Cùng với việc đẩy mạnh tăng năng suất và sản lượng nông sản, thực hiện Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT, công tác quản lý chất lượng nông sản và thủy sản nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm đang được Sở NN-PTNT phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh và chính quyền các địa phương triển khai trên toàn địa bàn trong vài năm qua và thực sự được đẩy mạnh trong các tháng đầu năm nay.
Cùng với việc đẩy mạnh tăng năng suất và sản lượng nông sản, thực hiện Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT, công tác quản lý chất lượng nông sản và thủy sản nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm đang được Sở NN-PTNT phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh và chính quyền các địa phương triển khai trên toàn địa bàn trong vài năm qua và thực sự được đẩy mạnh trong các tháng đầu năm nay.
Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra chất lượng hàng hóa nông sản tại chợ Đà Lạt. Ảnh: N.M |
Ông Trần Văn Thông - Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, với chức năng nhiệm vụ đã được quy định, từ đầu năm 2013 tới nay, hoạt động của Thanh tra sở NN-PTNT tập trung vào các lĩnh vực như thanh tra giống cây trồng, thanh tra công tác kiểm dịch động - thực vật và thanh tra - kiểm tra phối hợp liên ngành. Ngoài Thanh tra Sở, công tác quản lý chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm nông sản còn được thực hiện bởi các chi cục chuyên ngành thuộc Sở như Chi cục Thú y (Kiểm dịch động vật và vệ sinh thú y), Chi cục Bảo vệ thực vật (Kiểm dịch thực vật, kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trong nông sản sau thu hoạch), Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; kiểm soát và giám sát dư lượng các hóa chất độc hại trong nông sản…).
Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở, việc phối hợp hoạt động của các cơ quan chuyên ngành này đã và đang đưa công tác quản lý chất lượng nông sản và an toàn thực phẩm nông sản và thủy sản của tỉnh vào nề nếp và thực chất. Kết quả là 6 tháng đầu năm Sở đã triển khai từng bước Đề án “Tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013-2015”; xây dựng 5 mô hình sản xuất nông lâm thủy sản an toàn; tổ chức 4 lớp tập huấn VietGAP cho các HTX Anh Đào, Xuân Hương, Tân Hội và Trang trại Phong Thúy; hướng dẫn, tổ chức việc liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản giữa nông dân với Trang trại Phong Thúy và Doanh nghiệp Phú Sỹ.
Việc tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cũng được tăng cường triển khai với việc tổ chức 4 lớp tập huấn về quy trình quy chuẩn sản xuất - chế biến nông sản, 2 lớp huấn luyện về chuyên môn cho gần 600 lượt người tham gia là nông dân cũng như người kinh doanh thuốc BVTV; cũng đã có 63 doanh nghiệp tới phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở NN-PTNT triển khai 705 lớp chuyển giao kỹ thuật sử dụng phân bón hợp lý, an toàn cho khoảng 63.300 lượt người tham gia.
Thanh tra Sở NN-PTNT và các chi cục chuyên ngành cũng đã tiến hành thanh tra - kiểm tra dư lượng hóa chất độc hại và giám sát ô nhiễm sinh học… tại các cơ sở sản xuất, chế biến rau, chè, các trang trại chăn nuôi và các quầy kinh doanh sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn và kết quả cho thấy hiện chỉ còn khoảng 5% số mẫu rau đang được kinh doanh tại các chợ đầu mối có dư lượng thuốc BVTV và các chất độc hại như kim loại nặng, NO3, vi sinh vật… nhưng đều trong giới hạn an toàn; một số nhỏ sản phẩm chè của các cơ sở chế biến chè ở Bảo Lộc có hàm lượng Asen ở mức độ thấp; không phát hiện có dư lượng kháng sinh hoặc chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Thực hiện “Hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất rau tươi” trên toàn địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp địa phương cũng đang tổ chức kiểm tra - đánh giá - phân loại các cơ sở thu gom - chế biến rau và triển khai Chương trình “Thử nghiệm hệ thống kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm ngành hàng rau tươi” bằng việc đánh giá phân loại 22 cơ sở thu gom, sơ chế rau; qua đó thực hiện kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trên 300 mẫu rau tươi và 1.000 mẫu khác được phân tích để tìm vi sinh vật độc hại. Kết quả phân tích cho thấy không phát hiện kim loại nặng và Samonella, chỉ có khoảng 4,4% số mẫu có dư lượng thuốc BVTV nhưng lại có tới 26% số mẫu bị nhiễm E.coli, mà nguyên nhân nhiễm E.coli cao là do “địa điểm thu gom và sơ chế chưa bảo đảm”.
Theo khẳng định của ông Lê Văn Minh - Giám đốc Sở NN-PTNT thì thời gian qua “Công tác tuyên truyền, thông tin về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường đã kịp thời tác động rất lớn tới sản xuất, chế biến và tiêu dùng nông sản của địa phương”.
Xuân Đức