Vòng luẩn quẩn đông con - đói nghèo vẫn ngự trị ở xã Đạ Tông (Đam Rông). Thành trì của tư tưởng lạc hậu "Trời sinh voi sinh cỏ" trong đồng bào từ bao đời đã ăn sâu vào lớp trẻ đến bây giờ khó mà phá bỏ.
Vòng luẩn quẩn đông con - đói nghèo vẫn ngự trị ở xã Đạ Tông (Đam Rông). Thành trì của tư tưởng lạc hậu “Trời sinh voi sinh cỏ” trong đồng bào từ bao đời đã ăn sâu vào lớp trẻ đến bây giờ khó mà phá bỏ. Dễ thấy ở đây nhiều gia đình có 7-8 con, trong đó cán bộ Đoàn, giáo viên mầm non và nhiều đôi vợ chồng trẻ đã “con đàn cháu lũ”. Cái đói thường trực trong những nóc nhà đông đúc trẻ con ở Đạ Tông.
Vợ chồng chị N’tơn K’Ngoan và anh Cil Ha Phô mới 32 tuổi đã sinh 7 đứa con |
Chúng tôi ám ảnh bởi bữa ăn trưa của gia đình vợ chồng anh Kơ Ja Ha Srai (sinh năm 1975) và chị Liêng Hót K’Grang (sinh năm 1970) với 7 đứa con ở thôn Mê Ka, xã Đạ Tông. Bếp nguội tăm từ lâu, ba chiếc nồi được bày ra gồm một nồi cháo trắng, một nồi chỉ có cơm nguội cháy và một nồi có ít “rau” là lá sắn (mì) kho với dầu. Chỉ có vậy mà những đứa trẻ ăn ngon lành.
Ngồi bó gối co ro, anh Kơ Ja Ha Srai than thở: “Mình muốn có sức khỏe để đi làm thuê nhưng mà bị bệnh huyết áp cao nên không làm gì được. Nhà không đủ ăn, bữa có bữa không, có ngày không ăn, mình không biết làm gì, nhờ anh em cho gạo, bà con dòng họ cho cơm, mình chỉ muốn nhà có điều kiện đủ ăn”. Chị Liêng Hót K’Grang cũng than thở rằng: Mình biết đông con là khổ nên cũng đã áp dụng biện pháp tránh thai nhưng không hợp cứ hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn nên không sử dụng nữa. Năm 2000, khi đã có 2 con, chị K’Grang đi đặt vòng được 2 năm lại đi tháo vòng ra. Đến khi sinh đứa con thứ tư, chị áp dụng tiêm thuốc tránh thai được 6 tháng thì bỏ, rồi sinh tiếp, đến nay đã có con thứ 7 được 19 tháng tuổi.
Nói rằng không thích đông con nhưng anh Kơ Ja Ha Srai lại khăng khăng cứ sinh nữa, có thể đẻ đến đứa thứ 10. Phép tính của anh đơn giản là: con đông thì đứa nhỏ cho đi học, đứa lớn đi làm thuê, tìm củi để bán đong gạo. 7 đứa con (5 trai, 2 gái) có ba đứa đi học thì đứa lớn nhất (sinh năm 1994) học lớp 9 đã nghỉ học. Nhà chỉ có 2 sào lúa và trông cậy vào 2 đứa lớn hàng ngày đi lên rừng tìm củi bán được khoảng 20 ngàn đồng/ngày.
Chị Ka Chú, cộng tác viên dân số - KHHGĐ của thôn Mê Ka nói gia đình này nghèo vì đông con, sinh dày, người chồng thì có bệnh nên hay bị ngất xỉu, không làm gì được. Vận động 2 vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai thì họ không chịu, bảo rằng không có đủ sức khỏe.
Đến thôn Đa Nhing 1 thăm gia đình cặp vợ chồng mới 32 tuổi đã có 7 đứa con, chúng tôi không thể nào tin được có người thai phụ vừa sinh con được 4 tháng mà gầy gò, xanh xao đến mức không thể nào gầy hơn thế nữa. Đó là gia đình chị N’tơn K’Ngoan (sinh năm 1981) và anh Cil Ha Phô (sinh năm 1980) có tất cả 7 đứa con (4 trai và 3 gái), đứa lớn nhất 12 tuổi và nhỏ nhất 4 tháng đều suy dinh dưỡng nặng. Lao động chính trong nhà là anh Cil Ha Phô làm lụng nuôi vợ, đàn con và mẹ già đã 80 tuổi - bà Cil K’Giang. Bà cụ bảo rằng: “Chúng nó đông con khổ lắm. Ngày trước, tôi cũng sinh 8 đứa con, mất hết 2 đứa, cũng khổ lắm!”. Hoàn cảnh gia đình con đông, mẹ già, vợ ốm yếu, thu nhập nhờ có 4 sào ruộng và 6 sào bắp, Cil Ha Phô bảo: “Nhà mình không còn là hộ nghèo vì xã đã thu lại sổ nghèo rồi!”.
Chị N’tơn K’Ngoan mới sinh con mà gầy quắt queo, không có sữa để nuôi con, đang bồng đứa trẻ mặt đầy vết lở loét do thủy đậu, thỉnh thoảng khóc ngặt nghẽo, cho biết: “Trạm y tế xã có tuyên truyền vận động thực hiện biện pháp tránh thai nhưng mình không làm được vì ốm yếu quá, thường xuyên bị chóng mặt”. Còn anh Cil Ha Phô nói rằng không thích đẻ nhưng không áp dụng biện pháp tránh thai. Khi BS Cao Thị Thu Ba, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh giải thích vận động Ha Phô nếu thương vợ, thương con thì nên đi triệt sản để dừng lại không sinh con nữa, biện pháp này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, Cil Ha Phô chỉ đứng im lặng ứa nước mắt. Với kinh nghiệm của bác sĩ nhiều năm chăm sóc sức khỏe sinh sản, BS Thu Ba cảnh báo K’Ngoan sinh thêm nữa sẽ dẫn đến tử vong mẹ do sức khỏe người mẹ quá suy kiệt.
Đó là hoàn cảnh của 2 trong số 429 gia đình ở xã Đạ Tông đang độ tuổi sinh đẻ chưa áp dụng biện pháp tránh thai nào do Trạm y tế xã báo cáo tình hình 6 tháng đầu năm nay. Trong đó có 12 cặp vợ chồng sinh 2 con một bề và có đến 135 cặp vợ chồng có con thứ ba trở lên. Tỉ lệ sinh con thứ ba ở Đạ Tông hiện nay là 35%, cao nhất tỉnh Lâm Đồng và tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cũng cao nhất với 20,5%.
Ông Đa Cát Ha Bang - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông tỏ ra bất lực: “Do cán bộ sinh con thứ ba, thứ tư còn nhiều nên không làm gương cho bà con mình được. Xã đang đau đầu không biết xử lý thế nào với 2 trường hợp cán bộ Đoàn là Bí thư và Phó Bí thư đều sinh con thứ ba trở lên. Anh Bí thư Đoàn xã thì có vợ đang mang thai con thứ tư, còn chị Phó Bí thư Đoàn xã đang mang thai con thứ ba”.
DIỆU HIỀN