Món ăn thuốc cho bệnh vảy nến

08:07, 26/07/2013

Vướng bệnh nào cũng khổ nhưng nếu so sánh một cách tương đối thì vảy nến (psoriasis) là bệnh ngoài da đứng đầu về mức độ gây khó chịu

Bơ, cà rốt, xoài rất tốt cho bệnh nhân bị vảy nến Ảnh: TƯ LIỆU
Bơ, cà rốt, xoài rất tốt cho bệnh nhân bị vảy nến Ảnh: TƯ LIỆU
Vướng bệnh nào cũng khổ nhưng nếu so sánh một cách tương đối thì vảy nến (psoriasis) là bệnh ngoài da đứng đầu về mức độ gây khó chịu
 
Không chỉ vì bệnh vảy nến gây ngứa ngáy liên hồi mà còn vì hình ảnh mất vệ sinh của lớp vảy trắng rơi lả tả khắp nơi khiến người bệnh khó lòng tham gia sinh hoạt cộng đồng.
 
Bệnh sở dĩ có tên là vảy nến vì da ở đầu, đùi, cánh tay, khuỷu tay, nhượng chân, lưng… trở nên sần sùi và đóng vảy khô từng mảng. Khổ hơn nữa là bệnh thường xuất hiện ở người trẻ, trong lứa tuổi 15-25, tuổi đang làm dáng! Không lạ gì khi tỉ lệ trầm cảm rất cao ở người bị vảy nến do hậu quả của nhiều ngày lo buồn, chán nản. Đã thế, nguyên nhân của bệnh lại đa dạng khó lường, có thể sau đợt nhiễm trùng hay cơn bệnh nặng, sau lần giải phẫu hay chấn thương, do ngộ độc hóa chất vì phản ứng phụ của thuốc hay đơn giản nhưng thường gặp hơn là do stress!
 
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh vảy nến, từ cách dùng tia tử ngoại, tia laser mềm cho đến ngâm tẩm bằng dược thảo. Hình thức thường được áp dụng vẫn là các loại thuốc có chứa corticosteroid, dù hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn do 2 trở ngại cơ bản: bệnh không dứt hẳn sau khi ngưng thuốc, thuốc có nhiều phản ứng phụ tai hại không thua căn bệnh.
 
Do đó, nhiều thầy thuốc hiện nay có khuynh hướng trở về với dinh dưỡng liệu pháp nhằm vận dụng hoạt chất dễ dung nạp trong thực phẩm để thay thế tác chất dễ gây hại trong dược phẩm.
 
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy người bệnh vảy nến nên lưu ý:
 
- Cá biển loại có nhiều Omega-3 như cá hồi, cá thu, cá sa ba… Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu dùng 150 g Omega-3 mỗi ngày trong nhiều ngày liên tục có thể giảm lượng thuốc corticosteroid đến phân nửa mà không mất hiệu năng của thuốc nhờ Omega-3 có tác dụng ức chế các chất sinh viêm trong bệnh vảy nến như leucotriene 3 và 5.
 
- Rau quả có nhiều beta-caroten như bơ, cà rốt, đặc biệt là xoài, để bảo vệ cấu trúc mong manh của da.
 
 - Mè đen vì vừa chứa dầu béo có cấu trúc tương tự Omega-3 vừa cung cấp sinh tố E cần thiết cho lớp sợi collagen dưới da.
 
- Bông cải xanh (broccoli) để bổ sung axít folic là tác chất sinh học giữ vai trò quan trọng trong tiến trình tổng hợp kháng thể. Chất này lại rất dễ thiếu đối với người bị bệnh vảy nến.
 
- Nghêu, sò nhằm cung ứng kẽm, khoáng tố tối cần thiết không chỉ cho da mà cho sức đề kháng. Người bị vảy nến không nên có định kiến phải tránh hải sản vì sợ các món ăn này gây thêm ngứa ngáy. Quan điểm đó chỉ đúng nếu người bệnh đã dị ứng với hải sản trước đó.
 
 Mặt khác, người bệnh vảy nến nên giới hạn các món dưới đây:
 
 - Thịt, sữa, trứng vì chứa nhiều arachidon là chất xúc tác cho phản ứng viêm tấy không chỉ ngoài da mà trong khớp, trên thần kinh ngoại biên…
 
- Rượu, bia vì độ cồn là đòn bẩy cho phản ứng thoái biến các loại chất đạm có tác dụng sinh dị ứng. Hơn nữa, tiến trình giải độc rượu của gan bị trì trệ rất nhiều ở người có cơ địa vảy nến. Cụ thể hơn, tuy với cùng một lượng rượu nhưng độ cồn trong máu của người bệnh vảy nến sau đó lại cao hơn nhiều nếu so sánh với người không bệnh.
 
Vảy nến là bệnh nhiêu khê. Bệnh nhân không có lý do gì không thử áp dụng phương pháp dùng món ăn như dùng thuốc vì đằng nào cũng đã dựa lưng sát vách.
(Theo Báo Người lao động)