(LĐ online) - Tìm kiếm, vun đắp hạnh phúc gia đình là câu chuyện muôn thuở của con người. Cái tên gọi hạnh phúc dường như không dễ chinh phục, nhưng cũng không quá tầm tay nếu mỗi thành viên trong gia đình biết cách quan tâm, chia sẻ và yêu thương nhau.
(LĐ online) - Tìm kiếm, vun đắp hạnh phúc gia đình là câu chuyện muôn thuở của con người. Cái tên gọi hạnh phúc dường như không dễ chinh phục, nhưng cũng không quá tầm tay nếu mỗi thành viên trong gia đình biết cách quan tâm, chia sẻ và yêu thương nhau.
Ảnh minh họa |
Ba ngọn nến lung linh…
Hình ảnh “ba ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình” trong ca khúc “Ba ngọn nến lung linh” của Ngọc Lễ được nhắc đến như biểu tượng hạnh phúc của một mái ấm gia đình. Bởi đó chính là “điểm tựa” vững chắc để mỗi người tìm về sau những lo toan, bộn bề của cuộc sống.
Chị Nguyễn Thu Hiền, 45tuổi, nhân viên Công ty Đà Lạt Hasfam (chi nhánh Đạ Ròn, huyện Đơn Dương) ví von: “Cho đến bây giờ, sau 20 năm làm dâu, làm vợ và làm mẹ, cây nến xanh - là tôi - vẫn luôn tự đốt sáng và giữ ấm ngọn lửa gia đình”. Chị chia sẻ: “Tôi coi trọng vai trò người con dâu và sự hòa thuận trong gia đình chồng. Tôi nghĩ, mình yêu chồng bao nhiêu thì càng phải yêu thương và tôn kính người có công sinh thành, nuôi nấng, dạy dỗ chồng bấy nhiêu. Từ ngày mẹ chồng tôi mất, tôi và các con tôi dồn sức lo cho ông, từ bữa cơm, ly nước, đến những câu chuyện vãn bên bình trà, không để ông buồn, cô đơn. Nhờ vậy mà các em chồng tôi cũng yêu thương, nể nang và rất nghe lời tôi, coi tôi như chị ruột. Chúng tôi luôn san sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau những khó khăn trong cuộc sống”.
Ông Phạm Ngọc Thám (thôn Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng) kể, ông bà rất vất vả khi nuôi dạy 9 người con trưởng thành với nghề nghiệp ổn định. Ông Thám phân tích: Làm ông bà, cha mẹ hay con cái đều có một bổn phận riêng, một vị trí riêng, không thể coi nhẹ bất kỳ một vị trí nào. Hiểu và làm được điều đó chính là đang xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình. “Bây giờ, tôi già rồi, càng phải gương mẫu để các cháu nhìn vào học theo. Tôi rất gần gũi với các cháu, chuyện trò, kể cho các cháu nghe những câu chuyện, những tấm gương tốt và thể hiện tình thương yêu bằng những việc làm, tuy nhỏ nhặt, nhưng đem lại cho các cháu cảm giác ấm cúng, yên lòng” – ông Thám nói.
Đừng xem nhẹ bữa cơm gia đình
Mỗi gia đình đều có một “hương vị riêng”, nhưng để làm sao các thành viên đi đâu cũng muốn về nhà, đó chính là một gia đình hạnh phúc. Bởi, hạnh phúc gia đình được xây dựng nên từ sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên sống cùng một mái nhà. Và bữa cơm chính là cơ hội để mọi người trong gia đình thể hiện điều đó.
Anh Lê Vũ Thư, nhân viên Công ty Chánh Đài Lâm (Đức Trọng) cho biết: “Cả hai vợ chồng tôi đều đi làm suốt ngày, công việc rất bận rộn. Tuy nhiên, mỗi ngày, khi xong công việc ở công ty, tôi lại tranh thủ về đón con và phụ vợ nấu một bữa cơm. Những việc tưởng chừng rất đơn giản đó luôn tạo không khí vui vẻ và là chất xúc tác để nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình tôi”.
Tuy nhiên, hiện nay, khi xã hội càng hiện đại, cùng với sức ép về thời gian, công việc thì những bữa cơm gia đình đang dần được không ít các cặp vợ chồng trẻ thay thế bởi những suất cơm phần, cơm hộp… Bữa ăn lúc bấy giờ chỉ đơn giản là làm sao cho no bụng và nạp đủ năng lượng. Những cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa các thành viên trong gia đình vì thế cũng thưa dần đi. Để khắc phục tình trạng trên, theo PGS-Tiến sỹ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn (Phó Chủ tịch Hội tâm lý học xã hội Việt Nam), mỗi một thành viên trong gia đình phải ý thức rõ tầm quan trọng của mỗi bữa cơm gia đình. Để những bữa cơm gia đình luôn là chất kết dính và gắn bó mọi thành viên trong cùng một tổ ấm. Qua bữa cơm, chúng ta giáo dục cho mỗi thành viên, đặc biệt là con trẻ hiểu được đạo lý nhường cơm sẻ áo, kính trên nhường dưới của dân tộc ta qua việc gắp thức ăn cho ông bà, cha mẹ và khuyên dạy con trẻ không tranh giành phần của người khác. Đó là cách giáo dục cụ thể, thiết thực, đời thường về ý thức san sẻ niềm vui hay nỗi buồn giữa anh chị em trong gia đình và cộng đồng.
Thy Vũ