Trưa. Cái nắng đầu hè đang rọi những tia bực dọc xuống vạn vật. Tôi tình cờ gặp ông Bùi Tho - nguyên giáo viên Trường Nông lâm súc Bảo Lộc. Ông cho biết, ở cây số 16 có một gia đình đang lưu giữ nhiều loại ché cổ. Nghe mà ham, thế là ngược hướng Quốc lộ 20 về cây số 16 (thuộc địa phận xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh).
Trưa. Cái nắng đầu hè đang rọi những tia bực dọc xuống vạn vật. Tôi tình cờ gặp ông Bùi Tho - nguyên giáo viên Trường Nông lâm súc Bảo Lộc. Ông cho biết, ở cây số 16 có một gia đình đang lưu giữ nhiều loại ché cổ. Nghe mà ham, thế là ngược hướng Quốc lộ 20 về cây số 16 (thuộc địa phận xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh).
Điều đầu tiên đập vào mắt tôi khi đến đây là văn hóa núi - giá trị đặc hữu của sắc dân bản địa K’Ho, đã bị biến đổi nhiều. Tôi tìm mỏi mắt vẫn không hề thấy một bộ trang phục thổ cẩm nào. Hình ảnh các sơn nữ địu con lên rẫy lại càng tuyệt nhiên không. Thay vào đấy, là những sắc phục sành điệu nơi những người trẻ: Đầu tóc phi-dê, móng tay, móng chân được chăm sóc, sơn phết kỹ. Dấu vết thị thành đang lấn át loại hình văn hóa núi vốn duy cảm, hồn nhiên. Cụ K’Liuh, hàng xóm của K’Brêu, xót xa: “Hết rồi! Nó triệt tiêu hết rồi! Không còn tìm đâu ra truyền thống văn hóa nữa!”.
Bà Ka Nhôi bên những chiếc ché. |
Già K’Liuh năm nay 81 tuổi, người nhỏ thó trong bộ áo len cũ, nhưng ánh mắt thì cực kỳ sắc sảo, tinh tường. Gặp già, tôi cảm thấy mình bị ngộp thở. Già K’Liuh như một bóng núi vây phủ lấy tôi. Tôi chợt nhận ra trong tiềm thức già, rừng không chỉ là không gian, rừng còn là thời gian. Rừng là cõi vĩnh hằng, vô thủy vô chung, nơi miên viễn. Từ rừng, con người đi ra. Nhưng cũng từ rừng, con người lại mất hút vào đó. Rừng là bản nguyên, là cội nguồn ở đầu bên này và cũng là cõi mịt mùng thăm thẳm phía bên kia… Rừng vừa mang đặc tính bảo tồn, vừa mang đặc tính sinh dưỡng. Rừng là ký ức, là truyền thống. “Nếu thiếu rừng, con người không còn nghe được từ trong sâu thẳm chính mình tiếng gọi cuốn hút của vẻ đẹp nguyên khiết, của tự nhiên hoang dã... Và con người sẽ không còn huyền thoại, không còn nghe, không còn kể, không còn tiếp tục sáng tạo ra huyền thoại nữa!” - Già K’Liuh ngậm ngùi.
Tôi bỗng thấy mình có lỗi với già K’Liuh, vì đã đánh thức vết thương đại ngàn trong già. Nhưng tôi tin đó là vết thương mang sự cứu chuộc. Một vết thương tỉnh thức, để nếu chúng ta có lỡ chạm vào đại ngàn, thì cũng nên thảng thốt giật mình mà tự răn đe. Tôi liền chuyển chủ đề: “Già có biết gì về bộ sưu tập ché cổ của K’Brêu không?”. Ánh mắt già K’Liuh rờ rỡ, nói: “Biết chớ! Nó là người duy nhất trong buôn còn giữ lại những nét văn hóa truyền thống”.
Chúng tôi cùng đến nhà K’Brêu nhưng K’Brêu không có nhà. Trong ngôi nhà dài, Bà Ka Nhôi - vợ của K’Brêu, cho biết: “Những chiếc ché này là của bà cố để lại!”. Tôi quan sát có cả thảy hơn 50 chiếc ché lớn, nhỏ khác nhau, được sắp xếp cẩn thận ở một bên vách nhà. Theo bà Ka Nhôi, để có được những chiếc ché này, cụ cố của bà đã phải lặn lội đổi mỗi chiếc ché từ 2 đến 10 con trâu, tùy theo giá trị của mỗi chiếc. Tuy nhiên, khi chúng tôi gặng hỏi về nguồn gốc, giá trị cụ thể của mỗi chiếc ché thì bà Ka Nhôi bảo “không biết”. Bà Nhôi nói là nói chơi vậy thôi, chứ là con của núi bà lạ gì ché. Ché gắn liền với đời sống sinh hoạt lễ hội thần thánh của đồng bào K’Ho tự ngàn đời. Ché thể hiện đẳng cấp, sự giàu - nghèo của người sở hữu. Hơn thế, ché còn được người K’Ho xem như một linh vật. Xưa kia, trong những đêm trường gió hú, bên ánh lửa nhà sàn, bên ché rượu cần không bao giờ cạn, các lời ru, kể hát được truyền từ đời bà, đời mẹ sang đời con, đời cháu. Cứ thế, cùng với tiếng cồng, tiếng chiêng, ngôi nhà dài, rượu cần, lửa rừng…, chiếc ché đã lặn sâu vào ký ức cộng đồng.
Ngôi nhà dài chính là nơi để “nuôi” cái ché, cái chiêng. Nhưng không gian ấy đang ngày càng bị thu hẹp. Mất rừng, mất nhà dài là mất đi một dạng thức văn hóa. Ước nguyện đơn giản của bà Ka Nhôi là “Giữ lại bộ ché cho con cháu” xem ra khá nan giải trong thời đại ngày nay, khi mà lũ con trai, con gái trong buôn thích pop, rock, dance sport… hơn là hát Yal yau, múa xoan... Tâm thức núi rồi đây sẽ ra sao? Nghĩ vậy mà rùng mình.
TRỊNH CHU