Nghiệp võ của gia tộc Nguyễn Trần

03:11, 13/11/2013

Trong thuật ngữ dân gian Việt Nam có một cụm từ rất đặc biệt, đó là "Con nhà võ". Cụm từ này không những chỉ đề cập đến gia tộc mang truyền thống võ đạo mà bao gồm tất cả những người chọn nghiệp võ để đi theo suốt đời.

Trong thuật ngữ dân gian Việt Nam có một cụm từ rất đặc biệt, đó là “Con nhà võ”. Cụm từ này không những chỉ đề cập đến gia tộc mang truyền thống võ đạo mà bao gồm tất cả những người chọn nghiệp võ để đi theo suốt đời. Gia tộc võ sư Nguyễn Trần Diêu là một điển hình, một gia tộc có 4 đời theo nghiệp, đã mang võ thuật của người Việt ra khắp năm châu; đồng thời, cũng mang những tấm huy chương quốc tế danh giá về cho đất nước và làm rạng danh họ tộc Nguyễn Trần ở miền Trung từ năm 1945 cho đến nay.
 
 Duy Nhất (áo đỏ) đoạt giải vô địch châu Á
Duy Nhất (áo đỏ) đoạt giải vô địch châu Á
 
Võ sư Nguyễn Trần Diệu tiếp tôi tại nhà riêng ở ngã ba Lâm Anh, thuộc xã Tư Nghĩa, huyện Cát Tiên. Ngôi nhà riêng của ông cũng rất khiêm tốn, chỉ là một ngôi nhà cấp 4. Trên bức tường chính diện treo một chữ “nhẫn” viết theo kiểu thư pháp. Bên phải là một tủ kính đầy ắp các loại huy chương. Phía bên trái là một dãy đao kiếm.
 
Võ sư Nguyễn Trần Diệu sinh năm 1959, tại Quảng Ngãi, là con trai đầu của võ sư Nguyễn Trần Diêu. Ông Diêu theo nghề võ trước năm 1945, là đệ tử của chú ruột mình là ông Nguyễn Trần Tiếp, một trong những “cây cổ thụ” trong làng võ Việt Nam ở thập niên 40 tại miền Trung. Trải qua nửa thế kỷ từ thời ông nội đến cha đã khai sáng nên võ sử của dòng tộc Nguyễn Trần. Đến thế hệ thứ ba, ông Diệu mở đầu cho những trận giành giải toàn quốc, trở thành vô địch ở tầm võ sĩ hạng gà. Đến đời thứ tư là võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất sinh năm 1989 tại Lâm Đồng, là con trai đầu của võ sư Nguyễn Trần Diệu đã và đang viết thêm trang sử mới cho dòng tộc ở tầm quốc tế. 
 
Có lẽ trong họ tộc này, Duy Nhất mang về cho đất nước nhiều huy chương vô địch thế giới từ các đấu trường Thái Lan, Indonesia, Nga… ở hạng long (từ 57 đến 60 kg). Tài năng của Duy Nhất, ngoài tố chất của dòng tộc, còn là sự phối hợp của hai trường phái khác nhau. Mẹ của Duy Nhất là võ sư Minh Ánh Ngọc. Bà Ngọc sinh năm 1963 tại Nha Trang, là hậu duệ của võ sư Minh Cảnh đệ nhất quyền anh Đông Dương vào thập niên 40. Võ sĩ có lối đá liên hoàn cước rất nguy hiểm. Thời con gái, bà đã tham gia hàng chục trận đấu. Đến khi không còn đấu thủ ở hạng cân của mình, bà kết hôn với võ sư Nguyễn Trần Diệu, trở thành cặp vợ chồng võ sĩ có danh hiệu tại Việt Nam thời bấy giờ. Nguyễn Trần Duy Nhất là “phiên bản” của hai người. Duy Nhất thừa kế món quyền đánh cận chiến cấp tập của bố, lối đá liên hoàn cước của mẹ và món chỏ tấp, chỏ chặt của ông nội. Trong nhà, những vòng đai to bề thế dành cho vô địch quốc tế đều là của Duy Nhất. Tuy nhiên, trong đời thường Duy Nhất hiền lành, nhã nhặn, khiêm tốn cũng giống như cha mẹ. 
 
