Thỏa niềm mơ ước

03:08, 27/08/2013

Chiếc cầu mới khang trang nối liền đôi bờ sông Đại Bình đã được hoàn tất trong niềm hân hoan của hàng chục hộ dân xã Lộc Thành, thỏa niềm mơ ước hơn 30 năm "đánh cược" tính mạng vào những chuyến đò dọc ngang…

Chiếc cầu mới khang trang nối liền đôi bờ sông Đại Bình đã được hoàn tất trong niềm hân hoan của hàng chục hộ dân xã Lộc Thành (Bảo Lâm) sau gần 3 tháng khởi công xây dựng; thỏa niềm mơ ước hơn 30 năm “đánh cược” tính mạng vào những chuyến đò dọc ngang, lênh đênh cùng con nước của nhiều người dân nơi đây.

 Cây cầu mới qua sông Đại Bình
Cây cầu mới qua sông Đại Bình


Hơn 30 năm qua, việc phải chứng kiến những tình huống qua sông ớn lạnh đến toát mồ hôi, cười ra nước mắt, khiến người dân qua nhiều thế hệ ở xã Lộc Thành vẫn luôn ao ước, mong mỏi có một cây cầu bắc qua sông như một sự “đổi đời” đối với họ. Và giờ đây, niềm mơ ước đó đã trở thành hiện thực. Cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương hỗ trợ 85 triệu đồng bằng vật tư cáp, sắt, thép…, nhân dân xã Lộc Thành còn đóng góp 220 triệu đồng và hàng chục ngày công để xây dựng nên chiếc cầu treo khang trang, vững chắc.

Chiếc cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ cho hàng trăm người dân hai xã Lộc Thành và Tân Lạc (Bảo Lâm) qua lại giao thương. Tổng giá trị xây dựng cây cầu lên đến 350 triệu đồng, chiều dài gần 100m, sàn cầu rộng 1,2m, cố định bằng những cây sắt 6 - 8, mố cầu đúc xi măng, cáp neo đôi bờ kiên cố.

Được biết, trên dòng sông Đại Bình, nơi nối đôi bờ hai xã Lộc Thành và Tân Lạc, có tới 6 chiếc cầu bắt ngang. Trong đó, nguy hiểm nhất là 2 điểm cầu đi bằng xuồng “đu dây” qua sông thuộc địa phận thôn 7 và thôn 13 của xã Lộc Thành tới địa phận thôn 9 xã Tân Lạc. Vừa qua, điểm cầu thôn 7 đi Tân Lạc được chính thức đưa vào sử dụng, nối liền những bờ vui. Sự kiện này đã làm nức lòng người dân nơi đây.

Nhớ lại những ngày vất vả vượt sông, anh Võ Dũng (thôn 12, xã Lộc Thành) có 2,5ha cà phê tại thôn 9, xã Tân Lạc, chia sẻ: “Trước kia đi bằng xuồng kéo dây vất vả lắm, đất bên này như “rắn không đầu” là một “bán đảo” rất khó khăn. Gia đình tôi đã nhiều lần kêu bán cũng chẳng có ai mua! Mỗi khi bước vào mùa mưa lũ, dòng sông này lại trở nên hung dữ; việc chống chèo đưa được phân bón hay cà phê bên này sông qua bên kia sông là một cực hình. Đỉnh lũ năm 2001, nước chảy xiết, rất nhiều lần đò đã bị lật ụp; xe máy và người chìm ngỉm xuống sông. Cũng may là không xảy ra những điều đáng tiếc!… Giờ đây, hình ảnh đó đã lùi vào quá khứ. Cà phê, trà, chuối, bơ, cầu riêng, mít, phân bón, thuốc trừ sâu… sẽ được qua lại vù vù bằng xe máy trên chiếc cầu mới xinh đẹp này”.

Ông Dương Hoài Xuân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thành, hồ hởi nói khi dẫn chúng tôi đi thăm công trình cầu dân sinh vừa được đưa vào sử dụng: “Có cầu mới bắc ngang sông, từ nay bà con hai xã Lộc Thành và Tân Lạc sẽ không còn cảnh qua sông phải “lụy đò”, chen chúc nhau trên chiếc xuồng đu dây nguy hiểm nữa! Và, cũng sẽ không còn cảnh bà con phải đi hàng chục cây số làm rẫy trong mùa nước lũ dâng cao. Có cây cầu này, hy vọng cuộc sống của bà con sẽ khấm khá hơn…”.

Niềm vui của ông Xuân lúc này cũng là niềm vui của rất nhiều người dân xã Lộc Thành. Quý trọng những thành quả có được, nhân dân Lộc Thành cùng lãnh đạo xã đã cam kết với nhau cùng quản lí công trình để chiếc cầu treo hoạt động ngày càng hiệu quả và kéo dài “tuổi thọ”. Nhân dân sẽ có trách nhiệm giữ gìn, đóng góp công sức và thường xuyên kiểm tra, tu sửa, bảo vệ cây cầu vững chắc.

ĐÌNH THI