Cải thiện thiếu vi chất dinh dưỡng

03:10, 20/10/2013

Các vi chất dinh dưỡng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của cơ thể, thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến một số bệnh lý đặc thù. Hiện có khoảng 40 loại vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Liên quan đến phát triển cơ thể trẻ em ngoài bộ ba vi chất vitamin A, sắt và I-ốt, còn có nhiều vi chất quan trọng khác như kẽm (Zn), vitamin D…

Các vi chất dinh dưỡng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của cơ thể, thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến một số bệnh lý đặc thù. Hiện có khoảng 40 loại vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Liên quan đến phát triển cơ thể trẻ em ngoài bộ ba vi chất vitamin A, sắt và I-ốt, còn có nhiều vi chất quan trọng khác như kẽm (Zn), vitamin D…

Hồn nhiên. Ảnh: Thanh Toàn
Hồn nhiên. Ảnh: Thanh Toàn


Vitamin A (Retinol): Trẻ em cần vitamin A để phát triển bình thường. Khi thiếu vitamin A làm giảm tốc độ tăng trưởng, trẻ em sẽ chậm lớn, gây suy dinh dưỡng. Vitamin A rất cần thiết cho quá trình nhìn vì nó là thành phần thiết yếu của sắc tố võng mạc. Nếu thiếu vitamin A dẫn đến quáng gà và nặng hơn có thể dẫn đến khô loét giác mạc mắt và mù lòa. Vitamin A làm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật, khi thiếu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và nếu mắc thì bệnh thường tiến triển nặng hơn. Vitamin A chỉ có trong các thức ăn nguồn gốc động vật như thịt, trứng, cá, sữa, gan… Cơ thể có thể tạo thành vitamin A từ carotene (gọi là tiền vitamin A) là loại sắc tố rất phổ biến trong thức ăn có nguồn gốc thực vật. Caroten có trong các loại rau, quả, củ có màu vàng đỏ, da cam như gấc, đu đủ chín, xoài, mơ…Vitamin A là loại vitamin hòa tan trong chất béo (dầu, mỡ). Để đáp ứng đủ nhu cầu vitamin A cho cơ thể, bữa ăn của trẻ cần có đủ các thực phẩm giàu vitamin A và tăng cường thêm dầu, mỡ giúp trẻ hấp thu tốt vitamin A.

Sắt: chất sắt cần thiết cho quá trình tạo máu, cụ thể hơn là tạo hồng cầu để vận chuyển oxy tới cung cấp cho các tổ chức trong cơ thể. Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu làm cơ thể mệt mỏi, giảm khả năng lao động. Với trẻ em, thiếu máu làm giảm trí nhớ, giảm khả năng tư duy và học tập. Thức ăn nguồn gốc động vật nói chung (thịt, trứng, gan…) giàu chất sắt và có tỉ lệ hấp thu cao (hấp thu 30%); các loại đậu đỗ có nhiều chất sắt và tỉ lệ hấp thu tương đối cao (hấp thu 20%); các loại ngũ cốc, lương thực nghèo chất sắt và tỉ lệ hấp thu thấp (hấp thu 5%). Các loại rau, quả chứa ít chất sắt nhưng giàu vitamin C vừa giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể và giúp hấp thu sắt tốt hơn.

 I ốt: là vi chất dinh dưỡng cần thiết để tạo nên hocmon tuyến giáp, là hocmon chủ yếu đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa phát triển cơ thể. Thiếu I-ốt gây ra nhiều rối loạn khác nhau: bướu cổ, chậm phát triển trí tuệ, đần độn… Trong cơ thể, trên 75% I-ốt được tập trung ở tuyến giáp để tổng hợp hocmon giáp trạng, phần còn lại được phân bố trong các mô khác như nước bọt, tuyến vú, dịch tiêu hóa và thận.

Thiếu I-ốt trong thời kỳ thiếu niên không chỉ gây ra bướu cổ mà còn dẫn đến đần độn, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng. Phụ nữ mang thai thiếu iốt có thể bị sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non. Người mẹ thiếu I-ốt nặng sinh ra trẻ sẽ bị các khuyết tật bẩm sinh như điếc, câm, lác. Các loại tảo biển và thủy sản ở biển có hàm lượng iốt tương đối tốt, các loại thực phẩm khác hàm lượng iốt thường thấp và phụ thuộc vào từng vùng đất trồng.

Vitamin D: Thiếu vitamin D chỉ có khoảng 20% canxi ăn vào được hấp thụ qua ống tiêu hóa, còn khi đủ vitamin D khả năng hấp thụ lên tới 50- 80%. Vitamin D rất cần cho quá trình tạo xương. Do vậy, thiếu vitamin D ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa canxi, phốt pho trong cơ thể làm cho hệ xương và cơ thể trẻ chậm phát triển. Các biểu hiện của thiếu vitamin D: ngủ không yên giấc, hay giật mình, đổ mồ hôi trộm, rụng tóc phía sau đầu, thóp rộng, bờ thóp mềm, đầu to, trán dô, chậm mọc răng, chậm biết lẫy -bò - đứng - đi, các bắp thịt nhão. Thiếu vitamin D trẻ em sẽ bị còi xương ảnh hưởng đến phát triển chiều cao và tầm vóc của trẻ sau này. Vitamin D chỉ có ở thức ăn động vật như trứng, sữa, gan bò, gan lợn, cá, đặc biệt là gan cá thu. Vitamin D cũng là loại vitamin tan trong chất béo, do vậy để giúp trẻ hấp thu và sử dụng tốt vitamin D cần có đủ dầu, mỡ trong bữa ăn của trẻ. Vitamin D2 được tích lũy dưới da (đó là dạng chưa hoạt động), sau khi được ánh nắng chiếu vào sẽ chuyển thành dạng D3 là dạng hoạt động, do vậy, để phòng chống còi xương cho trẻ ngoài chế độ ăn đủ các thành phần dinh dưỡng và vitamin D thì nên cho trẻ tắm nắng.

Kẽm: Là vi chất có tác dụng làm tăng khả năng miễn dịch, giúp cơ thể phòng chống các tác nhân gây bệnh, làm tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ em biếng ăn, suy dinh dưỡng. Bổ sung kẽm cho trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị tiêu chảy giúp rút ngắn số ngày bị bệnh, giảm số lần tiêu chảy mỗi ngày, sớm bình phục về sức khỏe và cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Kẽm kích thích sự tăng trưởng, giúp cho hệ tiêu hóa phát triển và tăng cường chuyển hóa, nhất là khi trẻ bị suy dinh dưỡng. Bổ sung kẽm giúp tăng trưởng cho trẻ em đặc biệt là cải thiện chiều cao của trẻ thấp còi. Kẽm có nhiều trong thức ăn động vật như thịt, cá, cua, tôm biển, hàu, trai, sò… Để tăng cường kẽm trong khẩu phần ăn hàng ngày cần hạn chế rượu và cà phê vì hai chất này khiến kẽm bài tiết nhanh qua đường tiểu; không nấu quá nhừ, quá kỹ làm lượng kẽm trong thực phẩm giảm đi một nửa; ăn các thực phẩm không chế biến sẵn vì lượng kẽm đã mất đi qua chế biến.

Ths-Bs HÀ THỊ GƯƠNG