"Soi" việc cấp sổ đỏ, sổ hồng

03:07, 09/07/2013

Mới đây Hội đồng Nhân dân tỉnh (HĐND) đã tiến hành giám sát chuyên đề đặc biệt về lĩnh vực này tại một số địa phương, đơn vị, gợi mở bức tranh chung về cải cách thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính trong địa hạt này.

LTS: Đối với người dân thì đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất là vốn liếng, tài sản, nguồn lực mưu sinh. Vì vậy, việc được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là cơ sở pháp lý trong các giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh. Và mới đây Hội đồng Nhân dân tỉnh (HĐND) đã tiến hành giám sát chuyên đề đặc biệt về lĩnh vực này tại một số địa phương, đơn vị, gợi mở bức tranh chung về cải cách thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính trong địa hạt này.

Kỳ 1: Chưa cập nhật thủ tục kịp thời  

Nằm trong Chương trình giám sát năm 2013 của HĐND tỉnh, đoàn giám sát đã thu thập thông tin, xem xét các báo cáo, trực tiếp làm việc với các cơ quan, đơn vị được giám sát tại một số sở liên quan và các địa phương, bao gồm thành phố Đà Lạt, huyện Di Linh, Cát Tiên và 6  xã, phường, thị trấn thuộc 3 địa phương.

Việc cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai nói chung, về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở (QSHNƠ), tài sản gắn liền với đất nói riêng (gọi chung là cấp giấy chứng nhận) đã được UBND tỉnh triển khai theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ năm 2004. Đồng thời UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch tiếp tục thực hiện cải cách hành chính (giai đoạn 2011 - 2015) nhằm đơn giản hóa thủ tục, công khai, minh bạch thủ tục này. Qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cũng như hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở. Hiện nay, tại Sở Tài nguyên và Môi trường đã bãi bỏ 4 thủ tục, sửa đổi 9 thủ tục và bổ sung 2 thủ tục nên còn tiếp nhận và giải quyết 16 thủ tục. Các UBND huyện và văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đang tiếp nhận và giải quyết 19 thủ tục hành chính, đã loại bỏ 4 thủ tục, sửa đổi 3 thủ tục và bổ sung 1 thủ tục. Tương tự, UBND các xã tiếp nhận và giải quyết 1 thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận, đã bãi bỏ 2 thủ tục và sửa đổi 1 thủ tục. Riêng các địa phương thực hiện cơ chế một cửa liên thông thì UBND cấp xã thực hiện từ 1 đến 4 thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận trong lĩnh vực đất đai, nhà ở.
 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến ngày 30/12/2012, tổng số Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp trên toàn tỉnh là 514.318 giấy/809.760 ha trong tổng số 977.354 ha diện tích tự nhiên. Trong đó, đối với tổ chức đã cấp 4.183 giấy trên diện tích 592.080- ha trong tổng số 677.196 ha đang quản lý, sử dụng, đạt 87% về diện tích cấp; đối với hộ gia đình, cá nhân đã cấp 510.135 giấy trên diện tích 217.679 ha trong tổng số 300.158 ha, đạt 72% về diện tích cấp.

Nhìn chung, qua giám sát cho thấy, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận cơ bản thực hiện nhận, hoàn trả hồ sơ theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông ở cả 3 cấp UBND tỉnh (ủy quyền cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), UBND cấp huyện, thành phố và xã. Các cơ quan đã chấp hành, triển khai thực hiện đồng bộ việc quản lý nhà nước về cải cách, thực hiện thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận theo thẩm quyền như: Ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình, quy định trách nhiệm của cán bộ… phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan liên quan, từng bước áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện niêm yết công khai các quy định, thủ tục, mức thu lệ phí và thời gian giải quyết, qua đó kiểm soát việc tiếp nhận, trả hồ sơ theo trình tự, thủ tục… Vì vậy, từng bước giảm thời gian giải quyết, tạo thuận lợi hơn cho người dân trong giao dịch thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế. Theo Ban Pháp chế - HĐND tỉnh, đó là việc rà soát, cập nhật công bố, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính khi có văn bản mới ban hành còn chậm. Việc công khai bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực này cũng chưa được quan tâm đúng mức. Đơn cử, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành thông tư quy định bổ sung về Giấy chứng nhận QSDĐ và QSHNƠ, tài sản gắn liền với đất từ tháng 10/2010 và thông tư về quy định, sửa đổi bổ sung một số nội dung liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai vào tháng 5/2011 nhưng phải đến tháng 7 và tháng 12/2012, Sở Tài nguyên và Môi trường mới tham mưu cho UBND tỉnh công bố sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp của cả 3 cấp. Bên cạnh đó có tới 5/6 xã, phường, thị trấn được giám sát chậm cập nhật bộ thủ tục hành chính nên chưa niêm yết công khai đầy đủ và đúng bộ thủ tục hành chính hiện hành. Đặc biệt, việc chậm cập nhật sửa đổi quy trình thực hiện tồn tại ở cả cấp huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường. Tại huyện Cát Tiên và huyện Di Linh còn chậm cập nhật, sửa đổi quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO. Ngay như trên Trang thông tin điện tử Lâm Đồng, được đoàn giám sát ghi nhận vào thời điểm ngày 24/4/2013, cũng chưa được cập nhật đầy đủ thủ tục hành chính hiện hành về lĩnh vực đất đai. Đó là chưa kể việc tìm hiểu và truy cập rất khó khăn.

Đồng ý rằng các quy định của Trung ương, của tỉnh liên quan đến cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cũng như các thủ tục hành chính thiếu tính ổn định, thay đổi thường xuyên, song nếu không được quan tâm sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ kịp thời đấy sẽ là “vật cản” trong công tác giải quyết hành chính cho dân trong lĩnh vực này.

HỒ XUÂN TRUNG

(Còn nữa)