Bất an vì lưới điện cao thế bủa vây khu dân cư

03:07, 07/07/2013

Gần 10 năm nay, người dân tại khu tái định cư Khu công nghiệp Lộc Sơn (tổ 20, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) luôn phập phồng lo sợ khi phải sống chung với lưới điện cao thế 220 kV.

Gần 10 năm nay, người dân tại khu tái định cư Khu công nghiệp Lộc Sơn (tổ 20, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) luôn phập phồng lo sợ khi phải sống chung với lưới điện cao thế 220 kV. Mới đây, một đường dây 110 kV lại tiếp tục được lắp đặt và đấu nối đi xuyên qua khu dân cư khiến hàng chục hộ dân nơi đây thêm lo lắng. Dù ngành chức năng đã kết luận lưới điện đi đúng quy định và an toàn, nhưng người dân vẫn không khỏi bất an khi mối nguy hiểm “treo” lơ lửng ngay trước nhà!

Trẻ nhỏ vui chơi hàng ngày ngay dưới đường điện cao thế
Trẻ nhỏ vui chơi hàng ngày ngay dưới đường điện cao thế


Bà Nguyễn Thị Đôi (76 tuổi) đã 10 năm qua phải sống trong nỗi lo sợ vì lưới điện cao thế quá gần. Từ khi đất của gia đình bị giải tỏa để làm khu công nghiệp và chuyển về tái định cư tại đây, chưa lúc nào bà cảm thấy an tâm với cuộc sống hiện tại. Khu tái định cư được thiết lập ngay sát trạm biến áp 220 kV. Bà Đôi cho biết, mỗi khi trời mưa lớn, tay chân bà tê dại như có điện chạy qua người. Đã có lần, do bị phóng điện khi trời mưa nên nhiều thiết bị điện trong nhiều nhà dân đã bị cháy và hư hỏng. “Giờ lại mắc thêm đường điện đi ngay trên đầu thì không biết còn nguy hiểm đến mức độ nào. Người lớn, trẻ nhỏ ngày ngày phải sinh hoạt, vui chơi ngay dưới đường điện cao thế như thế thì không thể lường trước điều gì sẽ xảy ra” - bà Đôi lo lắng.

Không riêng bà Đôi, rất nhiều người bày tỏ lo lắng về mức độ ảnh hưởng của lưới điện đối với tính mạng và sức khỏe. Nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại trường hợp em Nguyễn Trọng Nguyên (13 tuổi) bị điện giật khi đang thả diều vào tháng 6/2012. Diều không vướng vào dây điện cao thế nhưng Nguyên vẫn bị phóng điện và phỏng toàn thân. Hiện, sức khỏe của Nguyên đã bình phục nhưng nửa người bên trái vẫn còn những vết sẹo co rút khiến tay trái không thể hoạt động bình thường. Bà Nguyễn Thị Xuân (hàng xóm của Nguyên) bức xúc: “Cả khu tái định cư có hàng chục trẻ nhỏ, ngày nào cũng phải đi lại, vui chơi và chung sống với lưới điện cao thế. Giờ nếu mắc thêm đường dây chằng chịt và lại đi ngang đầu nữa thì chắc phải cấm cửa tụi nó trong nhà luôn mới đảm bảo an toàn!”.

Đường dây 110 kV đang lắp đặt nối từ Nhà máy thủy điện Đạm Bri đến Trạm biến áp 220 kV để hòa vào lưới điện quốc gia. Trong đó, đoạn nối giữa 2 trụ đi ngay trên đường dân sinh với 24 hộ dân sống hai bên đường. Ông Hồ Sỹ Tuyết phản ánh: “Nếu tuyến dây được lắp đặt thì cuộc sống người dân sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Chẳng ai đủ can đảm và an tâm để làm ăn sinh sống ngay dưới đường điện cao thế như vậy. Bây giờ, ngay cả tôi muốn bán nhà đi nơi khác để sinh sống cũng chẳng ai dám mua. Nếu biết vào khu tái định cư mà như vậy thì ngay từ đầu chúng tôi đã không đồng ý di dời đến đây!”.

Người dân đã có đơn phản ánh gởi từ phường đến thành phố và tỉnh. UBND TP Bảo Lộc và tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý Dự án điện miền Nam (đơn vị quản lý tuyến đường dây này) điều chỉnh hướng tuyến, tránh đi qua khu dân cư. Tuy nhiên, sau khi xem xét phương án hướng tuyến và mức độ ảnh hưởng đến khu dân cư, ngày 20/6, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản khẳng định: “Nhà ở của các hộ dân có vị trí xây dựng không nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện của đường dây cao áp, nên cường độ điện không ảnh hưởng đến sức khỏe của các hộ dân sống trong khu vực. Do đó, việc người dân đề nghị điều chỉnh hướng tuyến đường dây điện 110 kV tránh đi qua khu dân cư là không có cơ sở để xem xét giải quyết”. Cơ sở để UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra kết luận này là đường dây 110 kV được lắp đặt chạy dọc theo tim đường giao thông, nên có hành lang an toàn theo chiều rộng là 9 m. Tính từ tim đường ra nhà dân ở hai bên đường thì vẫn đảm bảo về kỹ thuật đường dây điện và đảm bảo khoảng cách an toàn về hành lang lưới điện cao áp. Ông Nguyễn Tấn Thanh (người dân sống trên tuyến đường này) bày tỏ: “Ngày ngày, người dân vẫn phải đi lại trên con đường dân sinh này. Dù cho rằng dây điện cao thế đi trên đường dân sinh đảm bảo an toàn, nhưng người dân vẫn rất lo lắng!”.

Người dân sống dọc theo tuyến đường dây điện này đều bày tỏ nguyện vọng: Nếu có phương án hướng tuyến tránh qua khu dân cư thì UBND tỉnh nên yêu cầu đơn vị chủ đầu tư thực hiện. Dù về chuyên môn thì đường điện này không ảnh hướng đến sức khỏe và sinh hoạt của dân, nhưng cũng cần tính đến những rủi ro có thể xảy ra để điều chỉnh nhằm tạo an tâm cho người dân sinh sống hàng ngày.

ĐÔNG ANH