Người cựu binh và ký ức về khu tam giác

03:07, 23/07/2013

Chiến đấu tròn 20 năm ở khu tam giác trên chiến trường Tuyên Đức, các trận chiến trên tuyến đường 11 (Cầu Đất), đường 21 (thị trấn Dran, Đơn Dương) và trục đường 20 hiện nay vẫn ghi lại những ký ức đậm nét trong người cựu chiến binh - thương binh Hà Tấn Thành (xã Quảng Lập, Đơn Dương)…

Chiến đấu tròn 20 năm ở khu tam giác trên chiến trường Tuyên Đức, các trận chiến trên tuyến đường 11 (Cầu Đất), đường 21 (thị trấn Dran, Đơn Dương) và trục đường 20 hiện nay vẫn ghi lại những ký ức đậm nét trong người cựu chiến binh - thương binh Hà Tấn Thành (xã Quảng Lập, Đơn Dương)…

Cựu chiến binh Hà Tấn Thành trong đời thường
Cựu chiến binh Hà Tấn Thành trong đời thường


Quảng Lập những ngày bình yên, công việc đều đặn của người cựu chiến binh Hà Tấn Thành và gia đình là thu gom nông sản để chuyển đến các nhà máy xay xát. Là thương binh hạng 4/4, dù bom đạn vẫn còn găm lại trong thân thể nhưng đối với ông, những công việc thường nhật ấy là điều khá bình thường bởi được sinh hoạt, sản xuất, có cơ hội làm kinh tế sau bao năm cơ cực. Chúng tôi đến gặp ông với ý định ban đầu là tìm hiểu về một nhân vật tiêu biểu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương nhưng khi gặp ông, những câu chuyện quá khứ lại có sức hút không kém. Đó là những câu chuyện của ông và đồng đội trong thời kỳ chiến đấu, giành lại hòa bình trên quê hương…

Chiến sỹ Hà Tấn Thành chính thức gia nhập Đại đội 830 từ năm 1964, thuộc lực lượng công binh chiến đấu ở Đơn Dương. Nhiệm vụ của đơn vị là  hàng ngày đánh xe địch trên các trục đường 11, 20 và 21. Ba tuyến đường này tạo thành thế tam giác trọng điểm tại chiến trường Đơn Dương, có sự hợp lực của nhiều đơn vị của ta để đánh địch. Vào năm 1969, dưới sự chỉ huy của Tỉnh đội trưởng Lê Như Ý, Đại đội 830 thực hiện nhiệm vụ cắt đứt chi viện của giặc bằng cách đặt kíp nổ tại đường ống thủy điện Đa Nhim. Trong 10 ngày phục kích, các chiến sỹ dầm dề với sương núi Sông Pha, ăn cơm nguội cầm hơi. Cứ khoảng 5 phút lại có một tốp lính giặc đi tuần tra, trong tình thế ấy, để có được thời cơ, tinh thần của bộ đội ta là vừa kiên nhẫn vừa nhanh chóng hành động khi thuận lợi. Và sau 10 ngày, ông cùng đồng đội tiếp cận được mục tiêu, gắn kíp nổ vào đường ống rồi  bấm điện. Khi đường ống hỏng, nước xả ngập đường 21, cắt chi viện của địch lên Đà Lạt. Kỷ niệm ấy khiến đồng đội khi gặp lại nhau vẫn nhớ như in.

Trong một dịp khác, khi địch đi khánh thành đài ra - đa tại Cầu Đất (Đà Lạt), Đại đội 830 nhận nhiệm vụ phối hợp cùng các đơn vị khác đánh xe địch. Phục kích suốt chiều dài từ Dốc Đu đến Suối Dục (tuyến đường từ Trại Mát đến Xuân Trường, Đà Lạt ngày nay), quân ta đã diệt gọn xe địch, trong đó 6 chiến sỹ của Đại đội 830 đã diệt một đại đội địch gồm 3 xe GMC, mỗi xe chở khoảng 60 tên địch. Trong thời gian này,  ông đã được tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”, “Dũng sỹ diệt cơ giới”…

Chiến đấu và phục vụ chiến trường Đơn Dương tròn 20 năm, năm 1984, ông nghỉ chế độ thương binh và bệnh binh. Đơn Dương cũng là nơi ông đã gặp người bạn đời - bà Lê Thị Hoa cũng là người có bề dày hoạt động trong các vùng rừng núi Đơn Dương. Sau khi nghỉ chế độ, ông là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh đầu tiên khi xã Quảng Lập được tách ra từ xã Ka Đô.

Ở “thời hiện tại”, cựu chiến binh Hà Tấn Thành - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Quảng Lợi, xã Quảng Lập là người được bà con nhắc đến nhiều khi là người phát động nhân dân đóng góp tiền để xây dựng hệ thống chiếu sáng. Chi hội Cựu chiến binh gồm 22 anh em đã cùng vận động để mua dây điện, bóng điện, chóa đèn, cùng “xua tan bóng tối” ở khu dân cư, góp phần dẹp nạn trộm cắp ban đêm. Nhận thấy sự tích cực của mô hình này, bà con các khu dân cư khác đã cùng nhân rộng thực hiện.

Về với đời thường, ông cùng vợ đã “chèo lái” làm kinh tế bằng cách lập một trong những đầu mối đầu tiên thu gom lúa, bắp của bà con các xã Proh, Tu Tra, Ka Đơn… Mỗi năm hai vụ lúa và một vụ bắp, cả gia đình miệt mài giải bài toán kinh tế và trở thành địa chỉ thu mua uy tín, mỗi năm thu gom hàng trăm tấn nông sản. Hạt gạo Đơn Dương từ đây trở thành nguyên liệu để làm bún, làm bánh cho huyện Đức Trọng, Đà Lạt và một số tỉnh thành lân cận… Ở tuổi bảy mươi, ông vẫn hoạt động không ngơi nghỉ và trong gia tài của mình, ông trân trọng và lưu giữ đầy đủ các câu chuyện, kỷ vật của quá khứ, trong đó, có rất nhiều huân, huy chương của một thời kháng chiến chống Mỹ…

Hải Yến