Vị chua thanh, đắng nhẹ, màu cà phê nâu nhạt, trong trẻo của hổ phách đã tạo nên một cà phê arabica Cầu Đất (Xuân Trường, Đà Lạt) khác biệt hoàn toàn so với cà phê ở vùng miền khác. Người sành cà phê còn cho rằng arabica Cầu Đất có mùi vị thanh tao, quý phái, tạo vẻ sang trọng và quyến rũ….
Vị chua thanh, đắng nhẹ, màu cà phê nâu nhạt, trong trẻo của hổ phách đã tạo nên một cà phê arabica Cầu Đất (Xuân Trường, Đà Lạt) khác biệt hoàn toàn so với cà phê ở vùng miền khác. Người sành cà phê còn cho rằng arabica Cầu Đất có mùi vị thanh tao, quý phái, tạo vẻ sang trọng và quyến rũ…
Vườn cà phê arabica của gia đình ông Lê Thìn cho năng suất 18-20 tấn tươi/ha |
Cầu Đất là thiên đường của cà phê arabica
Càng cao, càng lạnh, càng cho hạt cà phê arabiaca chất lượng tuyệt hảo - ông Lê Thìn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường, một nông dân thứ thiệt trồng cà phê arabica cho biết. Hiện gia đình ông Thìn cũng có khoảng 3ha cà phê arabica, mỗi năm trừ hết chi phí cho thu nhập từ 350-550 triệu đồng/3 ha. Chính vì đặc điểm thiên thời địa lợi của Cầu Đất đã mang lại cho người nông dân nơi đây sự trù phú từ sản phẩm nông nghiệp như cà phê, chè, hồng… ở độ cao 1.600m so với mặt nước biển, khí hậu lạnh, sương mù bao phủ, đất đỏ bazan thích hợp với cà phê, thế nên từ mấy chục năm qua, người dân Cầu Đất vẫn bám cây cà phê để sinh tồn và phát triển. Có năm thời tiết không thuận lợi cũng bị mất mùa, nhưng vào năm được mùa, trúng giá, chỉ cần 2 vụ là bà con xây nhà biệt thự, mua xe hơi, nuôi con cái học đại học nhẹ tênh.
Tìm hiểu về diện tích cà phê hiện có ở Xuân Trường, chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Trần Như Dũng nói vanh vách như lòng bàn tay: Toàn xã hiện có 1.270 ha đất nông nghiệp, trong đó có tới 1.100 ha là cà phê, 98% là cà phê catimo (còn gọi là arabica). Khoảng 7 năm về trước, bà con trồng chủ yếu là cà phê moka, tuy nhiên do dịch bệnh sâu đục thân, bọ xà hoành hành nên bà con đã chuyển đổi dần sang arabica vì cây cho kháng bệnh tốt hơn, chịu hạn mạnh hơn. Hiện xã đang vận động bà con tiếp tục cải tạo vườn cà phê già cỗi để tiếp tục trồng cà phê arabica, áp dụng tiêu chuẩn 4C, thành lập tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững tại thôn Cầu Đất với 120 hộ nông dân tham gia.
Nông dân cần thương hiệu “Cà phê Cầu Đất”
Cà phê vẫn là cây trồng chủ lực của nông dân Lâm Đồng nói chung và Cầu Đất nói riêng. Mỗi ha cà phê cần chi phí đầu tư khoảng 50 triệu đồng, sẽ cho năng suất từ 18-20 tấn tươi/ha, tương đương khoảng 4 tấn nhân/ha - cao hơn nhiều so với nhiều giống cà phê khác. Thu nhập bình quân đầu người của xã Xuân Trường đạt 35 triệu đồng/người/năm.
Tìm hiểu thực tế ở các hộ nông dân, từ các vườn cà phê, chúng tôi được biết, nông dân Cầu Đất có lợi thế hơn so với bà con nơi khác. Đó là vào mùa khô, cà phê trồng ở Cầu Đất không phải tưới nước, do sương mù về đêm tỏa xuống giúp cho lá, cây hấp thụ nước, giữ ẩm cho cây nên vẫn cho ra hoa, kết trái đều. Chính vì giảm chi phí tưới nước nên bà con lại đầu tư cho phân bón, thuốc trừ sâu, chăm sóc, làm cỏ nên cây lại càng tươi tốt cho nhiều trái to, đều và đẹp. Tìm hiểu kỹ hơn vì sao cà phê arabica Cầu Đất lại ngon hơn cà phê ở nơi khác, lý do đơn giản là do cách thu hái cũng khác hơn, bà con Cầu Đất chỉ hái tỉa, chín tới đâu hái tới đó nên thời gian hái cà phê kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 2, tháng 3 năm sau, chứ không thu hoạch ồ ạt cả xanh lẫn chín, cả già lẫn non như nơi khác. Bà con chỉ vít cành để hái trái chín chứ không bẻ cành, bẻ cuống như nơi khác, để sang năm cũng cành đó, tiếp tục cho ra bông, ra trái. Đó cũng là cách tạo nên vị thơm ngon khác biệt của arabica Cầu Đất - thứ cà phê hiện đang được thế giới rất ưa chuộng. Cà phê arabica hiện chiếm tới 2/3 lượng cà phê toàn thế giới, chủ yếu tập trung ở Braxin.
Để phân biệt được sự khác biệt giữa cây cà phê arabica với robusta, theo anh Lê Thìn, cây cà phê arabica ở đây có hình dáng cây xanh tốt, lá màu xanh đậm, trái to, hạt cà phê hơi dài.
Đà Lạt được mệnh danh là “thiên đường trên mặt đất” không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mà chính sự ưu đãi của thiên nhiên đã tạo nên những sản phẩm nông nghiệp độc đáo. Cà phê arabica Cầu Đất là một minh chứng rõ rệt về sản phẩm có chất lượng cao nhất cả nước hiện nay. Việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cà phê Cầu Đất là điều mà người nông dân Cầu Đất đang ao ước. Có được thương hiệu, có được sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, vốn của Nhà nước, hy vọng vùng chuyên canh cà phê bền vững sẽ dần được hình thành, tạo sự phát triển ổn định, cho sản phẩm chất lượng độc đáo sẽ là một thành quả không khó để đạt được trong tương lai gần tại vùng Cầu Đất thơ mộng. Hy vọng, hương vị cà phê arabica Cầu Đất sẽ mãi lưu luyến bước chân người lữ khách.
Nguyệt Thu