Y tế cơ sở thoi thóp chờ… "hồi sinh"!

04:08, 07/08/2013

Cách đây không lâu, Báo Lâm Đồng đã phản ánh tình trạng các trạm y tế (TYT) xuống cấp ở nhiều địa phương trong tỉnh; đặc biệt, là ở các huyện, thành phía Nam. Trong mạch bài này, chúng tôi tiếp tục phản ánh tình trạng TYT xuống cấp ở Bảo Lâm.

Cách đây không lâu, Báo Lâm Đồng đã phản ánh tình trạng các trạm y tế (TYT) xuống cấp ở nhiều địa phương trong tỉnh; đặc biệt, là ở các huyện, thành phía Nam. Trong mạch bài này, chúng tôi tiếp tục phản ánh tình trạng TYT xuống cấp ở Bảo Lâm.

Trong tổng số 12 TYT và 2 phòng khám đa khoa (PKĐK) của huyện Bảo Lâm, hiện có 5 TYT đã xuống cấp nghiêm trọng (gồm 4 TYT thị trấn Lộc Thắng, xã Lộc Phú, xã B’Lá, xã Tân Lạc và PKĐK xã Lộc An). Điểm chung ghi nhận được ở hầu hết các TYT này là phòng ốc đã xuống cấp. Có nơi (như PKĐK Lộc An, TYT B’Lá) chỉ cần một cơn mưa là mọi rác rến theo dòng nước mưa tràn về “tập kết” từ ngoài sân vào đến trong phòng khám. Vì địa hình thấp, trũng. Chưa kể tường vôi mốc meo, trần nhà chực chờ rơi xuống (Lộc Phú, Lộc Thắng) hoặc trạm không dám nhập các trang thiết bị y khoa, vì không có nơi đảm bảo điều kiện bảo quản (TYT B’Lá).

Ghé TYT xã B’Lá những ngày mưa, mới thấy hết nỗi khổ của cán bộ y tế ở trạm. Sau cơn mưa chiều, trạm chìm trong “biển nước”. Sáu anh em của trạm vừa làm công tác chuyên môn vừa kiêm nhiệm luôn việc “lao công”: Tát nước ra ngoài, lau dọn phòng ốc, đồ đạc, bàn ghế… Anh Phan Văn Phong - Trưởng TYT xã B’Lá, cho biết: “Vào mùa mưa, tình trạng ngập nước thường xuyên diễn ra, anh em rất vất vả trong việc quét dọn. Việc nước mưa ứ đọng, thấm vào tường, nền nhà đã làm mục rữa và ảnh hưởng đến vệ sinh của trạm. Chúng tôi không dám nhập các trang thiết bị y khoa chuyên dụng về, chỉ vì không có nơi bảo quản hợp vệ sinh”. Năm 2007, sau một cơn lốc, TYT xã B’Lá bị tốc mái. Đến năm 2008, trạm được gia cố phần mái để tiếp tục hoạt động. Nhưng kể từ năm 2009 đến nay, 6 phòng ốc của trạm đều rơi vào tình trạng xuống cấp. Mặc dù vậy, trạm vẫn “gồng mình” khám cho khoảng 6.000 lượt người/năm, trong khi dân số ở B’Lá chỉ có hơn 3.000 người.

Trạm Y tế xã Lộc Phú trông tồi tệ, xuống cấp
Trạm Y tế xã Lộc Phú trông tồi tệ, xuống cấp


TYT xã Lộc Phú cũng tương tự. Chị Ka Rẻo - Trưởng trạm, cho biết: “Trạm đã xuống cấp từ nhiều năm nay. Toàn trạm chỉ rộng khoảng 100 m2, gồm phòng trực, phòng khám, phòng bệnh nhân, phòng để thuốc và phòng thực hiện Chương trình Y tế quốc gia. Tuy nhiên, ngoại trừ phòng để thuốc còn khá lành lặn, 5 phòng còn lại đều rơi vào tình trạng ẩm thấp, tường mốc meo, thâm đen. Riêng phòng bệnh nhân thì gần như không ai dám nằm vì trần nhà bong tróc, sũng nước, chực chờ rơi. Ka Rẻo bảo: “Phòng bệnh này từ nhiều năm nay không sử dụng, vì không có ca sinh nào nằm lại, mà người bệnh đến khám cũng không ai dám nằm. Cũng may, Lộc Phú gần thị trấn Lộc Thắng, nên người dân sinh nở hoặc bệnh nặng đều ra Trung tâm Y tế Bảo Lâm hoặc Bệnh viện II Lâm Đồng. Trạm chỉ làm công tác sơ cấp cứu, trường hợp bệnh nặng thì chuyển tuyến trên”. Thống kê của TYT Lộc Phú năm 2012 đến nay, lượng người bệnh đến khám giảm 10%. Nhân viên trạm chỉ thực sự bận rộn vào các ngày tiêm chủng trẻ em hoặc các đợt cao điểm thực hiện Chương trình Y tế quốc gia; ngày thường, chờ “đỏ mắt” cũng hiếm thấy người dân vào trạm khám bệnh.

