Làm việc tại Nhật được gì, cần gì?

04:07, 04/07/2013

Năm 2012, toàn tỉnh Lâm Đồng có 580 người đi làm việc tại nước ngoài, trong số đó lao động tại Nhật Bản chưa nhiều, chỉ tập trung ở huyện Lâm Hà với gần 50 người. Năm 2013, chỉ tiêu của Lâm Đồng có 600 người làm việc ở các nước, trong đó sẽ tăng số lượng đi Nhật Bản. Đây là thị trường lao động hấp dẫn, số lượng tham gia ứng tuyển cao, nhưng lại khó có được tấm visa nhập cảnh.

Năm 2012, toàn tỉnh Lâm Đồng có 580 người đi làm việc tại nước ngoài, trong số đó lao động tại Nhật Bản chưa nhiều, chỉ tập trung ở huyện Lâm Hà với gần 50 người. Năm 2013, chỉ tiêu của Lâm Đồng có 600 người làm việc ở các nước, trong đó sẽ tăng số lượng đi Nhật Bản. Đây là thị trường lao động hấp dẫn, số lượng tham gia ứng tuyển cao, nhưng lại khó có được tấm visa nhập cảnh.

Thí sinh làm trắc nghiệm sơ tuyển tại Đà Lạt
Thí sinh làm trắc nghiệm sơ tuyển tại Đà Lạt


Thị trường hấp dẫn

Chứng kiến buổi sơ tuyển của hơn 50 thí sinh đến từ các huyện, thành trong tỉnh với nhiều đối tượng từ lao động chưa có tay nghề, đã có tay nghề đến sinh viên tốt nghiệp đại học mới biết sự háo hức của họ. Về lý thuyết, hầu như ai cũng tìm cho mình được câu trả lời đúng vì sao đến nước Nhật để làm việc. Tô Văn Cường, sinh năm 1985, có 4 năm làm cơ khí tại Đơn Dương nói lý do chọn Nhật Bản đi làm việc vì biết đây là nước có ngành công nghiệp phát triển, đến Nhật muốn học hỏi trình độ kỹ thuật để sau này về nước có cơ hội lập nghiệp. Còn Nguyễn Thị Thu Ngọc, sinh năm 1987 ở Bảo Lộc thì chia sẻ: Hoàn cảnh hôn nhân trắc trở, đang làm nghề uốn tóc nhưng “quyết tâm” đi làm tại Nhật Bản để có thu nhập cao gửi về nuôi con nhỏ đang ở với ông bà ngoại. Ngoài vấn đề thu nhập, Thu Ngọc cũng bộc bạch rằng cô “rất thích nền văn hóa Nhật Bản”, đó là môi trường để bản thân học hỏi được nhiều điều bổ ích. Thí sinh Nguyễn Quốc Thắng ở Đà Lạt, sinh năm 1983, thợ cơ khí gần 8 năm, chọn thị trường lao động Nhật Bản với lý do học hỏi khoa học, cách sống của người Nhật. Còn tân cử nhân ngành Đông Phương Trần Thị Hằng thì chia sẻ rằng, cô đã có ít vốn về ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, rất muốn được làm việc tại nước này vì sự hấp dẫn của thu nhập và văn hóa của nước Nhật. “Thi tuyển để thử sức mình, vả lại, ngành học của em khó xin việc đúng chuyên môn mà có xin được thì thu nhập cũng thấp lắm”, Hằng nói.

Một dẫn chứng sinh động là Nguyễn Thị Kiều Nhung ở Lâm Hà làm công nhân may tại Nhật Bản hơn 1 năm nay. Mẹ của Nhung - bà Đào Thị Xuân Mai, Bí thư chi bộ thôn Chi Lăng 2, thị trấn Nam Ban, cho biết: Sau khi không đỗ đại học, tháng 4/2012, Kiều Nhung đi lao động tại Nhật Bản thông qua Công ty SOVILACO; với mức thu nhập trung bình 25 triệu đồng/tháng, Nhung đã giải quyết được hàng loạt công việc của gia đình từ nợ nần đến mua sắm và tích lũy. “Nó thích ở lắm, xong hợp đồng nó sẽ đi lao động tiếp ở Nhật Bản”, bà Mai hồ hởi kể.  

