Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học tại Lâm Đồng

04:10, 03/10/2013

Với khoảng 21,45% là học sinh DTTS ở vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện giao lưu học hỏi và tiếp xúc với môi trường cuộc sống hiện đại nên ít khả năng tiếp cận để được giáo dục kỹ năng sống.

Trong những năm qua, ngành Giáo dục đã và đang tiến hành đổi mới cả về mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, gắn với 4 trụ cột của giáo dục: học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình - thực chất đây là một cách tiếp cận kỹ năng sống. Đặc biệt, vấn đề rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh trung học đã được Bộ GD & ĐT xác định là 1 trong 5 nội dung của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các nhà trường phổ thông giai đoạn 2008 - 2013.

Tham gia hoạt động ngoại khóa giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống
Tham gia hoạt động ngoại khóa giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống


Trong một buổi hội thảo về thực trạng văn hóa học đường và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học, các đại biểu không khỏi bất ngờ và suy ngẫm về chia sẻ của một phụ huynh có con đang là học sinh THPT. Vốn là Trưởng ban đại diện cha mẹ PHHS hơn 15 năm, và để cho học sinh có một kỷ niệm đẹp cũng như có sự gắn kết, giao lưu với nhau trước khi rời trường THPT, ông và Hội PHHS của trường đã bàn kế hoạch tổ chức một chuyến dã ngoại ngoài tỉnh khoảng 2 ngày cho học sinh lớp 12 trước khi ra trường. Nhưng khi ý định này được đưa ra, đa số phụ huynh không đồng tình vì lo sợ con em khi đi xa một mình sẽ không tự xoay xở được. Cuối cùng, chuyến đi vẫn được tổ chức nhưng chỉ khoảng ¼ số học sinh lớp 12 tham gia. Cùng đi với các em có phụ huynh đi kèm, và ông đã chứng kiến cảnh những học sinh lớp 12 không thể tự mua cho mình 1 ổ bánh mì để ăn sáng, mọi đồ đạc lỉnh kỉnh đều được phụ huynh mang vác, còn các học sinh chuẩn bị rời trường phổ thông cứ ung dung đùa giỡn. Đến giữa buổi, cả nhóm ngồi nghỉ và lấy trái cây ra ăn. Hơn 10 nữ sinh không một học sinh nào biết cách gọt quả thơm để ăn, rồi cũng phụ huynh làm giúp.

Đây chỉ là một chi tiết nhỏ, nhưng đáng để nhiều người quan tâm, suy ngẫm xem liệu mình đã chỉ dạy con cái những điều đơn giản nhưng hết sức cần thiết trong cuộc sống chưa? Có nhiều phụ huynh cho rằng, vì để cho con tập trung vào việc học, nên không bắt con làm bất cứ việc gì, cứ “cơm bưng nước rót” tận nơi, điều này vô tình khiến nhiều em không thể lo được cho bản thân khi xa gia đình đến một môi trường học tập mới.

Nhưng điều làm cho những ai tham dự hội thảo lo lắng nhất là khi xem những đoạn clip về các vụ đánh nhau của học sinh trung học ngay trong lớp. Thời gian qua, những vụ đánh nhau giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, nhất là các vụ đánh nhau giữa các nữ sinh đã gióng lên hồi chuông báo động về văn hóa học đường hiện nay. Và làm sao để giữ được văn hóa học đường và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học - lứa tuổi học làm người lớn và quan trọng để trưởng thành luôn khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Tại Lâm Đồng, phần lớn học sinh trung học có nhận thức khá tốt, nhiều em đã hình thành kỹ năng sống. Nhưng đa số học sinh vẫn còn lúng túng trong vấn đề định hướng và lựa chọn nghề nghiệp.

 Với khoảng 21,45% là học sinh DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên ít có điều kiện giao lưu học hỏi và tiếp xúc với môi trường cuộc sống hiện đại nên ít khả năng tiếp cận để được giáo dục kỹ năng sống. Bên cạnh đó, tuy giáo dục kỹ năng sống rất cần thiết nhưng lại không thể bố trí thành một môn học riêng trong hệ thống các môn học của nhà trường. Việc giáo dục kỹ năng sống phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, do đó, kỹ năng sống phải được thực hiện thông qua từng môn học và trong các hoạt động giáo dục. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa cũng giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống, trong đó, các hoạt động ngoài giờ lên lớp và các hoạt động câu lạc bộ tự nguyện sẽ góp phần hoàn thiện kỹ năng sống cho học sinh.

Năm học 2012 - 2013, Sở GD & ĐT đã triển khai thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho các trường phổ thông thông qua nhiều hình thức như: lồng ghép trong các môn học, tổ chức các cuộc thi, các hoạt động ngoại khóa… và đã thu được những kết quả bước đầu như: kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, hùng biện… của học sinh được nâng lên. Các vụ vi phạm kỷ luật, bạo lực học đường có chiều hướng giảm hơn so với những năm học trước. Qua kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2013, cho thấy khả năng định hướng và lựa chọn nghề nghiệp của học sinh đã sát thực và phù hợp với nhu cầu, xu thế phát triển của thời đại.

Tuy nhiên, để việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học thực sự có hiệu quả thì trước hết, ngành Giáo dục cần ban hành văn bản chỉ đạo xây dựng chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh và có chủ trương đưa vào chương trình chính thức để các địa phương có cơ sở pháp lý trong tổ chức triển khai ở địa phương, xây dựng và ban hành bộ chuẩn về giáo dục kỹ năng sống và hướng dẫn từ việc xây dựng mục tiêu, nội dung, cách thức tiến hành…, qua đó, có sự vận dụng linh hoạt các nội dung giáo dục kỹ năng sống cho phù hợp với tình hình địa phương. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để giúp các em được trang bị các kỹ năng cơ bản để vững vàng hơn trong môi trường học đường và ngoài xã hội.

TUẤN HƯƠNG