng rã, ông mới ươm được khoảng 20 cây con. Về vóc dáng xem xét từ cây mẹ và những cây con 2-3 năm tuổi, thì cây có một thân trụ cao 4-5 mét cây mới phát tán, cành và nhánh nhỏ đều vươn lên tựa cây đại, tạo thành tán cây hình dù. Cây thuộc dạng lá thưa, đà tăng trưởng hàng năm ở đầu ngọn khoảng 20 - 40 cm. Trên đó có mang 4-6 cọng lá. Lá xuất hiện xanh tốt từ tháng 2-3 và rụng toàn bộ vào tháng 11 hàng năm để chuẩn bị cho việc đơm hoa kết trái. Mỗi đầu ngọn sẽ phát tiết 10-12 cành hoa chính. Mỗi cành chính phân 6-8 cành phụ. Mỗi cành phụ mang 30-40 nụ bông. Tất cả tạo thành chùm tròn đường kính hơn 80cm. Hoa phượng vàng bắt đầu nở từ dịp Noel, tết Dương lịch và kéo dài đến hết tết Âm lịch (một mùa hoa nối liền hai tết Đông - Tây).
 

Những cây giống được ươm thành công đầu tiên ấy, ông Bùi Tho đã đem hiến tặng các chùa, tu viện, nhà thờ, Trường Tiểu học Thăng Long TP Bảo Lộc, Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Bảo Lộc, Khu sinh thái Hồng Liên… Nhưng cây trồng bao nhiêu lâu thì cho hoa, thì còn là một ẩn số, vì rất ít tài liệu nói đến. Những người con Bảo Lộc từ lâu lắm rồi đã từng trầm trồ khen một cây đại thụ (gốc 2 người ôm) vẫn đều đặn khoe sắc vàng rực mỗi độ xuân về. Khách vãng lai từ Sài Gòn đi Đà Lạt vào dịp này cũng thú vị, vì bất ngờ thấy xe chạy trên thảm hoa vàng rực và cũng biết bao thước phim, bao bức ảnh đẹp về cây hoa quý này…

“Đau lòng thay, bất ngờ ập đến cho cả làng hoa cảnh thị xã Bảo Lộc lúc bấy giờ, là khoảng 15 giờ ngày 16/4/2007, cơn mưa giông và lốc xoáy tràn qua khu sưu tập của Trung tâm Thực nghiệm phường Lộc Sơn, đã làm gãy ngã một số cây được trồng gần 100 năm trước; trong đó, có phượng vàng duy nhất còn sống tại đất B’Lao” - Ông Tho bùi ngùi tâm sự. Thế rồi, nhẫn nhịn tìm hiểu và hy vọng vào 20 cây con được ông đem tặng ấy. Kỳ diệu thay, mùa xuân năm 2008 (đúng 10 năm ông mang về ươm giống và hiến tặng), những bông hoa phượng vàng đầu tiên đã xuất hiện tại chùa Phước Huệ, Trường Tiểu học Thăng Long. Những cánh phượng vàng thong dong khoe sắc vàng rực rỡ, đẹp đến mơ màng, xếp chồng lên nhau từng cánh từng cánh uy nghi, lộng lẫy đua nhau nở trở thành “hiện tượng lạ” ở xứ sở B’Lao. Ngày những chiếc nụ vàng rực nở bung ra những bông đầu tiên, cũng là khi những dòng nước mắt thấm đẫm vị mặn mòi, hạnh phúc dâng trào niềm tin yêu và một lòng tâm huyết với cây phượng vàng quý hiếm đối với ông Bùi Tho ấp ủ hơn 10 năm qua. Với ông: “Chơi hoa dưỡng tâm, chơi chim dưỡng khí, chơi cá dưỡng thần. Phượng vàng tượng trưng cho sự uy nghi, thong dong, thanh tao, xanh lá quanh năm. Nó tươi tốt thì lòng mình mới thanh thản được!…”.

ĐÌNH THI