Trước khi tìm đến nhà võ sư Diệu, tôi tình cờ đọc được bài viết về một gia đình nghề võ từ Tạp chí Langbian Lâm Đồng. Trong chuyến thăm này, tôi may mắn gặp được 3 thế hệ từ thầy Diêu đến vợ chồng võ sư Diệu và cháu Nguyễn Trần Duy Nhất. Tôi đã mang hết những tư liệu của gia tộc Nguyễn Trần “đặt trên bàn” với mục đích tìm hiểu của con nhà võ mà trong đời chưa có duyên gặp gỡ. Có lẽ đã lâu rồi không ai nhớ đến ông, nên khi gặp được người lạ tìm hiểu về dòng họ mình đã làm thầy Diêu bật khóc. Tôi không biết ông khóc vì vui hay nhớ đến một thời oanh liệt của mình. Ở độ tuổi 80, vị võ sư già còn minh mẫn. Ông đau đáu nhớ về thời trai trẻ, một thời vang bóng ở xứ sở miền Trung. Cụ Diêu giã từ “nghề” từ sau năm 1975 để dành phần lớn thời gian dạy dỗ con cháu về võ đức của gia tộc. Ông vừa lau nước mắt, chậm rãi cho biết: “Việc duy trì nghiệp võ cho một gia tộc thật sự không phải dễ dàng, vì nghề này ngoài võ thuật buộc phải tập luyện, còn phải thường xuyên trau dồi tâm đức. Nếu không làm thế, qua đôi lần chiến thắng, tưởng mình giỏi hơn thiên hạ, sẽ ngã sang “Tà Đạo” là tự mãn, tự kiêu, lao vào tửu sắc hoặc biến thành kẻ “bảo kê” hay “đầu gấu”. Người thầy dạy võ phải trải qua một quá trình tuyển chọn môn sinh nghiêm ngặt để truyền nghề. Nhiều khi cả dòng họ không chọn được ai vì thiếu “đức” và “nhẫn”. Võ thuật không chỉ học về kỹ năng cận chiến mà còn là nghệ thuật và nhân văn nữa. Chính vì thế người ta gọi là “võ đạo”, chứ không ai gọi “bóng đá đạo” hay “quần vợt đạo” bao giờ. Như vậy, võ học suy cho cùng có hai phần là thuật và đạo. Thuật chỉ để giúp người ta biết võ, còn đạo mới đưa con người biết võ mà “hành” võ. Ví dụ, uống trà là nhu cầu thông thường, nhưng biết cách thưởng thức trà và mang những nghĩa cử thanh cao uống trà kết bạn, giúp ích cho xã hội, thì đó là “trà đạo”.
 
Bàn về tính nhân văn của võ thuật, người Việt khác với người Nhật. Người Nhật đến với võ đường với mục đích cao quý là học tập và rèn luyện cái đạo trong võ học. Còn các đòn, thế chỉ là thứ yếu. Trong khi ở xứ mình, phần lớn các cháu đi học võ để muốn hơn người, có khi vì bạn bè rủ đi cho vui… Chính vì động cơ không trong sáng ấy, nên chỉ vài tháng hoặc đôi ba năm đã bỏ cuộc. Khi người học chưa đạt đến tầm hiểu biết về chính đạo sẽ rất dễ bị rơi vào “tà đạo”. Người theo nghiệp võ phải thuần thục về tâm pháp và nghiêm túc thực hiện “tín - nghĩa - hiệp - dũng”. Hay nói cách khác, học võ là để giữ thân, giữ nhà, cứu người, giúp đời khi cần thiết. Người có võ công càng cao, thì đức tính càng khiêm nhường, thích sống lặng lẽ, không phô trương, không đánh người “dưới ngựa”, nhưng một khi đã “ra đòn” thì phải “hạ thủ.” 
 
Ông võ sư già xin lỗi tôi quay sang thủ thỉ với con cháu ông như nói với chính mình “Gia tộc ta đã có 4 đời theo nghiệp tổ, gắn bó với nghề cả trăm năm. Ngày xưa, sư tổ đi buôn bán đường dài nên học võ để phòng thân, rồi mở lò dạy. Đến đời của cha, thượng đài giành vô địch vùng miền, đời thằng Diệu (võ sư Nguyễn Trần Diệu) giành được vô địch toàn quốc; đời thằng Duy Nhất giành vô địch thế giới. Sau này, nếu cha có qua đời, các con phải cố giữ cho được “đạo nhà”. Người có nghĩa khí là người trọng nghĩa khinh tài (Tài ở đây là có nghĩa là tiền tài, danh vọng). Nếu các con luôn nghĩ mình tài giỏi, xem thường thiên hạ hoặc chạy theo tiền bạc, sớm muộn gì cũng rơi vào tà đạo. Đến ngày giỗ tổ, hương hồn của cha cũng không dám về dự, vì chính các con đã làm hoen ố dòng tộc mà họ Nguyễn Trần đã xây dựng cả trăm năm”.
 
Tạm biệt gia tộc có 4 đời theo nghiệp, ra đứng ở ngã ba mang tên nhà thơ Lâm Anh tại Cát Tiên, trên đường về, tôi cứ ám ảnh gia đình võ sư Diệu - Ngọc, những con người có cuộc sống bình dị ở vùng nông thôn này lại góp phần làm rạng danh đất nước, trong lúc kinh tế gia đình vẫn chạy theo “phương trình” cơm áo từng ngày, cuộc sống vẫn “giật gấu vá vai”. Nhưng trong gian khó ấy, họ vẫn theo nghiệp tổ, vẫn cố hết sức mình để tất cả các con theo đại học. Tôi mong thế hệ thứ 4 này sẽ trở thành tài sản quý hiếm, tiếp tục giữ “đạo nhà” để kế thừa tinh hoa của họ tộc đã một thời vang bóng.
 
Trần Đại