Thách thức trong phòng chống AIDS, ma tuý, mại dâm

03:05, 05/05/2013

Thách thức đó là kiểm soát, tấn công tội phạm; dạy nghề, giải quyết việc làm; chăm sóc sức khoẻ và giảm kỳ thị.

Thách thức đó là kiểm soát, tấn công tội phạm; dạy nghề, giải quyết việc làm; chăm sóc sức khoẻ và giảm kỳ thị. Dịch HIV liên quan đến ma tuý, mại dâm nhưng hiện nay chưa có cơ quan nào quản lý sức khoẻ người hoạt động mại dâm khi áp dụng chính sách đưa đối tượng mại dâm về quản lý, giáo dục tại cộng đồng.

Lực lượng ĐVTN ra quân tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại vùng sâu - vùng xa, huyện Đam Rông. Ảnh: Ngọc Minh
Lực lượng ĐVTN ra quân tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại vùng sâu - vùng xa, huyện Đam Rông. Ảnh: Ngọc Minh


Phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội ở Lâm Đồng đã có 72/148 đơn vị cấp xã lành mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn 54 xã có tệ nạn ma tuý, 22 xã trọng điểm về ma tuý, 42 xã có tệ nạn mại dâm, 14 xã trọng điểm về tệ nạn mại dâm. Hoạt động của tội phạm ma tuý tiếp tục diễn biến phức tạp, tính chất thủ đoạn ngày càng tinh vi. Số vụ phạm tội về ma tuý được phát hiện trong các năm gần đây đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2012 có 113 vụ so với năm 2011 có 95 vụ. Các đối tượng buôn bán, tổ chức sử dụng ma tuý thường nhỏ lẻ nên khó phát hiện. Nguồn ma tuý đưa vào Lâm Đồng chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc, Tp.HCM, Đồng Nai, Đắc Nông, Đắc Lắc. Loại ma tuý sử dụng phổ biến là heroin, cần sa, việc sử dụng loại ma tuý tổng hợp có xu hướng tăng. Khảo sát trên địa bàn toàn tỉnh có 1.404 người nghiện sử dụng các chất ma tuý, tăng 361 người so với năm 2011. Trong đó, đa số đang ở tại cộng đồng 1.062 người, số còn lại đang cai nghiện tại Trung tâm 05-06 và các trại tạm giam. Lực lượng công an đã triệt phá 11 vụ trồng cây cần sa, tiêu huỷ 1.766 cây cần sa được trồng xen kẽ với các loại cây trồng khác tại Đà Lạt, Lâm Hà, Bảo Lâm, Di Linh.

Tệ nạn mại dâm cũng phức tạp. Ước tính toàn tỉnh có trên 660 gái mại dâm đang hoạt động, trên 800 tiếp viên với 80% là người ngoài tỉnh vừa là tiếp viên vừa có dấu hiệu nghi hoạt động mại dâm lưu động tại các nhà hàng, quán cà phê, karaoke, cơ sở massage. Trên thực tế rất khó  quản lý, kiểm soát hoạt động này, số gái mại dâm có hồ sơ quản lý là 393 người, trong đó: 133 đối tượng là người tại địa phương, 260 người ngoài tỉnh đến hoạt động và 29 gái mại dâm công cộng. Các dịch vụ kinh doanh nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn ngày càng nở rộ. Toàn tỉnh có 34 điểm massage với 324 nhân viên; 7 bar, vũ trường với 75 người; 549 điểm karaoke và 52 quán cà phê chòi. Đội kiểm tra 178 của tỉnh đã kiểm tra 68 lượt các cơ sở này, nhận thấy đa số các tiếp viên hành nghề lưu động do các chủ quán trực tiếp gọi điện thoại đến phục vụ. Qua kiểm tra, đoàn đã lập biên bản 65 trường hợp, nhắc nhở 54 trường hợp, xử phạt hành chính 40 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 2 cơ sở. Năm 2012, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh đã phối hợp với công an các địa phương khảo sát, đấu tranh triệt phá 7 tụ điểm hoạt động mại dâm, bắt 32 đối tượng mua bán dâm, tiến hành xử lý và lập hồ sơ đề nghị khởi tố các đối tượng và chủ chứa theo quy định.

Ma tuý - mại dâm - HIV/AIDS luôn đồng hành đe doạ sự lành mạnh của xã hội và sức khoẻ cộng đồng. Toàn tỉnh đã có 1.977 người nhiễm HIV, trong đó 416 trường hợp chuyển bệnh AIDS, 274 ca tử vong. Số người nhiễm HIV là đối tượng tiêm chích ma tuý, mại dâm vẫn chiếm tỉ lệ cao. Hiện có các dự án phòng chống HIV/AIDS đang triển khai trên địa bàn toàn tỉnh: Thông tin giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phòng HIV/AIDS, giám sát dịch và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con… Có 3 cơ sở điều trị thuốc kháng HIV tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng và TTYT huyện Đức Trọng. Trong quý I năm 2013, các cơ sở này đã điều trị ARV cho 150 trường hợp; trong đó có 6 trẻ em; thực hiện xét nghiệm cho 6.030 phụ nữ mang thai, điều trị phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 7 trường hợp (3 trường hợp dương tính với HIV và 4 trường hợp nghi nhiễm) và cấp phát sữa thay thế cho 7 trẻ em được sinh ra từ bà mẹ có nhiễm HIV và nghi nhiễm HIV.

Thách thức trong phòng chống AIDS ở Lâm Đồng cũng như cả nước là khó đạt được mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015: Đó là ngăn chặn số ca nhiễm HIV qua các năm giảm 50% và số người điều trị bằng ARV đạt 80% (hiện cả nước mới chỉ đạt 60%). Số đối tượng nguy cơ cao (tiêm chích ma tuý, mại dâm) tiếp cận với chương trình can thiệp giảm tác hại (bao cao su và bơm kim tiêm sạch) còn thấp: 40%-50%. Dịch HIV liên quan đến ma tuý, mại dâm, nhưng hiện nay chưa có cơ quan nào quản lý sức khoẻ người hoạt động mại dâm khi áp dụng chính sách đưa đối tượng mại dâm về quản lý, giáo dục tại cộng đồng. Một số quy định pháp luật liên quan đến cai nghiện ma tuý còn bất cập. Chủ trương đưa về cộng đồng để giáo dục, hoà nhập cho các đối tượng ma tuý, mại dâm, người nhiễm HIV/AIDS nhưng thiếu các cơ sở vật chất để dạy nghề, học tập, tư vấn cai nghiện; thiếu chính sách hỗ trợ người bán dâm chăm sóc sức khoẻ; chính sách hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho người bán dâm, người sau cai nghiện và người nhiễm HIV/AIDS. Công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống AIDS, mại dâm, ma tuý có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa tháo dỡ được rào cản ngăn cách bởi sự kỳ thị xã hội đối với người nghiện ma tuý, mại dâm, bệnh nhân HIV/AIDS. 

AN NHIÊN