Người thương binh giỏi việc nước, đảm việc nhà

03:07, 23/07/2013

Bà Cao Thị Lan là thương binh nặng nhưng đã khắc phục khó khăn, giàu nghị lực để vươn lên làm giàu chính đáng. Bà còn tham gia công tác xã hội chăm lo cho đối tượng chính sách và xây dựng gia đình hiếu học với 4 đứa con đều thành đạt.

Bà Cao Thị Lan là thương binh nặng nhưng đã khắc phục khó khăn, giàu nghị lực để vươn lên làm giàu chính đáng. Bà còn tham gia công tác xã hội chăm lo cho đối tượng chính sách và xây dựng gia đình hiếu học với 4 đứa con đều thành đạt.

Bà Lan với cuộc sống thảnh thơi của người thương binh nặng đã hoàn thành “Giỏi việc nước” vẫn luôn “Đảm việc nhà”
Bà Lan với cuộc sống thảnh thơi của người thương binh nặng đã hoàn thành “Giỏi việc nước” vẫn luôn “Đảm việc nhà”


Trong ngôi nhà khang trang, sạch đẹp với khuôn viên rộng nhiều hoa và cây xanh ở Tổ dân phố Phú Thuận 2 - thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương chỉ có 2 vợ chồng già chăm sóc nhau và hàng ngày bận rộn với việc chăm sóc cho khu vườn hoa trái quanh nhà. Ông bà rất tự hào về 5 người con thì có 3 kỹ sư và 1 giáo viên.

Bà Cao Thị Lan sinh năm 1945 quê gốc Quảng Nam, xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng. Mẹ ruột hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1949 khi bà còn rất nhỏ, cha ruột và mẹ kế cùng hy sinh trong trận đánh Mỹ năm 1966 tại Gò Nổi. Bà hát một đoạn bài hát kể về trận đánh ấy ở quê hương đã làm hy sinh một lúc 30 người trong đó bà con thân nhân của bà mất 10 người, bà hát rằng: “Chiều hôm ấy 12 tháng 7/ Lũ giặc càn Phi Phú, Điện Quang/ Chúng lên giết cả xóm làng…”.

Vượt lên nỗi đau mất mát, nối tiếp truyền thống vẻ vang, bà Lan tham gia hoạt động cách mạng, trở thành thương binh nặng với tỉ lệ thương tật 81%. Năm 1976 từ Quảng Nam vào lập nghiệp với đàn con nhỏ, sức lực có hạn, bà Lan vượt qua nhiều khó khăn để xứng danh bộ đội Cụ Hồ và “Thương binh tàn nhưng không phế”. Bà tích cực tham gia công tác Lao động - TBXH của xã Lạc Nghiệp từ năm 1978 - 1987 đóng góp sức mình để chăm lo cho các đối tượng chính sách ở địa phương. Bên cạnh đó, bà cùng chồng vượt lên khó khăn, tăng gia sản xuất, trồng lúa, trồng hồng ăn quả, trồng dâu nuôi tằm. Nhà có 9 sào đất cứ quay vòng trồng trọt, thu hái, cần cù lao động, thực hành tiết kiệm gia đình bà Lan đã xây dựng ngôi nhà ở khang trang, sạch đẹp trị giá 200 triệu đồng vào năm 2005. Các con đều học hành đến nơi đến chốn, 1 kỹ sư điện đang làm Trưởng trạm biến áp của Công ty lưới điện cao thế Tp.HCM, 1 kỹ sư cầu đường đang làm Trưởng Phòng kiến trúc hạ tầng của Trung tâm tư vấn công nghiệp Đồng Nai, 1 kỹ sư nông lâm… Gia đình bà Lan nhiều năm liền được công nhận gia đình văn hóa và gia đình hiếu học.

Con cái lớn khôn như cánh chim bay đi xây tổ ấm mới, căn nhà rộng bây giờ trở nên rộng hơn chỉ có hai vợ chồng ông bà Lan sớm tối chăm sóc nhau. Ông Trần Trợ hàng ngày gắn bó và theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của vợ nói rằng: Bà ấy bị rối loạn tuần hoàn não nằm suốt mấy ngày. Con cháu đứa ở xa, có đứa ở gần cũng hay lui tới thăm nom chăm sóc. Lúc khó khăn cũng như khi cuộc sống khá hơn chúng tôi đều giáo dục các con nêu cao truyền thống của gia đình cách mạng, giáo dục tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập và công tác.  

Chị Trần Thị Lệ Thu, cán bộ làm công tác Lao động - TBXH của thị trấn D’Ran cho biết: Gia đình bà Lan là điển hình của cuộc sống người “Thương binh tàn nhưng không phế”, bà tham gia tích cực mọi hoạt động của địa phương, xây dựng gia đình hiếu học, kinh tế phát triển. Không chỉ gia đình bà Lan mà tất cả 142 gia đình chính sách ở thị trấn D’Ran đều có mức sống từ trung bình, khá trở lên, không còn hộ nghèo, chỉ còn 4 hộ chính sách cần hỗ trợ nhà ở. Thị trấn D’Ran làm tốt các hoạt động thăm viếng, tặng quà, động viên tinh thần, tạo vốn sản xuất cho gia đình chính sách tạo ra được phong trào cả xã hội cùng tham gia “Đền ơn đáp nghĩa”. Trong đó, bà Lan là điển hình nữ thân nhân và người có công tiêu biểu được tỉnh biểu dương.

AN NHIÊN