Các chuyên gia cho rằng, con số người bị mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam thực tế khoảng 5 triệu người, trong đó, có tới 60% chưa được chẩn đoán.
Đại diện BTC trả lời các câu hỏi của báo chí và khách mời |
Các chuyên gia cho rằng, con số người bị mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam thực tế khoảng 5 triệu người, trong đó, có tới 60% chưa được chẩn đoán.
Sáng 26/10, Bộ Y tế phối hợp với Tập đoàn Novo Nordisk đã tổ chức buổi họp báo công bố ngày hội về “Phòng chống bệnh đái tháo đường” năm 2013. Đây là một chương trình có ý nghĩa quan trọng trong việc làm giảm gánh nặng cho cộng đồng về chăm sóc đái tháo đường ở nước ta.
Tại buổi họp báo, BTC đã công bố 5 mục tiêu hành động trong chương trình chăm sóc đái tháo đường Việt Nam như: Nâng cao nhận thức của công chúng về bệnh đái tháo đường; Nâng cao nhận thức của nhân viên y tế về bệnh đái tháo đường; Thu nhập dữ liệu về tình hình bệnh đái tháo đường hiện tại; Cải thiện cơ sở vật chất trong chăm sóc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam; Cải thiện chăm sóc đái tháo đường ở trẻ em và phụ nữ có thai.
Theo số liệu của Hiệp hội đái tháo đường Thế giới IDF Diabetes Atlas, Việt Nam hiện có 3,16 triệu người mắc bệnh đái tháo đường (tương đương 5,29% dân số trưởng thành trong độ tuổi từ 20 đến 79 tuổi). Dự đoán đến năm 2030, số người mắc bệnh đái tháo đường sẽ tăng lên 3,4 triệu người. Trong năm 2012, rối loạn dung nạp đường biểu thị bằng lượng đường trong máu cao cũng đã ảnh hưởng tới 5,4 triệu người.
Tuy nhiên, các nghiên cứu tại Việt Nam lại cho thấy một tỷ lệ cao hơn: 1,2% năm 1994, 3,8% vào năm 2001. Năm 2009, tỷ lệ người mắc bệnh tại TP.HCM đã là 11%. Các chuyên gia cho rằng, con số người bị mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam thực tế khoảng 5 triệu người, trong đó, có tới 60% chưa được chẩn đoán. Ngay cả các bệnh nhân đã được chẩn đoán cũng chưa được điều trị đúng mức và đa số họ đều không đạt được mục tiêu điều trị. Cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh thì có 6 người đã có biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Các phương thức điều trị bệnh tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện để giải quyết những khó khăn về sự gia tăng bệnh đái tháo đường. Kiểm soát bệnh đái tháo đường típ 2 thành công sẽ góp phần đáng kể trong việc phòng ngừa các bệnh mãn tính khác, bởi các bệnh này có cùng yếu tố nguy cơ, các yếu tố quyết định trong tiến triển bệnh và cơ hội can thiệp.
(Theo khampha.vn)