Hơn 50% số quầy, sạp ở các khu chợ mới xây tại các xã ở huyện Di Linh và một số huyện, thành khác trong tỉnh đang trong tình trạng không có người kinh doanh. Tất cả các chợ này đều được xây dựng quy mô hoành tráng nhưng mỗi ngày chỉ nhóm họp như chợ quê.
Hơn 50% số quầy, sạp ở các khu chợ mới xây tại các xã ở huyện Di Linh và một số huyện, thành khác trong tỉnh đang trong tình trạng không có người kinh doanh. Tất cả các chợ này đều được xây dựng quy mô hoành tráng nhưng mỗi ngày chỉ nhóm họp như chợ quê. Trong khi đó, hàng loạt khu chợ khác vẫn đang tiếp tục được quy hoạch và xây dựng để đáp ứng yêu cầu hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Hơn 60% quầy, sạp tại chợ Đinh Lạc còn để trống |
Tại huyện Di Linh hiện có 3 khu chợ được xây dựng mới và đã đi vào hoạt động tại các xã Đinh Lạc, Gia Hiệp, Hoà Ninh. Ngoài chợ Gia Hiệp được xây dựng trên cơ sở chợ cũ nên số lượng tiểu thương đăng kí vào kinh doanh được khoảng 50%, hai chợ còn lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc mời gọi tiểu thương mua quầy, sạp để vào chợ kinh doanh. Dù được xây dựng từ năm 2008 – 2009 nhưng đến nay, các quầy, sạp tại các chợ này sử dụng chưa tới 40%. Tại hai chợ Đinh Lạc và Hoà Ninh, chỉ có các kios mặt tiền và một số quầy, sạp khu tươi sống được tiểu thương mua hoặc thuê để kinh doanh, còn lại đều để trống. Đại diện Công ty TNHH Liên Phước (đơn vị xây dựng và kinh doanh quầy, sạp chợ Đinh Lạc) cho biết: “Chợ Đinh Lạc được xây dựng với quy mô 36 kios vòng ngoài và 112 quầy sạp kinh doanh đồ tươi sống, hàng khô và quần áo ở vòng trong. Hiện, mới chỉ có 30 quầy, sạp hoạt động, phần còn lại hoàn toàn để trống. Trước đây, số người nhóm họp vòng quanh chợ để buôn bán rất nhiều, Ban quản lý chợ phải “ép” hoài họ mới chịu vào”. Quan sát trên thực tế, toàn bộ kios mặt sau và rất nhiều kios hai bên hông chợ đều đóng cửa. Trong lồng chợ, chỉ có vài sạp bán rau, đồ tươi sống hoạt động rải rác. Một tiểu thương tại chợ Đinh Lạc phản ảnh: Do chợ gần trung tâm huyện nên tâm lý người dân thường lên chợ huyện để mua sắm. Chợ xã chủ yếu nhóm họp buổi sáng để bán hàng thực phẩm, còn các mặt hàng khác thì rất ế ẩm. Vì vậy, tiểu thương cũng chẳng muốn đăng ký mua quầy, sạp.
Chợ Hoà Ninh được xác định là chợ khu vực (Hoà Ninh – Đinh Trang Hoà – Hòa Trung) nên được xây dựng quy mô lớn hơn các chợ khác. Tuy nhiên, hiện số tiểu thương vào chợ cũng rất ít. Ông Nguyễn Hữu Toản, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Di Linh, cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu khiến tiểu thương không vào chợ là giá quầy, sạp cao. Nhiều tiểu thương có truyền thống kinh doanh tại nhà (khu vực xung quanh chợ) nên sức hút vào chợ còn hạn chế. Huyện cũng đã triển khai nhiều biện pháp để vận động tiểu thương vào chợ, như không cấp phép kinh doanh mới cho các hộ kinh doanh quanh chợ; kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh lấn chiếm và không đủ điều kiện kinh doanh. Thế nhưng, các biện pháp này vẫn không hữu hiệu, nên số quầy, sạp tại chợ còn trống rất nhiều”. Mặc dù chợ Hoà Ninh đang “ngắc ngoải” vì trống quầy, sạp nhiều nhưng các xã khác trong khu vực này như Hoà Bắc, Hoà Nam vẫn tiếp tục được phê duyệt quy hoạch xây dựng chợ và đang tiến hành kêu gọi đầu tư. Lý giải về điều này, ông Toản cho biết: Thực hiện quy hoạch về thương mại và dịch vụ của huyện Di Linh đến năm 2015 và tầm nhìn 2020, huyện Di Linh đã quy hoạch hệ thống các chợ xã. Theo quy hoạch thì đến năm 2020, tất cả các xã trên địa bàn huyện Di Linh đều có chợ. Hiện tại, ngoài 3 chợ đã xây và đi vào hoạt động thì xã Hoà Nam, Hoà Bắc và Tân Châu đã có quy hoạch chợ. Hầu hết các nhà đầu tư đều muốn xây dựng chợ quy mô bề thế, trong khi đó nhu cầu sử dụng của chợ cấp xã chưa nhiều, nên mới có hiện tượng dư quầy, sạp. Sắp tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho huyện điều chỉnh quy hoạch chợ và khuyến khích nhà đầu tư chỉ nên xây chợ với quy mô vừa phải.
Trước đây, Báo Lâm Đồng đã có bài phản ánh về việc tiểu thương lấn chiếm lề Quốc lộ 20 (tại khu vực cầu Đại Lào, TP Bảo Lộc) để kinh doanh, trong khi chợ Đại Lào lại rất ít hộ vào kinh doanh. Thậm chí, lồng chợ còn được làm sân cầu lông để nhiều người đến tập luyện hàng ngày và tổ chức các giải đấu mỗi khi có dịp. Nhiều tiểu thương dù đã đăng ký mua quầy, sạp nhưng vẫn phải bỏ ra ngoài vì kinh doanh trong chợ không cạnh tranh được với các hộ kinh doanh lấn chiếm bên ngoài. Ngay cả chợ trung tâm huyện Bảo Lâm, số quầy, sạp chưa đăng ký kinh doanh cũng còn rất nhiều. Đặc biệt, số quầy, sạp đã có chủ nhưng đóng cửa và đang “rao” bán cũng chiếm tỷ lệ cao.
Theo ông Nguyễn Hữu Toản, với quy mô dân số và sức mua của các xã thì chỉ nên đầu tư chợ quy mô vừa phải, với một số ít kios mặt tiền, khu thực phẩm tươi sống và các sạp hàng rau. Nhưng với quy mô chợ như thế, thường các nhà đầu tư sẽ không mặn mà. Do đó, có thể trích nguồn kinh phí từ Chương trình xây dựng nông thôn mới hoặc xã ứng vốn để xây dựng, sau đó bán và cho thuê để thu hồi vốn. Đối với một số xã gần trung tâm huyện, thành thì cũng cần điều chỉnh tiêu chí xây dựng nông thôn mới để phù hợp với nhu cầu thực tế và tránh lãng phí.
Hữu Sang