Hơn 20 năm trước, có một cặp vợ chồng từ đất Nam Định vào Lâm Đồng lập nghiệp để rồi bén duyên với nghề thêu. Đến nay, giữa vùng đất Đại Lào (Bảo Lộc) nắng gió, cơ sở thêu của họ hoạt động ổn định, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương và cả những lao động tại quê nhà…
Hơn 20 năm trước, có một cặp vợ chồng từ đất Nam Định vào Lâm Đồng lập nghiệp để rồi bén duyên với nghề thêu. Đến nay, giữa vùng đất Đại Lào (Bảo Lộc) nắng gió, cơ sở thêu của họ hoạt động ổn định, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương và cả những lao động tại quê nhà…
Nhiều lao động tại địa phương gắn bó với nghề thêu tại cơ sở Hải Yến |
Giữa thời buổi kinh tế khủng hoảng, khi mà đơn đặt hàng là nỗi mong chờ của nhiều cơ sở sản xuất thì tại xưởng của cơ sở tranh thêu Hải Yến (xóm 3, thôn 4, xã Đại Lào), những bàn tay vẫn thoăn thoắt trên các khung dệt. Miệt mài thêu một bức tranh phong cảnh, thợ thêu Trần Thị Kim Huyền cho hay nhà chị ở thôn 5, xã Đại Lào; tuy gia đình trồng cà phê, chè đã lâu năm nhưng chị vẫn muốn làm việc tại cơ sở này khi nông nhàn, thu nhập đều đặn mỗi tháng trên 2 triệu đồng đủ chi tiêu cho vài khoản chính trong gia đình. Theo chị, công việc không quá vất vả, giờ giấc linh động nên phụ nữ trong xã cảm thấy nhẹ nhàng khi gắn bó với công việc ở đây.
Đối với bà chủ Hải Yến, sự hoạt động nhịp nhàng của cơ sở thêu là niềm vui lớn bởi đối với nghề này, lúc đầu chị chỉ là một người “lạ nước” vào cao nguyên mưu sinh cùng bàn tay cứng và thô ráp. Bôn ba với nhiều việc làm khác nhau cho đến khi một công ty thêu tại Đà Lạt tổ chức dạy nghề và tuyển thợ, chị đã thử sức để tìm kiếm cho mình và gia đình một cơ hội mới. Sau 5 năm làm nghề, niềm say mê với đường kim mũi chỉ khiến chị quyết định dấn thân sâu hơn, không đơn thuần là một người thợ làm công ăn lương nữa.
Năm 2002, chị tự tin tách ra hoạt động độc lập, gây dựng cơ sở riêng. Hoạt động ngay tại vùng sản xuất nông nghiệp, chị Hải Yến đã khéo léo truyền nghề để không ít chị em có thể nhẹ nhàng ngồi vào khung dệt trong những ngày rảnh rỗi việc đồng áng, còn lại một bộ phận công nhân cơ hữu khoảng 100 chị em làm lâu dài với xưởng. Tạo sức cạnh tranh trên thị trường tranh thêu vốn rất đa dạng bởi sự sắc sảo và giá cả hợp lý, cơ sở ngày một mở rộng.
Tranh từ Đại Lào đã xuôi xuống Sài Gòn, về Nha Trang, ra Huế… Hiện nay, trung bình mỗi tháng cơ sở xuất xưởng khoảng 200 bức tranh, đa phần là tranh phong cảnh và tranh chân dung. Tháng nhiều nhất mà cơ sở trả lương cho công nhân là trên 350 triệu đồng. Doanh thu theo năm ước đạt tiền tỷ và hiện nay cơ sở đã phát triển thêm nhiều vệ tinh tại Lộc Nam, Lộc Thành (Bảo Lâm) và các địa phương tại Bảo Lộc.
Có năng khiếu truyền nghề bằng chính tay nghề nhuần nhuyễn và tính cách nhẫn nại, chị Hải Yến được cấp giấy phép dạy nghề từ năm 2008. Có “hậu phương” đầy tin cậy là anh Đỗ Văn Trọng - chồng chị phụ trách quản lý đơn hàng và giao dịch trên thị trường, chị có thể yên tâm đứng nhiều lớp dạy nghề do các ngành và địa phương tổ chức. Cơ sở tranh thêu Hải Yến đã nhận được Bằng khen của UBND tỉnh trong công tác quản lý và dạy nghề trong giai đoạn 2003-2005 và 2006-2010.
Đối với vợ chồng chị Hải Yến, dù xa quê lập nghiệp, họ vẫn đau đáu với mong muốn tạo công ăn việc làm cho lao động ở vùng quê Nam Định còn nghèo nhưng rất giàu truyền thống văn hóa. Họ đã cất công đào tạo thợ lành nghề, tạo lập cơ sở vệ tinh để khi có đơn hàng, khoảng cách Bắc- Nam như gần lại khi anh chị chỉ cần gửi mẫu về quê để chị em thực hiện rồi nhận hàng trở lại qua các chuyến xe. Cơ sở cũng có cả một vệ tinh tại vùng núi Tuyên Quang bởi một số chị em người dân tộc thiểu số sau khi học xong nghề đã trở lại vùng đất này làm đẹp từ vốn thêu thùa đã học được.
Sau hơn 20 năm rời quê đi làm kinh tế, đến giờ vợ chồng chị Hải Yến - anh Đỗ Văn Trọng có thể tự hào về quãng thời gian nỗ lực bôn ba, tìm được vùng đất lành, khi thành đạt đã sống trọn nghĩa trọn tình với quê hương!
HẢI YẾN