Cà chua có vị chua, ngọt, tính hơi hàn, đi vào kinh can, tỳ, vị, phế, thận; có tác dụng dưỡng âm sinh tân, thanh nhiệt giải khát, kiện tỳ tiêu thực, mát huyết bình can, giải độc làm đẹp...
Ảnh: shutterstock |
Cà chua có vị chua, ngọt, tính hơi hàn, đi vào kinh can, tỳ, vị, phế, thận; có tác dụng dưỡng âm sinh tân, thanh nhiệt giải khát, kiện tỳ tiêu thực, mát huyết bình can, giải độc làm đẹp...
Trên lâm sàng thường dùng cà chua chủ trị các chứng nhiệt thương vị âm, thử nhiệt phiền khát, họng khô lưỡi táo, chán ăn, miệng đắng do vị nhiệt, can âm bất túc, hoa mắt, khô mắt, chảy máu chân răng, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, cao mỡ máu.
Một số cách áp dụng
Chữa cho trẻ bị lở loét ở khoang miệng: Cà chua 0,5 kg, rửa sạch, trụng qua nước sôi, lột vỏ, bỏ hột, ép lấy nước để dùng. Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần dùng 100 ml.
Chữa cho trẻ phát triển chậm, người trung lão niên suy nhược: Cà chua 200 gr, xương (phần đầu) heo 250 gr, trứng gà 1 quả, bột nêm, dầu mè mỗi thứ vừa đủ. Xương heo rửa sạch, chặt nhỏ, cho vào nồi đất, đổ nước vừa đủ, bắc lên bếp, đun sôi bằng lửa mạnh, vớt bỏ váng, chuyển lửa nhỏ nấu thêm 1 giờ, bỏ bã, nước canh chuyển qua nồi khác, sử dụng sau. Cà chua rửa sạch, thái lát. Trứng gà đập vào chén, cùng ít muối nêm vào nồi canh, tiếp tục đun chín, cho bột nêm, rắc dầu mè. Dùng canh ăn trứng và cà chua, chia 1-2 lần dùng hết trong ngày.
Chữa miệng khô lưỡi táo: Lấy cà chua ép lấy nước cốt chừng 150-200 ml hòa chung cùng 20 ml nước mía để dùng.
Chữa lở miệng: Dùng nước cốt cà chua ngậm trong miệng, mỗi lần ngậm vài phút, ngày nhiều lần.
Chữa chảy máu chân răng: Cà chua vừa đủ rửa sạch, dùng thay trái cây, dùng liền trên nửa tháng.
Chữa rối loạn tiêu hóa, chán ăn: Cà chua vừa đủ, rửa sạch, giã nhuyễn, vắt lấy nước, mỗi lần ngậm 150 ml, ngày ngậm 2-3 lần. Hoặc cà chua 1-2 quả, rửa sạch, trụng qua nước sôi, rồi ăn mỗi buổi sáng.
Chữa miệng đắng do vị nhiệt: Nước cốt cà chua 150 ml, nước cốt sơn tra 15 ml. Hai nước trộn đều để dùng, ngày 2-3 lần.
Những người bị bệnh loét dạ dày có thể dùng nước cốt cà chua chừng 150 ml, và nước cốt khoai tây 150 ml trộn chung để dùng mỗi sáng và chiều.
Với người bệnh tiểu đường, dùng cà chua 40 gr, vỏ dưa hấu 30 gr, vỏ bí đao 30 gr, thiên hoa phấn 30 gr. Cà chua rửa sạch thái lát, cùng vỏ dưa hấu, vỏ bí đao, thiên hoa phấn cho vào nồi đất, đổ nước vừa đủ, bắc lên bếp, đun sôi bằng lửa mạnh, chuyển lửa nhỏ ninh tiếp, bỏ bã, lấy nước, đun 2 nước, mỗi lần nửa giờ, lấy hai nước hòa lại, bỏ bã, dùng uống thay trà trong ngày.
(Theo Báo Thanh niên)