Nuôi ong thoát nghèo

03:05, 07/05/2013

Với ý chí và sự kiên trì, không ngại khó ngại khổ, gia đình chị Nguyễn Thị Thao (thôn Lộc Châu 2, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) đã thoát khỏi đói nghèo đeo bám dai dẳng từ quê cũ vào vùng đất mới nhờ nghề nuôi ong sữa.

Với ý chí và sự kiên trì, không ngại khó ngại khổ, gia đình chị Nguyễn Thị Thao (thôn Lộc Châu 2, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) đã thoát khỏi đói nghèo đeo bám dai dẳng từ quê cũ vào vùng đất mới nhờ nghề nuôi ong sữa.

Chị Thao đang chăm sóc đàn ong sữa - “cơ duyên” giúp gia đình chị thoát nghèo
Chị Thao đang chăm sóc đàn ong sữa - “cơ duyên” giúp gia đình chị thoát nghèo


Gặp chị Thao đang tất bật thu sữa từ 100 thùng ong sữa được gia đình chị nuôi hơn 1 năm nay, nhưng chị vẫn vui vẻ vừa làm vừa kể cho chúng tôi nghe “cơ may” đổi đời của hai vợ chồng chị. Quê Thái Bình, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” với mấy sào ruộng không làm cho gia đình chị với hai đứa con nhỏ dại bớt cảnh “bữa đói bữa no”. Quyết không cam chịu đói nghèo, vợ chồng chị bồng bế con vào vùng đất mới Di Linh, theo lời rủ của mấy người cùng làng đi trước để lập nghiệp thay đổi số phận. Những ngày đầu nơi quê mới bao khó khăn thiếu thốn, anh chị phải đi làm thuê làm mướn mới kiếm đủ gạo nuôi hai con qua ngày. Ông trời như vẫn muốn thử thách lòng kiên trì của anh chị nên vẫn chưa để cái đói nghèo buông tha. Cực chẳng đã, chị Thao đành gửi đứa con gái lớn sắp vào lớp 1 về quê nhờ ông bà nội, ngoại nuôi giùm. Dựng tạm cái chòi trong khu vườn 2 sào thuê của một người quen, anh chị học theo những người xung quanh trồng cà phê và vẫn với công việc ai kêu gì làm nấy, nhưng vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo. Tình cờ, trong một lần đi làm thuê, chị Thao thấy có mấy hộ nhờ nuôi ong sữa mà khá giả, nên đã mạnh dạn vay ngân hàng 100 triệu đồng mua 100 thùng ong sữa về nuôi thử. Mới bắt đầu tập tành nuôi, nên chị Thao không khỏi lúng túng, nhưng với sự chịu khó ham học hỏi những người có kinh nghiệm nên những lít sữa đầu tiên từ 100 đàn ong đã mở ra cho gia đình chị một trang mới. Không còn bữa đói bữa no, mỗi ngày bình quân 100 thùng ong cho 1 kg sữa với giá khoảng 600.000 đồng, vào mùa cà phê thì ong tự đi tìm mật, hết mùa thì chị bổ sung thêm đường, sau khi trừ chi phí chị cũng lãi được hơn một nửa số tiền trên.

Tích góp, chăm chỉ với những giờ rảnh thì đi làm thuê, sau hơn 5 năm lập nghiệp trên quê mới, gia đình chị Thao đã mua được 2 sào vườn thuê trước kia. Cuộc sống chưa gọi là dư giả, nhưng với tấm lòng của một người chị, chị Thao sẵn sàng cưu mang gia đình người em trai có đứa con không may mắc bệnh hiểm nghèo vào làm ăn sinh sống. Căn nhà không rộng hơn, nhưng chị vẫn dành cho vợ chồng người em một phòng nhỏ, ngày ngày anh chị cùng vợ chồng người em vẫn đi làm thuê để kiếm tiền cho cháu chữa bệnh. Bầy ong sữa vẫn gắn bó với gia đình chị, với mong muốn sẽ phát triển thêm đàn ong để tăng thêm thu nhập và có điều kiện đón đứa con gái đầu vào cho gia đình sum họp, đồng thời, chị cũng đã chia sẻ kinh nghiệm cho một vài người cũng mới đầu đến lập nghiệp vì “nuôi ong sữa không khó, chỉ cần chịu khó để ý cách chăm cho ong không bệnh, biết cách cho ong đi lấy mật và về sản sinh ra sữa là thành công”, chị Thao chia sẻ. Còn với Bí thư Chi bộ thôn Lộc Châu 2 Trần Văn Chất, gia đình chị Thao là một tấm gương vươn lên trong nghèo khó để thay đổi cuộc sống, và luôn với tấm lòng “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, chị không những cưu mang gia đình em trai mình, mà còn sẵn sàng giúp đỡ những người còn khó khăn khi mới đến lập nghiệp nơi quê hương thứ hai của chị.

Tuấn Hương