Sử dụng chất béo hợp lý

03:10, 20/10/2013

Xung quanh chúng ta có rất nhiều thực phẩm cả nguồn động vật và thực vật có thể cung cấp chất béo cho các bữa ăn hàng ngày. Do đó, cần tùy theo điều kiện thực tế của mỗi địa phương và gia đình để lựa chọn các thực phẩm phù hợp cung cấp cho bữa ăn hàng ngày một lượng chất béo vừa đủ, có giá trị sinh học cao.

Xung quanh chúng ta có rất nhiều thực phẩm cả nguồn động vật và thực vật có thể cung cấp chất béo cho các bữa ăn hàng ngày. Do đó, cần tùy theo điều kiện thực tế của mỗi địa phương và gia đình để lựa chọn các thực phẩm phù hợp cung cấp cho bữa ăn hàng ngày một lượng chất béo vừa đủ, có giá trị sinh học cao.

Để có thể sử dụng chất béo hợp lý trong các bữa ăn hàng ngày cần quan tâm đến các tiêu chuẩn: tỉ lệ năng lượng chất béo trong tổng năng lượng khẩu phần hàng ngày, tỷ lệ chất béo động vật/ chất béo tổng số và nhu cầu khuyến nghị của một số acid béo không no. Mỡ động vật có thành phần dinh dưỡng chính là acid oleic, palmitic và stearic. Mỡ lợn và mỡ các loại gia súc chứa chủ yếu các acid béo no hoặc các acid béo chưa no. Mỡ gia cầm chứa nhiều acid béo không no cần thiết nên giá trị sinh học cao hơn. Thịt động vật chứa từ 0,5-30% lượng chất béo, trong các tổ chức mỡ của thịt động vật đều có các tryglycerol, các vitamin, cholesterol, các chất chống oxy hóa và cả các hóa chất mà các động vật đã sử dụng.

Sữa động vật là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, có chứa khoảng 3-8% chất béo, với thành phần chính bao gồm triacyglycerols, các protein, phospholipid và cholesterol. Thành phần của sữa cũng bao gồm một lượng nhỏ cholesteryl esters, các vitamin tan trong chất béo (chủ yếu là vitamin A, beta carotene, vitamin D) và các vitamin nhóm B.

Bơ là sản phẩm tách từ chất béo của sữa, có chứa khoảng 15% nước, thành phần rất khác nhau từ các nguồn nguyên liệu. Chất béo của bơ có khoảng 62% là acid béo no, 38% là acid béo chưa no. Chất béo của bơ dễ bị oxy hóa do ánh sáng và nhiệt độ.

Váng sữa: Trên thị trường gần đây xuất hiện khá nhiều loại váng sữa với các mùi hương hợp khẩu vị trẻ nhỏ như: vani, chocolate, ... Đa phần các loại váng sữa là sản phẩm nhập khẩu được bán với giá khá cao. Đây cũng chính là lý do khiến váng sữa trở nên hút khách vì tâm lý chuộng hàng nhập ngoại. Thành phần dưỡng chất trong váng sữa chủ yếu là chất béo: Lượng chất béo trong 1 hũ váng sữa cao gần gấp đôi so với chất béo có trong 1 ly sữa thông thường, chiếm trên 55% tổng năng lượng trong váng sữa. Do đó, đây là nguồn cung cấp chất béo và năng lượng rất tốt cho những trẻ gầy ốm, ăn ít hoặc bị suy dinh dưỡng. Với những trẻ này, cha mẹ nên dùng váng sữa làm bữa ăn phụ cho trẻ, với lượng dùng hợp lý là 1- 2 hũ/ngày. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ không nên dùng váng sữa để thay thế sữa cho trẻ bình thường vì đây là sản phẩm cao năng lượng với cơ cấu không cân đối, nếu lạm dụng váng sữa, hậu quả nhãn tiền sẽ là thừa cân, béo phì và lâu dài sẽ mắc các bệnh mạn tính không lây. Do đó, cần hạn chế sử dụng váng sữa đối với trẻ dưới 1 tuổi và cả trẻ lớn, đặc biệt là những trẻ thừa cân, béo phì.

Bên cạnh bơ, váng sữa, trên thị trường hiện nay còn xuất hiện nhiều loại sản phẩm phô-mai, nhất là phô mai tươi. Đây cũng là sản phẩm nhập khẩu và cũng được bán với giá khá cao. Các bậc phụ huynh thường quan niệm rằng “tươi” là “tốt” nhưng thành phần dinh dưỡng từ phô-mai tươi hay phô-mai thông thường (dạng viên hình tam giác) đều như nhau.

Trứng là một loại thực phẩm sẵn có và thông dụng có giá trị dinh dưỡng rất cao. Trứng cung cấp 6-7gram triacyglycerol và phospholidpid và 250-300mg cholesterol. Lượng chất béo trong trứng gà toàn phần là 11,6%, trứng vịt là 14.25%. Lòng đỏ trứng gà có 29.8% là chất béo. Trứng không chỉ cung cấp chất béo mà còn là nguồn cung cấp lipoprotein trong lòng đỏ trứng, các lecithin và các protein hay bị thiếu hụt trong các thực phẩm khác như tryptophan, methionin, cystein, arginin.

Cá có từ 0,3-30,8% chất béo và các acid béo chưa no hoạt tính cao chiếm tới 90% trong tổng số chất béo của cá. Các loại cá “nạc” cung cấp các chất béo như triacyglycerols trong gan cá, trong khi các loại cá “béo” cung cấp các chất béo trong thịt cá. Chất béo từ cá có thành phần các acid béo cao với hơn 20 nguyên tử carbon với nhiều acid béo. Trong cá, nhất là cá biển có các acid béo omega3 và DHA có vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của tế bào não và hệ thần kinh, giúp phòng chống bệnh xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim.

Dầu thực vật: Giá trị dinh dưỡng chính của dầu thực vật là có nhiều acid béo chưa no cần thiết, các phosphatid, tocopherol, các sterol và một số hợp chất sinh học khác. Các loại dầu thực vật có nhiều các thành phần mang hoạt tính sinh học cao gồm: dầu hướng dương có chứa nhiều acid béo không no, chất khoáng, chất xơ, vitamin E; dầu đậu nành có chứa tới 80% acid béo chưa no có tác dụng giảm cholesterol trong máu và dầu hạt cải có chứa các acid béo omega 3 và có sự cân đối giữa các acid béo.

ThS-BS Ka Sum