Ấm nồng những bữa ăn nghĩa tình

03:09, 18/09/2013

Mỗi tuần hai ngày, bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng vẫn đều đặn đỏ lửa, giúp ấm lòng hàng ngàn lượt bệnh nhân nghèo trong hơn chục năm qua.

Mỗi tuần hai ngày, bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng vẫn đều đặn đỏ lửa, giúp ấm lòng hàng ngàn lượt bệnh nhân nghèo trong hơn chục năm qua.

Sư cô Thích nữ Huệ Đức cùng các phật tử đang chuẩn bị đồ ăn cho bệnh nhân
Sư cô Thích nữ Huệ Đức cùng các phật tử đang chuẩn bị đồ ăn cho bệnh nhân


Năm 2003, trong một lần đến Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng thăm bệnh, sư cô Thích nữ Huệ Đức (Thiền thất Bát Nhã, Đức Trọng) nhận ra rằng, còn rất nhiều những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại đây cần được giúp đỡ. Ý tưởng về những bữa ăn tình thương cũng chính thức ra đời từ đó. Lúc đầu, bữa sư cô nấu cháo, bữa nấu sữa đậu nành ăn với bánh mì. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, nhà bếp của Trung tâm Y tế Đức Trọng chưa được xây dựng, nên đồ ăn được sư cô và các phật tử nấu tại Chùa rồi múc đem lên phát cho bệnh nhân nghèo và người nhà đi nuôi bệnh. Năm 2004, nhà bếp của Trung tâm được xây dựng, trang thiết bị cũng được sắm sửa đầy đủ. Từ đó, cứ thứ 4 và thứ 5 hàng tuần, bếp ăn của Trung tâm chính thức đỏ lửa. Và cũng từ đây, chưa bữa nào bếp ăn hoạt động mà vắng mặt “bếp trưởng” sư cô Thích nữ Huệ Đức. “Dù mệt hay bận rộn thế nào, tôi cũng phải tranh thủ thời gian để tới với bếp. Nhìn những người bệnh hay người nhà của họ vui khi nhận phần ăn của mình, tôi thấy thật sự hạnh phúc”- sư cô Huệ Đức không giấu nổi niềm vui bộc bạch.

Để duy trì hoạt động đều đặn của bếp ăn trong suốt những năm qua, ngoài việc tạo mọi điều kiện của Ban Giám đốc bệnh viện, đó còn là tấm lòng của các phật tử, người giúp công, người giúp của. Đó là cô Liễu, cô Hà, cô Dung, cô Tám… Và nhiều cái tên được sư cô Thích nữ Huệ Đức lần lượt nhắc tới. Họ, người buôn bán ở chợ Liên Nghĩa (Đức Trọng), người là giáo viên, người là nông dân… Họ giống nhau ở chỗ, tất cả đều có chung tấm lòng thiện nguyện. Mỗi tháng, các phật tử, người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít, người thì tranh thủ thời gian rảnh rỗi tới đây phụ giúp sư cô vào ngày bếp hoạt động. Chị Nguyễn Thị Liễu, bán cá hấp ở chợ Liên Nghĩa cho hay, mỗi ngày, 3 giờ sáng chị đã ra chợ, nhưng cứ vào thứ 4 và thứ 5 trong tuần, thì khoảng 6, 7 giờ sáng chị tranh thủ về Trung tâm để phụ giúp sư cô chế biến đồ ăn. Còn bác Võ Thị Tám, 61 tuổi, người đã gắn bó với bếp ăn từ những ngày đầu mới thành lập cũng cho biết: “Tôi biết đến bếp ăn do một người bạn dẫn đến và gắn bó cho đến tận bây giờ. Tôi thấy vui vì việc làm nho nhỏ của mình thật sự có ích”. Còn sư cô Thích nữ Huệ Đức thì xúc động nói: “Nếu không có những tấm lòng như vầy, chẳng biết bếp ăn sẽ duy trì được bao lâu”. Bởi, ngoài kinh phí để duy trì hoạt động thì để chuẩn bị một bữa ăn tinh tươm cho gần 300 bệnh nhân và người nhà của họ, quả không đơn giản chút nào. Mỗi bữa như vậy, sư cô phải đi chợ từ lúc 4 giờ sáng, lên tới Trung tâm cũng đã 6 giờ sáng. Lúc đó, các phật tử cũng đã có mặt đông đủ. Mỗi người một việc, người nhặt rau, người vo gạo, người đứng bếp chế biến đồ ăn…

Đến khoảng hơn 10 giờ, khi mọi việc nấu nướng đều đã hoàn thành, mọi người lại bắt tay gói sẵn đồ ăn để bà con xuống bếp nhận cơm không phải chờ lâu. Một không khí làm việc khẩn trương và chuyên nghiệp, bởi trong nhiều năm qua, sư cô và các phật tử của mình đã là những đầu bếp thực thụ cùng nhau chung sức “giữ ấm” bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế Đức Trọng này. Sư cô Thích nữ Huệ Đức cho biết thêm, vào thứ 4, nhà bếp sẽ nấu cơm, còn vào thứ 5, sư cô sẽ đổi món bằng bún, phở, nui… tất cả đều là đồ chay và luôn đảm bảo yêu cầu về dinh dưỡng, cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm cho các thực khách. Ka Túy (N’thol Hạ) cho biết: “Tôi đi nuôi chị gái nằm điều trị tại đây đã hai tuần nay. Ngày nào bếp ăn nấu tôi cũng xuống lấy đồ ăn cho mình và chị. Tôi thấy đồ ăn ở đây rất ngon và cũng giúp gia đình tôi tiết kiệm được một khoản tiền để giúp chữa bệnh cho chị”. Nói về bếp ăn tình thương, bác sĩ Nguyễn Đoan - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng cho biết thêm: “Bếp ăn có ý nghĩa rất quan trọng đối với các bệnh nhân nói chung, bệnh nhân nghèo nói riêng và cả những nhân viên của bệnh viện cũng được ăn những bữa ăn chất lượng, an toàn. Bếp ăn đã góp phần không nhỏ động viên những bệnh nhân nghèo vượt qua khó khăn, cả về vật chất lẫn tinh thần”.

THY VŨ