Đến với rừng núi phương Nam, họ mang theo mình là "khát vọng" của một cuộc đời mới. Sau 21 năm lập nghiệp ở vùng đất hoang sơ, giờ đây, đồng bào người H'Mông ở Lộc Thành đã có cuộc sống ổn định.
Đưa tay chỉ từng ngôi nhà khang trang trong thôn 10C, ông Thào Hùng Khải, Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Lộc Thành (Bảo Lâm), tự hào: “Con đường chỉ đủ đi bộ ngày xưa, giờ đã được bê tông hóa, kiên cố vào tới ngõ từng nhà. Hiện, toàn thôn 10C đã có 181 hộ, hơn 800 nhân khẩu, với 9 dân tộc anh em sinh sống đoàn kết, chan hòa. Thu nhập bình quân khoảng 25 triệu đồng/người/năm. Trường lớp cũng đã đâu vào đấy, nên không có con em bỏ học như trước”.
Đường bê tông đã tới xóm ngõ ở làng H’Mông |
Đến với rừng núi phương Nam, họ mang theo mình là “khát vọng” của một cuộc đời mới. Sau 21 năm lập nghiệp ở vùng đất hoang sơ, giờ đây, đồng bào người H’Mông ở Lộc Thành đã có cuộc sống ổn định. Ông Thào Hùng Khải, “thủ lĩnh” của làng H’Mông, nhớ lại: “Ở quê cũ, người H’Mông chúng tôi chỉ độc canh cây bắp. Khi vào Lâm Đồng, thời gian đầu, bà con cũng chỉ độc canh cây bắp và đi làm thuê đổi gạo sống qua ngày…”. Theo thời gian, họ đã học được cách trồng trà, cà phê từ người dân địa phương. Vừa học vừa thực hành, rồi những khoảnh vườn trồng trà, cà phê và cây sầu riêng của từng gia đình người H’Mông nơi đây cũng đã bén rễ, xanh cành tươi tốt.
Bằng nguồn kinh phí của Nhà nước trên 14 tỷ đồng, cộng với 600 triệu đồng vốn định canh định cư và 400 triệu đồng từ Chương trình 135, con đường trải nhựa xuyên suốt từ trung tâm xã Lộc Thành vào đến tận thôn xóm đã được hoàn thành đưa vào sử dụng từ cuối năm 2012. Điện lưới quốc gia cũng đã kéo về thôn từ nhiều năm qua, với tổng chiều dài gần 10 km. |
Từ năm 1997, hộ ông Thào Hùng Khải đã có 2,5 ha cà phê với sản lượng hơn 2,5 tấn nhân/ha. Từ đó, cả thôn đã nhân rộng vườn trồng cà phê. Đến nay, toàn thôn đã thâm canh hơn 200 ha, với năng suất bình quân mỗi năm đạt hơn 3 tấn nhân/ha. Trưởng thôn 10C Nông Văn Cửu, một trong những hộ làm ăn khấm khá nhất thôn 10C, tâm sự: “Có được kinh tế tương đối, con cái học hành đầy đủ như ngày hôm nay là cũng nhờ đa canh cây trồng. Gia đình tôi đã có gần 3 ha cà phê, trà, sầu riêng và ao cá các chú ạ!”. Tương tự, cây trà hạt và trà cành cũng được người H’Mông học hỏi kỹ thuật từ dân địa phương và trồng rất thành công.
Ông Đặng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thành, cho biết: “Toàn xã Lộc Thành có 18 thôn. Trong đó, thôn 3 và thôn 10C thuộc diện khó khăn nhất. Ngoài việc đa canh cây trồng, chính quyền địa phương hỗ trợ 2 thôn này xây dựng mô hình kinh tế khép kín. Mỗi hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng để trồng trọt và nuôi heo rừng thương phẩm... Đến nay, kinh tế ở 2 thôn này đã khởi sắc từng ngày”.
Với mô hình sản xuất đa canh (gồm trà, cà phê, trồng cỏ chăn nuôi bò, trồng măng tre, đào ao nuôi cá…), đời sống bà con nông dân ở đây cứ thế tăng lên. Giờ đây, trung bình mỗi hộ dân ở thôn 10C có từ 2 - 4 ha đất sản xuất nông nghiệp. Riêng gia đình ông Khải thu nhập không dưới 350 triệu đồng/năm. Những năm gần đây, nhờ mở rộng diện tích măng tre nên bà con thôn 10C đã tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể. Măng tre trồng chừng một năm rưỡi là bắt đầu cho thu hoạch. Khi đã có thu, trung bình cứ mỗi tuần thu khoảng 1 tạ măng tươi/sào. Nhờ vậy, trong năm 2012, thôn 10C đã có 23 hộ thoát nghèo bền vững. Đến nay, 100% hộ dân trong thôn đã có điện thắp sáng. Thôn 10C đã phấn đấu hoàn thành các tiêu chí và được công nhận là thôn văn hóa…
KHÁNH PHÚC - ĐÌNH THI