Chạy theo những giá trị ảo

03:07, 09/07/2013

Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu về xã hội, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam, cho rằng thói quen tiêu xài hoang phí, chuộng hình thức, thích phô trương của một bộ phận người Việt đã đặt ra câu hỏi về những giá trị mà họ theo đuổi, những thách thức đối với các giá trị thật, giá trị chân chính trong xã hội hiện nay.

Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu về xã hội, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam, cho rằng thói quen tiêu xài hoang phí, chuộng hình thức, thích phô trương của một bộ phận người Việt đã đặt ra câu hỏi về những giá trị mà họ theo đuổi, những thách thức đối với các giá trị thật, giá trị chân chính trong xã hội hiện nay.

Việt Nam hiện đang đứng thứ ba châu Á về “sính” hàng hiệu, hàng xa xỉ, hàng cao cấp. Và mặc dù tình hình kinh tế những năm gần đây, đặc biệt là năm 2013 được đánh giá và vô cùng khó khăn, nhưng chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ của Việt Nam vẫn tăng đều đặn. Ông đánh giá gì về xu hướng này?

PGS. TS. Trịnh Hòa Bình: Không thể phủ nhận được rằng người Việt có rất nhiều đức tính tốt, những đức tính tốt đó vẫn đi cùng con người Việt Nam, nó vẫn “trầm tích” trong lịch sử 4.000 năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay những “thói hư tật xấu” đang mọc lên rất nhiều trong xã hội. Thoáng nhìn thì ai đó vẫn sẵn sàng đổ lỗi cho kinh tế thị trường khi chúng ta bắt đầu tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới, thời kỳ hội nhập và mở cửa càng kích hoạt thêm những gì chưa hẳn là bền chắc, những gì chưa hẳn là cốt lõi của con người Việt Nam, dẫn đến những xu hướng lệch lạc trong đời sống xã hội.

Thực tế  cho thấy, Việt Nam chúng ta hiện nay hay được gia nhập vào tốp đầu của nhiều hiện tượng, như xung quanh câu chuyện về chỉ số hạnh phúc hay là một trong những quốc gia thích dùng hàng hiệu nhất châu Á. Bên cạnh đó, những hình thức mà chúng ta rất “sính” còn là các kỷ lục, các sự kiện để được ghi chép vào sử sách ở đâu đấy, thậm chí có những cái không được xem là giá trị truyền thống cũng cố tình đào bới, cố tình nặn bóp lên để cho mình trở thành oai: ví dụ như chai rượu thật "khủng", chiếc bánh chưng thật vĩ đại...

Người Việt mình dường như rất thích “đốt” tiền vì... bệnh sĩ.

Đến người Hà Nội bây giờ cũng đang mất dần thói quen sống kín đáo, tinh tế. Người Hà Nội xưa, khi giàu có, sang trọng cũng thể hiện rất nhẹ nhàng, kín đáo và sự nghèo khổ cũng kín đáo theo cách “đói cho sạch, rách cho thơm” chứ không ồn ào như bây giờ.

Bệnh sĩ, thích oai, sống ảo... sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ra sao, thưa ông?

PGS. TS. Trịnh Hòa Bình: Khi quốc gia còn nhiều khó khăn thì những câu chuyện về sự ăn tiêu không theo sức sản xuất trong giới showbiz, kiếm được bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm thời trang, đồ hiệu đắt tiền... trở thành một định hướng lệch lạc trong lối sống, nhất là giới trẻ. Ở khía cạnh này, chính truyền thông đã vô tình cổ súy cho sự giả dối và bệnh hình thức trong xã hội khi liên tục đăng tải những loại tin tức vô thưởng, vô phạt như thế.

Một số người ngộ nhận rằng khi mình có một ít tài sản mang tính thời trang thì mình sẽ gia nhập đẳng cấp cao hơn. Họ không biết rằng đó chỉ là váng bọt xà phòng thôi, nó sẽ vỡ ngay khi có cơn gió mạnh.

Nhiều người đang cố mua, thậm chí vay mượn để mua sắm các loại hàng siêu sang, xa xỉ với mong muốn thể hiện đẳng cấp? Ông nghĩ gì về điều này?

PGS. TS. Trịnh Hòa Bình: Tâm lý dùng hàng xa xỉ “đắp” vào người để thể hiện đẳng cấp, để trông giống như “người giàu”… trong xã hội ta là có. Nhưng  họ chỉ có thể cố trong một thời gian ngắn để khẳng định, để có được một cơ hội bằng sự trang trí, hình thức bên ngoài. Tuy nhiên, cơ hội không phải lúc nào cũng có, lúc nào cũng nhan nhản, nên thời gian người ta phải “kiễng” lên là quá dài. Họ cho rằng dù sao ít nhất về mặt hình thức (hình thức theo nghĩa tuyệt đối) thì dường như là ngang phân với những người có nội lực.

Chừng nào xã hội còn nhiều cơ hội để chụp giật, chừng nào còn những sự ngẫu nhiên ở trong đời sống, những cơ may thoảng qua bất chợt... (là đặc trưng của giai đoạn chuyển đổi) thì vẫn còn những người dù không đủ điều kiện nhưng cứ rướn lên, kiễng lên để chạy theo giá trị ảo.

Nhiều người biện minh rằng họ thích đẹp, thích sang thì có gì là xấu?

PGS.TS. Trịnh Hòa Bình: Khi các đối tượng "nhà giàu" khoác lên mình một lô hàng hiệu, tiêu dùng xa xỉ chỉ để thoả mãn cho sự khoe của, bất chấp sự khó khăn chung của xã hội, thì chúng ta có quyền phê phán về một hiện tượng đang chưa phù hợp với tiêu chuẩn xã hội.
 

Theo Phương Liên (Chinhphu.vn)