Ở huyện Lạc Dương, cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác, phong trào xây dựng mô hình giảm nghèo đã và đang trở thành điểm sáng của tỉnh. Năm 2012, 37/46 mô hình đã thoát nghèo; năm 2013, chỉ tiêu giao 141 hộ nhưng có tới 176 hộ đăng ký tham gia xây dựng. Bức tranh giảm nghèo và vươn lên có tích lũy của người dân ngày một rõ nét
Ở huyện Lạc Dương, cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác, phong trào xây dựng mô hình giảm nghèo đã và đang trở thành điểm sáng của tỉnh. Năm 2012, 37/46 mô hình đã thoát nghèo; năm 2013, chỉ tiêu giao 141 hộ nhưng có tới 176 hộ đăng ký tham gia xây dựng. Bức tranh giảm nghèo và vươn lên có tích lũy của người dân ngày một rõ nét.
Mô hình thâm canh cà phê tăng năng suất 10-15% |
37/46 hộ đã thoát nghèo
Khi được UBND tỉnh phân bổ 4,050 tỷ đồng cho 4 xã nghèo Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais và Đưng K’nớ, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và UBND các xã lập kế hoạch ngay để đồng vốn đến nhanh với 641 hộ dân. Theo đó, gần 352 ha được hỗ trợ hơn 3,518 tỷ đồng thâm canh cây trồng; hơn 41 ha được hỗ trợ hơn 413 triệu đồng chuyển đổi giống cà phê Catimo và bắp lai. Với thôn nghèo, huyện Lạc Dương có 3 thôn là B’Nơr C, Đăng Gia Rít và Păng Tiêng được hỗ trợ 140 triệu đồng thâm canh lồng ghép, chuyển đổi cây bắp, cây chuối. Để huy động tối đa các nguồn lực xây dựng mô hình sản xuất, chăn nuôi, Lạc Dương triển khai lồng ghép các nguồn vốn như Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, Chương trình 135… và vận động người dân vay vốn lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn có hiệu quả đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, đồng thời huy động được sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Năm 2012, toàn huyện đã thực hiện tổng vốn mô hình hơn 775 triệu đồng. Những hộ nghèo xây dựng mô hình còn được nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng, bình quân nhận mỗi hộ 30 ha và thu nhập trên 10 triệu đồng/năm. Nhờ đó, 37 hộ thoát được nghèo; thu nhập từ 40-50 triệu đồng/năm, bình quân 600-700 ngàn đồng/tháng/người. Hơn thế, thông qua triển khai mô hình, nhà nông tích lũy được nhiều tri thức về trình độ canh tác, năng lực chăm sóc và trừ bệnh trên vật nuôi… Năm 2011, toàn huyện Lạc Dương có 754 hộ nghèo, tỷ lệ 16,89%, đến cuối năm 2012 còn 510 hộ nghèo, tỷ lệ 10,52%. Năm 2011, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 723 hộ nghèo, tỷ lệ 21,57%, đến năm 2012 còn 489 hộ nghèo, tỷ lệ 13,86%. Mức giảm nghèo chung toàn huyện năm 2012 đạt 32,26%, giảm 6,37% so với năm 2011; trong đó hộ đồng bào DTTS giảm 7,68%...
“Sức nóng” giảm nghèo lan tỏa đến mỗi nhà
Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh: Huyện ủy và chính quyền huyện Lạc Dương xác định giảm nghèo nhanh và bền vững tại các xã nghèo, thôn nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Vấn đề quan trọng là các hộ nghèo, cận nghèo phải thực sự chuyển biến từ nhận thức không trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội đến ý thức tự lực tự cường, đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo. Khi dân đã đăng ký phải hỗ trợ kịp thời; vận dụng các chính sách hỗ trợ hộ mới thoát nghèo giúp họ thoát nghèo bền vững. Kinh nghiệm của huyện Lạc Dương là tuyên truyền, vận động nhân dân phải thường xuyên, sâu rộng và bằng nhiều hình thức phù hợp. Cấp ủy, chính quyền các xã phải thực sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách, giúp đỡ; nắm rõ tiến độ các mô hình, có giải pháp hỗ trợ kịp thời những khó khăn vướng mắc của từng hộ… Cùng đó, các phòng ban chuyên môn của huyện phải cử những công chức có trình độ, năng lực thực sự, có tinh thần trách nhiệm cao, không ngại khó ngại khổ. Cần phối hợp tốt giữa Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở với các cơ quan chuyên môn để đề ra những nội dung cụ thể theo thời vụ…
Mục tiêu của huyện Lạc Dương là giảm tỷ lệ nghèo từ 23,08% năm 2010 xuống dưới 10% vào năm 2015; trong đó hộ đồng bào DTTS giảm từ 29,18% xuống còn 15%; mức giảm bình quân 4-5%/năm, riêng các xã nghèo giảm bình quân 6-8%/năm. Năm 2013, tiếp tục theo dõi, giúp đỡ, hướng dẫn 46 mô hình năm 2012 để phát huy hiệu quả vốn đầu tư, đặc biệt là 9 mô hình chưa thoát nghèo năm 2012. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các mô hình mới với yêu cầu cao hơn trong áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Theo đó, mỗi thôn nghèo tại xã nghèo có 2-3 mô hình thâm canh cây cà phê; 4-5 mô hình chăn nuôi vịt xiêm; 2-3 mô hình chăn nuôi heo địa phương và 3-4 mô hình nuôi cá nước ngọt. Hiện, huyện Lạc Dương đang triển khai tại 4 xã nghèo 56 mô hình ở 56 hộ với tổng vốn hơn 1,131 tỷ đồng.
Trưởng phòng Lao động - TB&XH huyện Trần Thị Ngọc Hằng cho biết, năm 2013, toàn huyện xây dựng 65 mô hình, trong đó 53 hộ của 5 xã, thị trấn tham gia thâm canh cây cà phê Catimor với tổng diện tích hơn 34 ha; tổng vốn đầu tư hơn 1,034 tỷ đồng; 9 hộ của 2 xã và thị trấn chăn nuôi bò vàng sinh sản với 130,5 triệu đồng; 1 hộ sản xuất rau an toàn 0,25 ha, nhu cầu vốn đầu tư gần 7,6 triệu đồng. Chị Trần Thị Ngọc Hằng nói: “Anh thấy đấy, anh em đang bám tại các cơ sở để giúp đỡ, đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra giám sát việc triển khai từng mô hình của bà con theo chỉ đạo và phân công của UBND huyện để báo cáo tiến độ từng tuần một”. Tôi đến những hộ dân đang triển khai mô hình giảm nghèo: Rơông Ha Tang, Kră Jăn Ha Luyênh, Rơông Ha Tiên, Păng Pệ Si Ma…, cảm nhận rất rõ “sức nóng” quyết liệt chia tay với cái nghèo cứ lan tỏa tới mỗi nhà…
MINH ĐẠO