Gần 18 năm cần cù, chịu khó trên vùng quê mới, hai vợ chồng người CCB-TB (4/4) này đã tìm ra hướng làm giàu từ mô hình vườn - chuồng, đã trở thành tấm gương vượt khó cho mọi người dân nơi đây.
Quê ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, đi bộ đội tham gia chiến đấu chống Mỹ tại quê nhà, rồi làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, chiến đấu trong đội hình sư đoàn 2, quân đoàn 4, bị thương xuất ngũ trở về quê, với tỷ lệ thương tật 33%, CCB Nguyễn Minh Quốc (1951) không cam chịu đói nghèo ở vùng đất miền Trung, quyết định đưa vợ con vào vùng đất xa xôi ĐạR’Sal - Đam Rông lập nghiệp. Gần 18 năm cần cù, chịu khó trên vùng quê mới, hai vợ chồng người CCB-TB (4/4) này đã tìm ra hướng làm giàu từ mô hình vườn - chuồng, đã trở thành tấm gương vượt khó cho mọi người dân nơi đây. Nhưng điều làm mọi người kính phục hơn đối với vợ chồng ông chính là chuyện hiến đất xây dựng trường học cho con em của địa phương.
Năm 1995, từ quê hương Bình Định, CCB đưa vợ và 3 con còn nhỏ vào lập nghiệp ở thôn Tân Tiến, xã Đạ R’Sal bên chân cầu K’Rông Nô, giáp ranh với huyện Lắc của tỉnh bạn, lúc bấy giờ, Đạ R’Sal vẫn còn là vùng quê nghèo, nhưng đất đai màu mỡ, rộng rãi, hoang hóa, còn có điều kiện để khai hoang trồng trọt. Với bản chất cần cù, siêng năng của người miền Trung và phẩm chất kiên định của người lính, CCB Nguyễn Minh Quốc đã động viên vợ khai hoang đất rẫy trồng hoa màu và nuôi heo nái, heo thịt. Lúc đầu chỉ ba con heo nái mang từ quê vào, vợ chồng ông gầy dựng lên thành 11 con heo nái, đẻ đến đâu, để lại 50% để nuôi heo thịt theo mô hình khép kín chăn nuôi, 50% heo giống còn lại bán ra thị trường lấy tiền mua cám bả phục vụ lại cho đàn heo của gia đình.
Bằng cách tổ chức chăn nuôi như vậy, lúc cao điểm gia đình ông có trên 200 con heo giống mỗi năm và trong chuồng lúc nào cũng có trên dưới 100 con heo thịt đạt trọng lượng 70-90 kg/con. Những năm 2009, 2010 được xem là thời điểm nuôi heo của gia đình ông Quốc “phát đạt” nhất, với nguồn thu khoảng 550 triệu đồng/năm heo thịt và 70-90 triệu đồng/năm heo giống. Sau khi trừ hết các khoản chi phí tiền mua thức ăn, công chăm sóc, tiền thuê thêm lao động… gia đình có được thu nhập khoảng 250-300 triệu đồng/năm. Điều đáng nói là, do có tay nghề kỹ thuật thú y, nên đàn heo của gia đình luôn được chăm sóc, bảo vệ tốt, không bao giờ bị bệnh như ở một số cơ sở chăn nuôi heo khác.
Không chỉ mang lại nguồn thu khá cao cho gia đình, nghề nuôi heo của CCB Nguyễn Minh Quốc còn cung cấp nguồn phân chuồng chất lượng tốt cho vườn cà phê của gia đình. Từ chuồng trại, hàng năm cho ra hàng chục tấn phân chuồng, ông Quốc đưa ủ kỹ trước khi đem bón cho 1,3 ha cà phê vườn, đồng thời học hỏi kỹ thuật chăm sóc cà phê qua sách vở, đài truyền hình và kinh nghiệm của những lão nông tri điền tại địa phương. Nhờ vậy, cà phê của ông bao giờ cũng đạt năng suất cao, bình quân trên 5 tấn nhân/ha.
Đang lúc cà phê kinh doanh cho năng suất, sản lượng cao như vậy, thì địa phương cần đất để xây dựng trường học cho con em trong xã, mà vườn cà phê của gia đình ông lại nằm vào vị trí “đắc địa” để xây dựng trường học.
Ông kể: “Lúc biết được chủ trương và gợi ý của lãnh đạo xã về việc mua đất để xây dựng trường học, tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm, bởi một bên là lợi ích của bản thân, một bên là lợi ích lâu dài của xã hội. Bao nhiêu công lao, khó nhọc của cả vợ chồng, con cái đổ vào mảnh vườn, với lại những năm 2005, 2006 cà phê đang được mùa, được giá, bán vườn đi còn tiếc, huống hồ… Thật tình cũng “tiếc đứt ruột”, nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ, bàn bạc với vợ, con, tôi đi đến quyết định: Hiến đất cho xã xây trường học. Đã quyết là làm, tôi cắt 8.000m2 vườn cà phê hiến cho xã xây dựng trường Tiểu học Lương Thế Vinh và THCS Lê Hồng Phong. Khi chứng kiến những hàng cây cà phê xanh thẫm bị máy đào, máy húc triệt phá để lấy mặt bằng, lòng dạ xót xa vô cùng, nhưng khi ngôi trường khang trang, bề thế xây dựng xong, đứng ngắm hoài không muối rời, lại cảm thấy lòng mình thanh thản, vui sướng biết bao”.
HOÀNG ĐẠI HUYNH