Người cựu chiến binh làm giàu từ nuôi bò sữa

04:07, 24/07/2013

Nhắc đến cựu chiến binh Thân Thị Cửu, người dân tổ 2, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) ai nấy đều tấm tắc ngợi khen về một tấm gương điển hình trong chăn nuôi bò sữa.

Nhắc đến cựu chiến binh Thân Thị Cửu, người dân tổ 2, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) ai nấy đều tấm tắc ngợi khen về một tấm gương điển hình trong chăn nuôi bò sữa.

Bà Cửu quê ở Bắc Giang, đi lính năm 1978, khi vừa tròn 18 tuổi, đến năm 1981, bà phục viên về với đời thường. Năm 1987, sau khi lấy chồng và có với nhau hai mặt con, thấy ở quê khó có thể làm giàu được, vợ chồng con cái bà Cửu quyết định “Nam tiến” và chọn huyện Đức Trọng, Lâm Đồng là nơi dừng chân để xây dựng cuộc sống mới.

Những thiết bị hiện đại đã hỗ trợ rất nhiều cho bà Cửu trong việc chăn nuôi bò sữa. (Trong ảnh: Bà Cửu đang điều khiển máy vắt sữa bò)
Những thiết bị hiện đại đã hỗ trợ rất nhiều cho bà Cửu trong việc chăn nuôi bò sữa.
(Trong ảnh: Bà Cửu đang điều khiển máy vắt sữa bò)

Những ngày đầu trên vùng đất mới là những ngày đầy vất vả, cực nhọc. Gia đình bốn miệng ăn lúc bấy giờ ở nhờ nhà người thân, bà Cửu thì ngày ngày kiếm cơm bằng nghề làm thuê, làm mướn; còn chồng bà, ông Đức thì đắp đổi qua ngày bằng nghề làm mộc. Nhưng cuộc sống vẫn luôn thiếu trước, hụt sau. Đến năm 1990, 1992, hai đứa trẻ nữa lại lần lượt ra đời, khiến cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng thêm cơ cực. Để chèo chống gia đình 6 miệng ăn, vợ chồng bà Cửu quyết định đi buôn la ghim. Thời gian đầu, ít người buôn, nên thu nhập từ nghề này cũng đủ để vợ chồng bà trang trải cuộc sống, mua được đất rồi cất nhà. Nhưng đến năm 2006, nhận thấy có nhiều người chọn nghề buôn la ghim làm nghề sinh sống, vợ chồng bà quyết định phải đổi nghề, nếu không thì sẽ không thể nào cạnh tranh nổi. Vậy là sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, vợ chồng bà quyết định chọn nghề nuôi bò sữa.

Nghĩ là làm, bà Cửu quyết định “khởi nghiệp” nuôi bò sữa bằng cách dùng số tiền tiết kiệm có được mua 5 con bò sữa. Đến năm 2007, bà quyết định vay ngân hàng 100 triệu đồng để mua tiếp 7 con bò sữa nữa, đưa tổng số bò sữa trong chuồng cứ tăng theo cấp số cộng. Và hiện tại, lúc nào trong chuồng của gia đình bà Cửu cũng có trung bình từ 28-30 bò sữa, bê. Tuy nhiên, không phải lúc nào nghề nuôi bò sữa của gia đình bà Cửu cũng “xuôi chèo mát mái”. Khoảng một vài năm đầu khi làm quen với nghề nuôi bò sữa, bà Cửu đã gặp không ít khó khăn. “Khoảng thời gian đầu, năm nào bê cũng chết 1-2 con là chuyện bình thường, có thời điểm như năm 2009, vì thiếu kinh nghiệm, sau khi cho bò ăn khoai lang chín, cả 6 con bò liền lăn đùng ra chết. Lúc đó, thiệt hại cả trăm triệu đồng, nhưng vợ chồng tôi không nản chí, phải quyết tâm rút kinh nghiệm, làm lại và phải làm tốt hơn”- bà Cửu cho biết. Rút kinh nghiệm ở những lần nuôi trước, vợ chồng bà Cửu đã làm chuồng trại với qui mô lớn, luôn đảm bảo thông thoáng về mùa hè, ấm áp về mùa đông, đặc biệt là khâu chăm sóc thú y. Không những vậy, bà Cửu cũng luôn tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi bò sữa do các cấp tổ chức, vì vậy mà kinh nghiệm nuôi bò sữa của vợ chồng bà ngày một vững hơn. Đồng thời, bà Cửu cũng nhận ra rằng, chăn nuôi bò sữa ngoài việc phải cho bò ăn những thức ăn tốt, thì người chăn nuôi phải hiểu được tính cách của từng con một để có cách chăm sóc chúng được tốt hơn.

Từ nghề nuôi bò sữa, kinh tế của gia đình bà Cửu ngày càng ổn định. Chỉ năm năm sau khi đến với nghề nuôi bò sữa, vợ chồng bà không những trả xong nợ ngân hàng, mà còn có của ăn của để. Và vài năm trở lại đây, từ việc bán sữa hàng ngày, bán bê con bà thu được khoảng gần 1 tỷ đồng mỗi năm, sau khi trừ hết các chi phí, cũng cho lãi khoảng trên 400 triệu đồng. Có tiền, vợ chồng bà đầu tư mua máy vắt sữa, mua máy băm cỏ và mua thêm cả đất để trồng cỏ nuôi bò, đưa diện tích đất nuôi bò hiện có lên hơn 1,2 ha. “Nhờ có những thiết bị hiện đại hỗ trợ, nên thời gian cắt cỏ, vắt sữa cũng rút ngắn hơn rất nhiều, nghề nuôi bò sữa cũng không còn vất vả như trước kia nữa. Vậy nên, tôi vẫn có thời gian tập dưỡng sinh, sinh hoạt Hội Cựu chiến binh với anh em đồng chí trong tổ và đặc biệt là có thời gian vui vầy với các cháu” - bà Cửu vui vẻ bộc bạch.

THY VŨ