Trăn trở cùng Nao Quang

05:08, 28/08/2013

Trong những năm gần đây, nhờ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn từ các chương trình 30a, 134, 135… nên người dân Nao Quang đã bớt đi phần nào khổ cực. Tuy vậy, vẫn còn đó một thực trạng xót lòng: Không điện, không đường, không trường, không trạm. Kinh tế thì kém phát triển. Nghề sống chính của người dân là trồng chè, cà phê và đi làm thuê. 
 

Nao Quang xưa nay vẫn được coi là thôn xa xôi và nghèo khó nhất của xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm. Trong những năm gần đây, nhờ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn từ các chương trình 30a, 134, 135… nên người dân Nao Quang đã bớt đi phần nào khổ cực. Tuy vậy, ở Nao Quang vẫn còn đó một thực trạng xót lòng: Không điện, không đường, không trường, không trạm. Kinh tế thì kém phát triển. Nghề sống chính của người dân là trồng chè, cà phê và đi làm thuê. 
 
Cả thôn “khát” điện
 
Từ trung tâm xã Lộc Phú, vượt chừng 30 cây số bằng xe gắn máy giữa thâm u đường rừng gồ ghề, có nhiều đoạn dốc khúc khuỷu, ngoằn ngoèo, lại có những chỗ nhão nhoẹt bùn đất, trơn trượt, phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đặt chân đến thôn Nao Quang.
 
Thời điểm chúng tôi đến đang là xế chiều nên cả thôn vắng hoe. Những căn nhà đại đoàn kết xen lẫn những mái nhà lợp tôn lưa thưa nằm hiu hắt bên những dốc đồi. Lúc sau, mới xuất hiện một vài em nhỏ người dân tộc bản địa Châu Mạ. Thấy khách lạ, bọn trẻ chạy ồ ra đón. Tranh thủ chia cho các em nhỏ một ít bánh kẹo, tôi vừa gợi chuyện: “Bố mẹ các em đâu?”. Chúng bảo, bố mẹ đang đi làm thuê, tối mới về. 
 
Trong căn nhà tuềnh toàng, anh Đoàn Văn Đại - công an viên thôn Nao Quang, đón chúng tôi bằng bộ quần áo xuề xòa của một nông dân chính hiệu. Dấu vết của những cơn sốt rét rừng năm xưa giờ vẫn còn hằn rõ trên gương mặt, anh nói giọng trầm buồn: “Tôi sống ở đây đã 10 năm có lẻ và cũng chừng ấy thời gian “sống chung” với việc không có điện”.
 
Đó cũng là nỗi khổ chung của 92 hộ ở Nao Quang. Nguồn sáng chủ yếu nơi đây vẫn là những ngọn đèn dầu leo lét. Chị Ka Thảo - người Châu Mạ, bảo rằng: “Mỗi tháng, gia đình tôi dùng khoảng 3 lít dầu để thắp đèn. Ở thời giá hiện tại, 1 lít dầu là 27.000 đồng. Vị chi mỗi tháng tốn khoảng 81.000 đồng tiền thắp sáng. Số tiền không hề nhỏ đối với người dân nghèo chúng tôi”.
 
Một số bà con đã tự bỏ tiền mua máy nổ, đắp đập làm thủy điện nhỏ để phục vụ việc chiếu sáng. Tuy nhiên, những thứ đó cũng chẳng thể duy trì được lâu, bởi không phải ai cũng đủ tiền. 
 
Ở Nao Quang, hiện chỉ gia đình anh Đoàn Văn Đại có điện thắp sáng và xem được ti vi. Năm 2012, anh đã bỏ ra hơn 2 triệu đồng để mua một tấm năng lượng mặt trời về lấy điện. Nhưng cũng chỉ xem xong chương trình thời sự lúc 7 giờ tối là phải tắt ti vi đi ngủ, vì điện không đủ dùng trong một khoảng thời gian dài. Việc thắp sáng trong gia đình anh vẫn chủ yếu bằng đèn dầu.
 
“Do nguồn vốn hạn chế, nên việc kéo lưới điện vào Nao Quang chưa thể thực hiện được ở thời điểm hiện tại” - ông Nguyễn Công Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Phú, trả lời thắc mắc của chúng tôi. 
 
Mơ một con đường
 
Nao Quang cách trung tâm xã Lộc Phú chừng 30 cây số, nhưng cuộc sống nơi đây dường như hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Đa số người dân ở đây đều nghèo. Năm 2011, trong tổng số 92 hộ thì có đến 31 hộ nghèo và 27 hộ cận nghèo. Trong năm 2012, có 10 hộ được vay 20 triệu đồng để đăng ký thoát nghèo. Nhưng thoát nghèo ở Nao Quang là cả một vấn đề khó, khi mà cơ sở hạ tầng hầu như chưa có. 
 
Sự nghèo khó còn hiện hữu ở Nao Quang
Sự nghèo khó còn hiện hữu ở Nao Quang

Ngoài “khát” điện, đói chữ, bệnh tật còn phó mặc cho… Yàng, người dân Nao Quang mong nhất là có một con đường trải nhựa để việc đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn và các nông sản làm ra không bị tư thương ép giá vì đường sá cách trở.

Năm 2012, từ nguồn vốn tái định cư, con đường vào Nao Quang đã được trải nhựa hơn 1 km, đoạn còn lại vẫn là đường đất. Trưởng thôn Nao Quang Nguyễn Văn Năm nói: “Không có đường, không có điện thì cực lắm! Muốn làm cái gì cũng vướng!”. Rồi anh chỉ tay về phía hội trường thôn vừa mới được xây năm 2012 từ nguồn vốn 135: “Tôi nghĩ, đó là điểm sáng duy nhất ở Nao Quang”. Trước đó, người dân Nao Quang đã tự hạ độ dốc, nâng cấp những chỗ sình lầy để cho việc đi lại, vận chuyển nông sản đỡ vất vả. Thế rồi, sau một trận mưa, con đường lại đầy ổ gà, ổ voi và sình lầy. 

Khi chúng tôi chuẩn bị “cắt” rừng trở về, bà Nguyễn Thị Đời - người dân sống lâu năm ở Nao Quang, nói với theo: “Mong muốn nhất của bà con chúng tôi là có được một con đường trải nhựa và nếu có cả điện thắp sáng nữa thì tốt quá!”. 
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Châu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lộc Phú, trăn trở: “Nao Quang cùng với Đạ Rhàng Blàng là 2 thôn “đặc biệt khó khăn” của xã Lộc Phú. Chúng tôi cũng muốn làm một con đường vào Nao Quang cho bà con bớt cực, nhưng hiện giờ vẫn chưa có nguồn kinh phí nào để thực hiện”.
 
Ông Nguyễn Công Lợi nói thêm: Trước đây, nguồn vốn (của tỉnh và huyện) để làm đường từ trung tâm xã Lộc Phú vào Nao Quang là khoảng 50 tỷ đồng (ở thời giá năm 2012) và dự kiến đến năm 2015 thì hoàn thành. Song, hiện tại, chúng tôi chưa thể biết được đến bao giờ thì tuyến đường này sẽ khởi công, vì thiếu tiền.
 
TRỊNH CHU