Trước đây, thôn Bơsu Làc là một trong những thôn còn gặp nhiều khó khăn của huyện Di Linh. Nhờ chủ trương, chính sách của Đảng,Nhà nước, nên đời sống của người dân nay đã được nâng lên rõ rệt…
Trước đây, thôn Bơsu Làc (nay gọi là thôn 5), xã Tân Lâm là một trong những thôn thuộc vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn của huyện Di Linh. Nhờ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nên đến nay đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt; nhiều ngôi nhà khang trang “mọc” lên khắp buôn làng, minh chứng một cuộc sống mới đã về với vùng đồng bào DTTS nơi đây.
|
Một góc khu dân cư thôn Bơsu Làc (thôn 5, Tân Lâm) |
Trước đây, đời sống của bà con DTTS thôn Bơsu Làc chủ yếu dựa vào cây bắp và lúa rẫy, sản phẩm làm ra chỉ đủ tự cung, tự cấp; có những hộ vẫn thiếu đói lúc giáp hạt. Sau ngày giải phóng, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bà con thôn Bơsu Làc đã từ bỏ cuộc sống du canh, du cư, phát rừng làm nương rẫy, định canh, định cư xây dựng cuộc sống mới. Bà con đã từng bước làm quen với việc trồng cây cà phê, kết hợp phát triển chăn nuôi và trồng hoa màu. Cũng từ đó, cuộc sống của đồng bào DTTS nơi đây đã được cải thiện đáng kể. Ông Hàn Văn Chúc, Chủ tịch UBND xã Tân Lâm, cho tôi biết: Thôn Bơsu Làc có 364 hộ, 1.771 nhân khẩu. Trong đó, người DTTS gốc Tây Nguyên chiếm 86,9%. Cuộc sống của người dân trong thôn chủ yếu dựa vào cây cà phê, hiện toàn thôn có 892 ha đất sản xuất, hộ ít nhất cũng có được 1 ha; còn hộ nhiều thì có đến 10 ha. Nhờ cà phê, nhiều hộ dân đã có cuộc sống ổn định và vươn lên làm giàu chính đáng. Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án đầu tư. Bên cạnh đó, bà con đã nâng cao ý thức, chịu khó trong lao động sản xuất và biết tiết kiệm trong việc chi tiêu, nên giờ đây cuộc sống của bà con đã thay đổi rất nhiều. Từ đó, bà con nơi đây không những đã thoát nghèo mà còn có “của ăn, của để”. Khi cuộc sống đã ổn định, bà con đã biết tích lũy dần để xây dựng nhiều ngôi nhà khang trang và mua sắm các phương tiện sinh hoạt trong gia đình cũng như các nông cụ phục vụ sản xuất. Theo thống kê của UBND xã Tân Lâm: Hiện nay, toàn thôn đã có trên 100 ngôi nhà kiểu “biệt thự”, với chi phí xây lắp từ 400 đến 800 triệu đồng.
Nếu như 13 năm về trước, người dân thôn Bơsu Làc phải sống trong những ngôi nhà ván lụp xụp, đời sống hết sức khó khăn, vất vả thì giờ đây những ngôi nhà ván, tranh tre cũ nát nay đã được thay thế dần bằng những ngôi nhà xây kiên cố, với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Tọa lạc dọc trên quốc lộ 28 và ẩn núp trong các vườn cà phê là những ngôi nhà 2 tầng được xây dựng theo kiểu “biệt thự” thật khang trang, mà chủ nhân của những ngôi nhà này hầu hết là của đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên.
Ngôi nhà của già làng K’Brêh được xây dựng từ năm 2007 với số tiền hơn 820 triệu đồng và mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. Già làng K’Brêh cho biết: Sau khi chia cho các con, gia đình già còn trên 4 ha cà phê, mỗi năm thu được từ 10 - 14 tấn cà phê nhân.
Rời gia đình già làng K’Brêh, chúng tôi ghé thăm gia đình ông K’Brôm. Sinh ra trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, nên bản thân ông K’Brôm chỉ học tới lớp 4 rồi thôi học, theo gia đình lên nương rẫy trồng lúa, tỉa bắp. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, được Đảng, Nhà nước quan tâm thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ cây giống, phân bón…, ông đã vận động vợ con trong gia đình tích cực trồng cây cà phê và mở rộng diện tích vườn hộ. Đến nay, gia đình ông K’Brôm có trên 6 ha cà phê đã cho kinh doanh, mỗi năm thu được từ 18 - 25 tấn cà phê nhân. Với tính cần cù, chịu khó cộng với việc biết tính toán và chi tiêu hợp lý, nên cuộc sống của gia đình ông không những dư giả mà còn nhanh chóng vươn lên làm giàu. Sau một thời gian tích luỹ, năm 2010 gia đình ông K’Brôm đã xây dựng ngôi nhà theo kiểu “biệt thự” trên 800 triệu đồng và mua chiếc xe ôtô hiệu Inôva 750 triệu đồng. Ông K’Brôm chia sẻ: Trước đây, cuộc sống của người dân nơi đây hết sức khó khăn, chỉ biết canh tác lúa rẫy và hoa màu, nên thiếu trước, hụt sau. Được Đảng, Nhà nước quan tâm vận động nhân dân xây dựng cuộc sống định canh, định cư, hỗ trợ giống cây trồng, phân bón và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên cuộc sống của bà con từng bước được đi lên. Hiện thôn Bơsu Làc có trên 50% hộ khá và giàu, 15 hộ nghèo và còn lại là hộ có mức sống trung bình. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt trên 22 triệu đồng/năm.
Tạm biệt thôn Bơsu Làc, trong tâm trí tôi vẫn còn đọng lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về sự nỗ lực vươn lên của bà con Bơsu Làc. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, với sự nỗ lực của nhân dân và chính quyền địa phương, huyện Di Linh sẽ có thêm nhiều vùng quê trù phú, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn huyện nhà ngày thêm khởi sắc.
NDONG BRỪM