Đáng buồn nhất là TYT Lộc Thắng. Dù nằm ngay ở trung tâm huyện lỵ, song TYT lại khá tuềnh toàng, nghèo nàn. Thị trấn có 19.000 dân. Mỗi tháng, TYT khám, chữa cho 250 lượt người. K’Bas - y sỹ của TYT Lộc Thắng, tâm tư: “Khả năng trạm còn có thể khám, chữa nhiều hơn thế, nhưng điều kiện cơ sở vật chất không cho phép, trang thiết bị thiếu thốn, không đáp ứng được nhu cầu, nên phần đông bệnh nhân sau khi đến với trạm đều phải chuyển lên tuyến trên, dẫn đến tình trạng tuyến trên thì quá tải, còn trạm thì lại trống vắng!”. Bên cạnh dãy nhà đã xuống cấp của trạm, vườn thuốc nam cũng bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Toàn tỉnh hiện có 45/145 TYT xuống cấp. Cuối năm 2012, UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho 45 TYT tuyến xã trên địa bàn đã xuống cấp. Theo đó, trong năm 2013, sẽ có 15 TYT được đầu tư trước theo lộ trình ưu tiên. 30 xã còn lại (trong đó có 5 TYT đã xuống cấp của Bảo Lâm) sẽ được xây dựng trong 2 năm 2014 và 2015.

Còn PKĐK Lộc An, nhìn từ bên ngoài, hệ thống phòng ốc còn khá tươm tất với dãy nhà gồm 8 phòng; nhưng vào bên trong, mới thấy cơ sở vật chất đều rất tạm bợ. Chị Đỗ Thị Đường - Điều dưỡng trưởng của PKĐK Lộc An, cho biết: “8 phòng này đều được trưng dụng hết cỡ và đều phải lồng ghép để hoạt động. Chỉ duy nhất 1 phòng sản là hoạt động đúng chức năng. Còn phòng bệnh nhân phải lồng ghép với phòng chương trình, phòng trực kết hợp với phòng làm việc. Phòng khám lồng ghép với phòng cấp cứu. Mỗi khi đang khám cho bệnh nhân mà có ca cấp cứu thì rất phiền phức. Vì phải cho bệnh nhân đang khám ra ngoài chờ, để đảm bảo yếu tố “vô trùng” cho ca cấp cứu và cả bệnh nhân đến khám. Bác sỹ khoa nội nhi Trần Hữu Nhật cho biết: “Phòng khám đi vào hoạt động từ hơn 20 năm nay, phục vụ cho 3 địa bàn Lộc Đức, Tân Lạc và Lộc An. Mỗi tháng, chỉ tiêu khám là 1.900 ca, nhưng mỗi ngày có từ 70 - 100 lượt người đến khám. Đối với phòng khám, đó là một áp lực vì trang thiết bị của phòng khám cũng giống như một TYT xã. Chúng tôi thiếu máy siêu âm, máy đo điện tim, máy xét nghiệm…, không đáp ứng yêu cầu khám, chữa tối thiểu cho những bệnh nội khoa đến khám theo chương trình BHYT”. Cũng giống như TYT xã B’lá, điều lo lắng nhất của các nhân viên PKĐK Lộc An sau những cơn mưa lớn là tình trạng “ngập lụt” kéo dài hàng tiếng đồng hồ từ ngoài vào trong. Mới đây, phòng khám đã tạm thời làm mương chống ngập cục bộ, nhưng đường thoát nước chung lại không đảm bảo, nên giải pháp tình thế này không mấy hiệu quả.

Bác sỹ Lê Đức Quang - Giám đốc Trung tâm Y tế Bảo Lâm, trao đổi: “Theo phân kỳ đầu tư của tỉnh, trong năm 2013, Bảo Lâm được xây dựng mới TYT Lộc Ngãi; năm 2014, sẽ xây dựng các TYT Lộc Thắng, Lộc An, Lộc Phú và năm 2015 sẽ xây dựng TYT Tân Lạc và B’Lá. Nhưng đó chỉ là kế hoạch thôi. Nó còn tùy thuộc vào nguồn vốn của tỉnh…”. Trong lúc đợi đầu tư xây mới, các TYT tuyến xã của Bảo Lâm chỉ thực hiện được chức năng tiêm chủng mở rộng và các Chương trình Y tế quốc gia; còn chức năng sơ cấp cứu ban đầu, thì rất hạn chế.

HẢI UYÊN - TRỊNH CHU