Người đàn bà "đa con"

03:09, 11/09/2013

"Tâm tắc kè" là biệt danh nhiều người đặt cho chị và không chỉ có nuôi tắc kè, chị Tâm còn nuôi nhiều loài độc đáo như: bọ cạp, chuột, kỳ đà. Hiện nay, nhà chị Tâm chuyên cung cấp con giống kỳ đà, tắc kè, chim cút, heo.

“Tâm tắc kè” là biệt danh nhiều người đặt cho chị và không chỉ có nuôi tắc kè, chị Tâm còn nuôi nhiều loài độc đáo như: bọ cạp, chuột, kỳ đà. Hiện nay, nhà chị Tâm chuyên cung cấp con giống kỳ đà, tắc kè, chim cút, heo.

 Chị Tâm nhẹ nhàng bên con kỳ đà giống
Chị Tâm nhẹ nhàng bên con kỳ đà giống


Từ Quốc lộ 20 rẽ vào thôn 9, xã Lộc An (Bảo Lâm) chừng 5 km đường đất, có nhiều đoạn lầy lội sau trận mưa chiều, chúng tôi đến hộ gia đình chị Lưu Thị Minh Tâm nhiều năm liền làm kinh tế giỏi. Chị Tâm sinh năm 1962 cầm tinh tuổi con hổ, có lẽ vậy mà chị mạnh mẽ, bản lĩnh hơn người! Nhìn chị xông vào chuồng tay không bắt những con kỳ đà và xua chúng ra ngoài ăn trứng cút để cho chị em xem mà không khỏi ngạc nhiên, thích thú, có phần nổi da gà. Vừa bắt những con kỳ đà bụng mập cho ăn, chị Tâm cho biết: khoảng 2 năm rưỡi nay gia đình chị đã ấp được trứng kỳ đà, tắc kè nở ra con giống nhờ giáo sư Nguyễn Lân Hùng đến tận nơi chỉ cho cách chăm nuôi tạo giống. Ban đầu, chị Tâm nuôi tắc kè, kỳ đà theo kiểu nuôi nhốt, hàng ngày bắt sâu, dế và trứng cút hỏng cho ăn, dần dần tích lũy kinh nghiệm, chị tiến tới nuôi chúng theo kiểu bán hoang dã. Có khoảng 70 con giống thả khắp vườn cà phê, chúng tự tìm thức ăn và chị tạo ra những nơi thích hợp để chúng đẻ trứng, thường vào tháng 2 đến tháng 5 âm lịch, qua 70 ngày trứng nở thành con giống. Đều đặn, cứ một năm chị Tâm xuất bán một lứa kỳ đà từ 300 - 400 con/lứa, với giá hiện tại 450 ngàn đồng/kg. Còn tắc kè thì hàng tháng xuất bán từ 50 - 100 con giống, giá bán 1,8 triệu đồng/kg, mỗi ký khoảng 10 - 13 con giống. Chị Tâm khoe vừa xuất đi 80 con tắc kè nặng 16 kg.

Chuyện chị Tâm nuôi tắc kè, kỳ đà lấy thịt chuyển sang chuyên nuôi con giống cũng thật buồn cười, chuyện rằng: Ban đầu chị nuôi chúng lấy thịt, gặp lúc khó khăn về đầu ra, bán không ai mua, thế là nhà chị đành giải quyết chúng bằng cách tổ chức nhậu cho bằng hết! Sau đó, chị quyết tâm chuyển hướng nuôi con giống. Ban đầu chị Tâm còn nuôi bò cạp, nuôi chuột cảnh, có ý định nuôi rắn nữa, giờ thì chị tổ chức lại sản xuất, nhiều thời gian chị dành cho những con giống cưng khác. Chị Tâm cho biết: Mình học từ khuyến nông tỉnh, có tham khảo trên mạng, nhưng không thực tế, chủ yếu tìm tòi học kinh nghiệm ở các đàn anh đi trước, học một cách bài bản.