Nhưng điều kiện không dễ

Tại buổi sơ tuyển, Giám đốc Công ty Dầu khí Sài Gòn Nhân lực Dương Thị Cúc yêu cầu kiểm tra chỉ số IQ, kiến thức cơ bản về toán để tìm hiểu khả năng nhạy bén tư duy của thí sinh. Sau khi trúng sơ tuyển, thí sinh phải qua từ 3 - 6 tháng học tiếng Nhật tùy theo năng lực rồi tiếp tục sàng lọc lần nữa mới được chính thức tham gia phỏng vấn với đối tác người Nhật. “Các em phải nắm vững được văn hóa, tác phong, tập quán và luật pháp của người Nhật. Và muốn thế phải thực sự giao tiếp tốt tiếng Nhật như tiếng mẹ đẻ”, bà Cúc nhấn mạnh. Công ty của bà mỗi năm giới thiệu hàng ngàn người đi làm việc tại các nước, trong đó có thị trường Nhật Bản. Điều kiện đi làm tại Nhật, bà Dương Thị Cúc cho biết: đối với lao động bậc cao, chuyên gia, tuyển dụng trình độ tốt nghiệp đại học trở lên, có chuyên môn kỹ thuật cao như kỹ sư cơ khí, điện, tin học… và tiếng Nhật tương đương 2 kuyu (tương đương tốt nghiệp Đại học tiếng Nhật). Đối với lao động nghề nói chung, trình độ văn hóa tối thiểu lớp 12/12 hoặc cao đẳng trở lên mới có khả năng tiếp thu; dưới 26 tuổi; sức khỏe tốt; tiếng Nhật tốt, nam 1m65 trở lên, nặng 55 kg trở lên và nữ 1m55 trở lên, nặng 45 kg trở lên. Hiện thị trường lao động Nhật Bản tuyển dụng 156 ngành nghề khác nhau, trong đó đang có nhu cầu lớn đối với nam là xây dựng, cơ khí, hàn… và đối với nữ là chế biến thực phẩm, nông nghiệp, thợ may… Thu nhập bình quân ở Nhật được tính theo vùng miền (căn cứ vào mức chi tiêu của thị trường), nhưng bình quân hiện nay từ 120 ngàn yên đến 145 ngàn yên (khoảng gần 30 triệu đến hơn 50 triệu đồng/tháng). Các chủ nghiệp đoàn sử dụng lao động ở Nhật hướng dẫn rất tận tình về tay nghề và quan tâm chu đáo đến nơi ăn ở của người lao động. Để thành đạt trên đất nước Nhật Bản, theo Giám đốc Dương Thị Cúc, “hành trang” của người lao động Việt Nam là: tạo thiện cảm ban đầu trong sinh hoạt và trong công việc; luôn vui vẻ và tươi cười; luôn kính trọng, lễ phép; sạch sẽ và ngăn nắp ở mọi nơi; hiền lành, cần cù, có ý chí quyết tâm cao… và “Hỏi chỉ xấu hổ 1 giây, không hỏi xấu hổ cả đời”, đó là câu ngạn ngữ của người Nhật rất cần biết để thường xuyên ứng xử đúng. Quyền Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động của Sở LĐTB&XH Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Lần đầu tiên chúng tôi tổ chức lớp học tiếng Nhật căn bản tại Đà Lạt cho các thí sinh đã trúng sơ tuyển. Sau khi học xong, căn cứ theo đơn hàng, chúng tôi sẽ tiến hành ký hợp đồng với doanh nghiệp đào tạo cho họ và khi đã trúng tuyển có hợp đồng chính thức làm việc tại Nhật Bản, chúng tôi sẽ giới thiệu cho các em đến ngân hàng vay vốn. Vậy là mọi điều kiện khách quan từ chính sách của Nhà nước Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản luôn luôn chào đón, sự quyết định thành đạt tại đất nước hoa anh đào phụ thuộc hoàn toàn vào chính người lao động.

MINH ĐẠO