Dáng người nhỏ thó, ngăm đen, người đàn ông xấp xỉ 60 vốn là lái xe kể lại, ông chưa có ngày nào học nghề sửa chữa máy móc.
Gặp ông Nguyễn Hữu, tổ Sở Lăng, phường 10 (Đà Lạt) ai cũng ngạc nhiên khi được giới thiệu “đây chính là người đã làm ra những chiếc cáp treo cho nông dân Đà Lạt”. Bởi lẽ ông Nguyễn Hữu không phải là nông dân, nhà ông cũng không có tấc đất nào để trồng trọt.
Ông Hữu và hệ thống cáp kéo ông lắp đặt |
Dáng người nhỏ thó, ngăm đen, người đàn ông xấp xỉ 60 vốn là lái xe kể lại, ông chưa có ngày nào học nghề sửa chữa máy móc. Nhưng vốn là lái xe, sau khi về nhà, ông mày mò tự học sửa chữa những máy móc bị hư từ vốn nghề ít ỏi học lỏm được trong thời gian làm việc và trở thành một thợ sửa chữa máy móc lành nghề. Xưởng mở ngay ở nhà, ông sửa chữa máy móc nông cụ cho bà con xung quanh là chủ yếu. Mỗi lần ngồi chờ sửa máy, bà con lại than phiền về nỗi vất vả khi phải leo dốc mỗi ngày, đưa phân bón, nông cụ xuống rồi vào mùa lại vác hồng, cà phê lên, quá vất vả mà năng suất lại thấp. Nghe tâm sự của bà con, ông Hữu nung nấu ý nghĩ làm cách nào để giảm bớt việc vận chuyển khó khăn, giúp bà con sản xuất dễ dàng hơn.
Ông Hữu kể lại: “Nói thì mắc cười, chứ tôi nghĩ ra cách làm cáp treo kiểu này do xem phim hành động. Hồi đó, tôi xem phim, thấy người ta đánh nhau trên cáp treo, tôi mới nghĩ ra học theo để làm cáp treo cho bà con tải đồ. Phải chi cáp treo Đà Lạt có từ sớm thì bà con chúng tôi học được từ trước rồi”. Từ chiếc cáp treo trên phim, ông Hữu mày mò, suy nghĩ và chiếc “cáp treo tự chế” đầu tiên của ông được ra đời ở một gia đình nông dân, đó là gia đình ông Huỳnh Thừa. Và người tiếp theo dựng cáp là gia đình anh Nguyễn Đình Hiếu. Chiếc cáp treo tự chế này ra đời đã đem lại sự đổi đời cho nông dân vì sự tiện lợi mà nó đem lại. Cáp rất đơn giản, chỉ với một mô tơ kéo, đường cáp chính mắc trên trụ, hệ thống cáp kéo, tạ dằn và một lồng sắt hàn đơn giản là có được một hệ thống cáp treo hoàn chỉnh. Anh Nguyễn Đình Hiếu khoe: “Vườn cách nhà vài mét nhưng kéo xuống sâu hút, trước đây vác sụn lưng một ngày dăm tạ. Nay chỉ hai phút là cáp vận chuyển xong một chuyến, một ngày tải được 10 tấn rất nhẹ nhàng. Thật sự cáp này giúp nông dân thoát khỏi vất vả. Chú Hữu tới nhà, xem xét đo đạc, chỉ dẫn rồi nhà tự làm thôi”.
Nghe đơn giản nhưng thực ra với mỗi gia đình, ông Hữu đều phải làm cáp theo những cách khác nhau bởi địa hình mỗi gia đình mỗi khác. Từ đó, cột trụ cũng được xây dựng khác, dây cáp chính, cáp kéo cũng được điều chỉnh theo cách phù hợp nhất với điều kiện của gia chủ. Anh Hiếu cho biết, mô tơ kéo cáp hiện đã có loại làm sẵn nhưng bà con ít chuộng vì sức kéo yếu, độ an toàn thấp hơn so với mô tơ ông Hữu tự chế. Ông Hữu dùng hộp số cái, cầu xe, đít xe hơi để chế làm bộ phận quay. Với cáp treo ở Đà Lạt thường chỉ kéo chiều lên, chiều xuống thường để thả tự do để giảm chi phí. Để ngừa tình trạng cáp kéo đứt khiến lồng trôi tự do, ông lắp cóc khóa tự động trên cổ cáp có tác dụng hãm lồng dừng lại, tránh nguy hiểm. Hệ thống cáp do ông Hữu làm chất lượng rất ổn, từ khi lắp đặt tới giờ chưa hề hỏng hóc, cũng chưa xảy ra tình trạng tuột cáp nguy hiểm.
Anh Tô Hoàng Phương, Chủ tịch Hội Nông dân phường 10 cho hay, ông Nguyễn Hữu là một cán bộ Hội nhiệt tình và năng động. Riêng về chế cáp kéo, ông là chuyên gia với gần cả trăm chiếc được lắp đặt. Riêng tổ Sở Lăng, ông đã lắp 17 hệ thống cáp. Nhiều nông dân ở Bình Phước, Đồng Nai, Vũng Tàu đã lên học tập nông dân Đà Lạt và nhờ ông Hữu về xây dựng cáp kéo ở địa phương mình. Không chỉ thế, ông còn mày mò chế ra nhiều loại máy móc khác như máy đào lỗ, máy làm rãnh… giúp nông dân giảm bớt sức lao động. Đặc biệt nhất, ông không nặng tính toán chuyện tiền. Ông cho hay, ông sẵn sàng tư vấn miễn phí để bà con xây dựng được hệ thống cáp phù hợp nhất, giúp bà con bớt vất vả như đúng tâm nguyện “mình già rồi, giúp bà con được chút gì thì làm, tính toán chi vì cũng toàn bà con, anh em mình cả”.
Người đàn ông “trùm” xây dựng cáp phố núi vẫn lặng lẽ cống hiến cho đời sự nhiệt thành, kinh nghiệm và tài năng.
Diệp Quỳnh