Vay vốn hỗ trợ nhà ở - chờ những tín hiệu mới!

03:08, 15/08/2013

Trong ngày 15/5/2013, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư số 11/2013/TT-NHNN về việc cho vay hỗ trợ nhà ở và Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 07/2013/TT-BXD về việc hướng dẫn xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

Trong ngày 15/5/2013, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư số 11/2013/TT-NHNN về việc cho vay hỗ trợ nhà ở và Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 07/2013/TT-BXD về việc hướng dẫn xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Dù vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh, việc vay - cho vay hỗ trợ nhà ở vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Vay vốn hỗ trợ nhà ở
Vay vốn hỗ trợ nhà ở


Theo đó, khách hàng vay vốn dùng để thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội; vay vốn để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán nhỏ hơn 15 triệu đồng/ m2 và vay vốn để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 02/ NQ ngày 7/1/2013 của Chính phủ. Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước và khách hàng là người lao động có thu nhập thấp… vay vốn với mục đích quy định; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội. Gói tín dụng có giá trị 30.000 tỷ đồng này triển khai trên toàn quốc, mức lãi suất áp dụng trong năm 2013 là 6%/năm; lãi suất các năm tiếp theo được công bố vào tháng 12 hàng năm và bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm.

Đón nhận thông tin này, chị Nguyễn Thị Ngọc mua nhà tại lô C chung cư Yersin làm rất nhiều thủ tục vay vốn hỗ trợ nhà ở nhưng đều không được vay. Vì khối chung cư này không thuộc diện nhà ở xã hội theo quy định của Bộ Xây dựng. Hiện tại, có 5 ngân hàng tham gia vào chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB). Bà Lê Thị Trịnh, Phó Giám đốc Vietinbank Lâm Đồng cho biết dù ngân hàng đã sẵn sàng về nguồn vốn và cũng đã tiếp nhiều lượt khách hàng đến tìm hiểu nhưng không thể giải ngân. Bởi theo quy định, khách hàng cá nhân phải chứng minh được hợp đồng mình đang mua nhà thuộc diện nhà ở xã hội, còn với khách hàng là doanh nghiệp phải chứng minh dự án ấy là nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội… Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các ngân hàng còn lại trên địa bàn tỉnh bởi theo thông tin từ Sở Xây dựng Lâm Đồng thì hiện nay trên địa bàn tỉnh có 6 doanh nghiệp đăng ký xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có 2 dự án được cấp phép xây dựng (một dự án tại khu Ngô Quyền, một dự án tại khu vực Trại Mát) nhưng hiện vẫn chưa thể triển khai.

Dù mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, Sở Xây dựng và các ngân hàng thương mại đã cùng bàn thảo về nội dung nêu trên nhưng theo thực tế đang diễn ra thì gói tín dụng này vẫn ách tắc: Ngân hàng muốn giải ngân nhưng không thể giải ngân, khách hàng có nhu cầu vẫn ngóng đợi những tín hiệu mới.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính trên toàn quốc đến cuối tháng 7, NHNN cũng mới chỉ xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 2 doanh nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế và TPHCM có tổng giá trị 657 tỷ đồng. Riêng vối với hộ gia đình, cá nhân; các ngân hàng đã cam kết cho vay 150 khách hàng với số tiền hơn 46 tỷ đồng và đã giải ngân được 33,46 tỷ đồng cho 139 khách hàng. Các ngân hàng vào cuộc thực hiện Nghị quyết 02 /NQ-CP của Chính phủ đang tiếp nhận hàng trăm hồ sơ của các cá nhân và doanh nghiệp. Riêng trên địa bàn tỉnh ta, nhu cầu về vay vốn hỗ trợ nhà ở là không nhỏ và vấn đề này chỉ được giải quyết khi các nhà ở của khách hàng được công nhận là nhà ở xã hội!

HẢI YẾN