Trong năm 2011 và 2012 vẫn còn xảy ra tình trạng hồ sơ được giải quyết trễ hạn, tỷ lệ hồ sơ bị trả về vì không đủ điều kiện còn ở mức cao, có nơi lên đến 35,6%.
[links()]Kỳ 2: Vẫn còn giải quyết trễ hạn
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Theo kết quả giám sát việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, QSHNƠ và tài sản gắn liền với đất (gọi chung là cấp giấy chứng nhận) tại cơ quan, đơn vị và các địa phương trong năm 2011 và 2012 vẫn còn xảy ra tình trạng hồ sơ được giải quyết trễ hạn, tỷ lệ hồ sơ bị trả về vì không đủ điều kiện còn ở mức cao, cá biệt có nơi lên đến 35,6%. Theo thống kê, tại Sở Tài nguyên và Môi trường, số hồ sơ giải quyết trễ hạn bình quân từ 2 - 3% trong tổng số hồ sơ cấp giấy chứng nhận và có tới 115 hồ sơ bị trả về vì không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Còn thành phố Đà Lạt, tại bộ phận một cửa của UBND thành phố, tỷ lệ hồ sơ tồn đọng 1,26%, tương đương 102 hồ sơ; còn ở Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, tỷ lệ hồ sơ tồn là 18,2%, tương đương 486 hồ sơ.
Đánh giá của đoàn giám sát cho hay, chưa có sự thống nhất việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực này theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các địa phương, cơ sở. Ở cấp huyện có nơi tiếp nhận, trả kết quả tại một đầu mối nhưng nơi khác lại tiếp nhận và trả kết quả ở hai đầu mối. Còn ở cấp xã quy định tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả tại bộ phận một cửa song vẫn xảy ra tình trạng người dân nộp hồ sơ trực tiếp qua cán bộ địa chính xã, hoặc trả kết quả trực tiếp không qua bộ phận một cửa. Hay cấp xã không đăng ký vào sổ tiếp nhận hoặc xác nhận không đủ nội dung nên hồ sơ bị trả lại. Cán bộ địa chính xã, thị trấn không đủ thông tin hướng dẫn thiết lập hồ sơ đầy đủ dẫn đến bị trả lại hồ sơ để bổ sung…
Chưa hết, có nơi không thực hiện nghiêm các quy định, thủ tục như không cấp biên nhận hồ sơ, hay có cấp nhưng không ghi ngày hẹn trả hồ sơ. Trường hợp từ chối giải quyết hoặc yêu cầu bổ sung giấy tờ lại không trả lời rõ lý do bằng văn bản. Trong 6 xã, phường, thị trấn được giám sát thì có 4 đơn vị không mở sổ theo dõi tiếp nhận và trả kết quả do vậy không xác định được số hồ sơ giải quyết đúng hạn, trễ hạn.
Chỉ thị số 05/CT – TTg ngày 4/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo và tăng cường biện pháp để trong năm 2013 hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất. Do đó, qua giám sát, Ban Pháp chế - HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng. Đồng thời chỉ đạo, chấn chỉnh và khắc phục những mặt hạn chế, bất cập về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận. Cụ thể, cần khắc phục ngay việc chưa cập nhật Bộ thủ tục hành chính trên Trang thông tin điện tử Lâm Đồng cũng như trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính, Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của từng cấp. Cập nhật, biên tập đầy đủ để cung cấp cho cơ quan thực hiện và phải niêm yết công khai đầy đủ các thủ tục hành chính hiện hành thuộc phạm vi thẩm quyền đã được UBND tỉnh công bố theo quy định.
Cùng với kiến nghị của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh, các cơ quan, đơn vị được giám sát cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị liên quan sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: xác định thời gian miễn tiền thuê đất, bổ sung vào hợp đồng cho thuê đất nội dung tiền thuê đất được miễn theo giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản Nhà nước có thẩm quyền, giao Sở Tài chính xác định tiền thuê đất sau khi đã hết thời hạn ưu đãi tại quyết định thuê đất cho phù hợp. Ban hành văn bản hướng dẫn hoặc quy trình áp dụng quản lý chất lượng thực hiện thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Liên quan đến đất đai, các địa phương đề nghị tỉnh sớm chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh công tác đo đạc đất đai, nghiên cứu xem xét cấp kinh phí thực hiện số hóa bản đồ địa chính tại một số địa phương và tiến hành đo lại số diện tích đã đo cách đây 15 – 20 năm vì nay đã có nhiều biến động lớn. Đồng thời, UBND tỉnh sớm phê duyệt điều chỉnh lại việc phân định đất nông, lâm cho phù hợp với tình hình sử dụng đất đai tại các địa phương. Đặc biệt, chỉ đạo cấp xã, huyện rà soát, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân lập thủ tục để xin giấy chứng nhận trong các trường hợp sử dụng đất ổn định, không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch nhưng đã bị trả hồ sơ do chưa đủ hồ sơ giải quyết, kể cả những trường hợp chưa tiến hành lập thủ tục xin cấp giấy chứng nhận… Còn người dân thì cho rằng, việc tiếp nhận hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất nên tiếp nhận cả buổi sáng và buổi chiều tạo thuận tiện cho người dân nộp hồ sơ. Thống nhất bộ thủ tục hoàn chỉnh, tránh tình trạng yêu cầu bổ sung giấy tờ nhiều lần và phải có giấy hẹn trả kết quả bằng văn bản. Thực hiện luân chuyển cán bộ địa chính công tác tại văn phòng một cửa, một cửa liên thông ở xã, huyện để phòng ngừa tiêu cực.
HỒ XUÂN TRUNG