Với những người bị trục trặc ở dạ dày, nhất là viêm loét thì việc ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến bệnh.
Với những người bị trục trặc ở dạ dày, nhất là viêm loét thì việc ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến bệnh.
|
Người viêm loét dạ dày nên dùng món luộc, hấp thay cho món chiên xào - Ảnh: Hạ Huy |
Cuộc sống hiện đại, nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống khiến bệnh viêm loét dạ dày càng xảy ra nhiều. Bệnh thường gặp từ tuổi 30 trở đi, nam giới mắc bệnh nhiều hơn phụ nữ. Biểu hiện thường gặp ở bệnh này là những cơn đau vùng thượng vị, và cơn đau thường liên quan đến bữa ăn (thường xuất hiện lúc đói trước bữa ăn). Có những trường hợp sau khi bị đau vài tuần đến vài tháng rồi tự thuyên giảm, nhưng một thời gian sau sẽ đau trở lại. Bên cạnh cơn đau, một số biểu hiện có thể thường gặp là ợ chua, cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không biểu hiện triệu chứng cho đến khi bệnh trầm trọng (như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày...) phải nhập viện cấp cứu.
Chế độ dinh dưỡng có tác động rất lớn đến người bệnh viêm loét dạ dày. Tại buổi nói chuyện với người dân về chế độ ăn uống mới đây ở TP.HCM, các bác sĩ khuyên người có bệnh viêm loét dạ dày, trong ăn uống hay khi chế biến thức ăn cần để ý là: nên thái (cắt) nhỏ, hoặc xay nhuyễn nguyên liệu, nấu chín mềm. Làm như thế sẽ giảm sự kích thích bài tiết dịch vị ở dạ dày, đồng thời giúp việc tiêu hóa thức ăn được nhanh hơn, giảm mức độ làm việc cho dạ dày. Nên ăn đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ. Nên chia làm nhiều bữa ăn trong ngày. Tránh ăn quá no trong một lần. Rau và trái cây tươi là thực phẩm dùng thích hợp cho người bệnh. Nên dùng rau còn non và dùng rau luộc (hay nấu dạng súp); dùng các loại rau củ đã nấu chín. Các thực phẩm giàu đạm, nên chế biến theo cách luộc, hấp, tránh chiên xào để dễ tiêu hóa.
Cần lưu ý, với món ăn quá nóng hay quá lạnh đều không tốt cho người có bệnh viêm loét dạ dày. Không ăn bữa tối quá gần giờ đi ngủ. Việc thường xuyên căng thẳng, lo lắng là tác nhân làm nặng thêm bệnh viêm loét dạ dày - bởi nó kích thích dạ dày tăng tiết dịch vị. Hạn chế (hoặc kiêng) dùng các món ăn có nhiều mùi vị, hương thơm, thịt quay, thịt rán, thịt nướng, thịt ướp muối, cá ướp muối và các món chiên xào nhiều dầu mỡ; không dùng các thức ăn, thực phẩm có tính kích thích, có tính cay, nóng như tiêu, ớt, tỏi, giấm tỏi, thức ăn ngâm chua, trái cây các loại ngâm chua, cà phê, rượu, thuốc lá... Tránh dùng loại thịt nguội chế biến sẵn, các thức ăn quá mặn cũng không tốt cho bệnh này.
(Theo Báo Thanh niên)