Trong chuồng lúc nào cũng có 12.000 con chim cút giống chia làm 3 khu sản xuất riêng biệt để luân phiên có thời gian vệ sinh chuồng trại (15 ngày nghỉ ngơi), nhằm tăng chất lượng con giống sạch bệnh. Vào khu vực này luôn rộn rã tiếng chim, vừa thoăn thoắt cho chim ăn, chị Tâm vừa nói: Cứ đều đặn 3 tuần xuất đi 1 lứa con giống, giá 5.500 đồng/con được chị giao tận nhà hoặc người mua đến lấy tại nhà và tận dụng phân chim cút để bón cho cây trồng, có giá 2.200 đồng/kg. Như vậy, mỗi lứa chim cút 4.000 con giống chị Tâm hạch toán có lãi 5 triệu đồng, cộng thêm 1,5 triệu đồng tiền bán phân chim, luân phiên mỗi tháng chị Tâm nuôi 4 lứa chim cút giống.

Đưa chúng tôi đi tham quan khu vực nuôi heo, ở đây chồng chị Tâm đang phụ trách, việc nuôi heo có vẻ nhẹ nhàng vì có hệ thống cho ăn, uống tự động, việc còn lại là khâu dọn chuồng. Chị Tâm là Tổ trưởng tổ chăn nuôi VietGap thuộc dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm Lâm Đồng thực hiện từ năm 2011 đến nay có 20 chị tham gia. Chị Tâm nuôi heo nái cung cấp con giống và cả nuôi heo thịt, lúc cao điểm trong chuồng có đến 200 con heo thịt.

Ngôi nhà chị Tâm cùng hệ thống chuồng trại khép kín nằm khuất trong vườn cà phê 3 sào cho thu hoạch được hơn 10 năm và 1 ha cà phê ở cách đó không xa. Chị Tâm đã chuyển dần một số diện tích cà phê già cỗi sang cà phê ghép đang mùa quả sum suê cứ mỗi cây cho 5-6 kg. Chị Tâm dẫn chúng tôi đến kho chứa phân bón mà chị làm đại lý cung ứng phân vi sinh Sông Lam cho cả huyện Bảo Lâm, mỗi năm 1.500 tấn với hình thức đưa trước 50% còn lại trả chậm đến 20/12 hàng năm thu nợ 50% giá trị còn lại.

Đi khắp lượt nông trại của gia đình chị Tâm, thăm thú nhiều con giống độc đáo giữa vườn cà phê mênh mông, chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì chỉ có 4 lao động thường xuyên (2 vợ chồng và 2 lao động thuê), nhưng làm ra thu nhập của gia đình chị Tâm từ 1,5 -2 tỷ đồng/năm. Chị Tâm giải thích: Nuôi tắc kè, kỳ đà bán hoang dã không phải tốn công sức nhiều, nuôi heo thì đã có hệ thống tự động, nuôi chim cút thì 1 ngày cho ăn 2 lần, 3 ngày 1 lần dọn chuồng, thế thôi!

Chị Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc An (Bảo Lâm) khen ngợi chị Tâm là người phụ nữ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn nuôi những con vật đặc biệt có giá trị kinh tế cao. Mô hình kinh tế của gia đình chị Tâm được nhiều người tìm đến để mua con giống và học hỏi kinh nghiệm. Chị Tâm giàu lòng nhân ái giúp đỡ nhiều chị em khó khăn trong huyện, chị đã giúp 3 hộ sửa chữa nhà cửa, mỗi hộ từ 3-5 triệu đồng, giúp học bổng 4 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó, nhiều trường hợp khó khăn bệnh nặng chị Tâm giúp từ 1-5 triệu đồng để điều trị, giúp vốn cho hội viên phụ nữ sản xuất không lấy lãi. Chị Tâm là một trong 6 gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi được Hội Phụ nữ Lâm Đồng biểu dương.

DIỆU HIỀN