Gian nan đường giao thông ở Mỹ Lâm

04:08, 18/08/2013

Trong nhiều năm qua, người dân ở xã nghèo Mỹ Lâm (huyện Cát Tiên) luôn phải sống chung với những cung đường "mưa lầy, nắng bụi". Vào mùa mưa bão, hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) ở Mỹ Lâm đều ở trong tình trạng gian nan, vất vả.

Trong nhiều năm qua, người dân ở xã nghèo Mỹ Lâm (huyện Cát Tiên) luôn phải sống chung với những cung đường “mưa lầy, nắng bụi”. Vào mùa mưa bão, hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) ở Mỹ Lâm đều ở trong tình trạng gian nan, vất vả.

Trên đường DH92 vào Mỹ Lâm
Trên đường DH92 vào Mỹ Lâm


Cách trung tâm huyện Cát Tiên khoảng 9 km nhưng hàng năm, khi mùa mưa đến cũng là thời điểm hầu hết lúc người dân ở xã Mỹ Lâm đều nghĩ tới cảnh “sợ” ra phố. Ông Phạm Xuân Hiển, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lâm, cho biết: “Hiện nay, toàn xã có 35 km đường GTNT (đường dân sinh và đường nội đồng), nhưng, mới chỉ cứng hóa được 3,5 km. Mặc dù trước khi mùa mưa tới, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân tham gia đóng góp ngày công để tu sửa mặt đường, nạo vét rãnh thoát nước, phát quang bụi rậm; song, hệ thống đường liên thôn của xã chủ yếu là đường đất do người dân tự làm, nên vào mùa mưa, từ trung xã đến các thôn đều rất khó đi lại bằng xe máy…”. Được biết, trong năm 2013, tổng nguồn vốn xã Mỹ Lâm được phê duyệt để sửa chữa và làm mới đường GTNT là 1 tỷ 350 triệu đồng. Trong đó, vốn cấp từ Chương trình 135 là 1 tỷ đồng và vốn vì sự nghiệp giao thông của huyện cấp là 350 triệu đồng.

Cũng theo ông Hiển, hàng năm vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa, đường ở đây hầu hết bị nước nhấn chìm từ 20-25 ngày. Qua thực tế cho thấy, phần lớn các tuyến đường GTNT ở Mỹ Lâm đều là đường đất nhỏ hẹp, dốc, đi lại rất khó khăn. Các tuyến đường liên thôn như Mỹ Bắc, Mỹ Trung, Mỹ Hồng… xe máy không thể lưu thông qua lại. “Nhìn chung, tất cả các tuyến đường GTNT ở Mỹ Lâm do người dân tự làm đã và đang xuống cấp, “khát vốn” để đầu tư làm mới. Hàng năm, UBND xã đều có hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn xây dựng GTNT, nhưng, mỗi năm được cấp một ít chẳng thấm vào đâu!” - Ông Hiển cho biết thêm. Quan trọng hơn, trên địa bàn xã còn có 9 km đường huyết mạch (thuộc tuyến đường DH92 dài 17 km) nối với các xã Quảng Ngãi, Nam Ninh, Tiên Hoàng, Tư Nghĩa thường xuyên xuất hiện hàng chục “điểm đen” làm cản trở các loại phương tiện giao thông qua lại. Ông Hiển bày tỏ: “Do hệ thống đường GTNT trong xã thường xuyên bị sình lầy vào mùa mưa nên Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão của xã thường xuyên giám sát và nhắc nhở bà con phải đưa đón con em mình tới trường để đảm bảo an toàn. Trường hợp có mưa lớn, chúng tôi sẽ cho học sinh mầm non và tiểu học nghỉ học để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cháu. Riêng, đối với học sinh THCS và THPT đang theo học ở thị trấn và các xã lân cận thì phải thuê phòng trọ ở lại”.

Hiện nay, xã Mỹ Lâm là 1 trong 29 xã nghèo của tỉnh, dân cư sống thưa thớt, nhiều tuyến đường nội thôn “phóng tuyến” hàng trăm mét nhưng chỉ có vài ba hộ dân sinh sống. Thu nhập của người dân Mỹ Lâm chủ yếu dựa vào 2 loại cây trồng chính là lúa và điều, nhưng năng suất các loại cây trồng này thường thấp hơn các địa phương khác trong huyện. Do đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường GTNT đang là vấn đề khó đối với chính quyền và nhân dân nơi đây. Do vậy, Mỹ Lâm rất cần đến sự quan tâm của các cấp, các ngành để hỗ trợ xây dựng, phát triển hệ thống đường GTNT.

KHÁNH PHÚC