Những ngày đông cuối năm 2013 đã thực sự là những ngày vui của bà con nông dân thôn 9, xã Tân Thanh. Những người nông dân đã có thể hưởng thụ một cuộc sống tiện nghi hơn với các vật dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu cũng như giải trí, từ nồi cơm điện, tủ lạnh cho tới ti vi...
Tân Thanh, Lâm Hà, vùng đất của những người đi khai phá hôm nay rợp màu xanh của cà phê và màu. Cuộc sống tuy chưa phải giàu có nhưng đã ổn định và an bình; duy chỉ có một điều làm người dân và chính quyền Tân Thanh còn băn khoăn: nhiều nơi trong xã vẫn chưa có điện, nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hiện đại. Vào những ngày cuối năm 2013, đông đảo cư dân vùng đất này chào đón nguồn sáng ấm áp như một món quà chào xuân mới.
|
Gắn biển cho công trình phát triển lưới điện thôn 9, Tân Thanh |
Buôn Đa Me, thôn 9 vốn là “nhánh” của Đa Me “lớn”, nơi nhiều bà con K’Ho lập ấp từ năm 1990. Đất rộng, buôn ít người, bà con trồng cà phê, cuộc sống kể như ổn định nhưng suốt chừng đó năm, bà con vẫn sống trong cảnh không có điện. Gần 40 hộ gia đình sử dụng ánh đèn dầu leo lét suốt hàng chục năm trời cho tới hôm nay, khi nguồn điện kéo tới tận nhà, để mỗi gia đình sáng bừng lên nguồn sáng hy vọng. Anh Kơ Să Ha Liêng, Chi hội trưởng nông dân thôn cười rộng mở: “Cả buôn xưa giờ không có điện, giờ vui lắm rồi. Nhà mình mua ti vi rồi, chờ bán cà phê sẽ mua nồi cơm điện. Mừng quá”.
Không chỉ có cái mừng của anh Ha Liêng, người sống hàng chục năm không có ánh điện, mà bà con sống gần trung tâm hơn cũng chào đón ánh sáng điện lưới không kém dù trước nay đã có điện sử dụng. Có câu nói đùa chung của tất cả người dân thôn 9 rằng “ăn cơm điện lu, ngủ thì điện sáng”, phát sinh từ điều kiện thực tế. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng ban Mặt trận thôn kể chuyện, cả thôn có trên 300 hộ. Cứ 20, 30 hộ gần nhau chung tiền mua cột, mua dây kéo điện từ thôn bên về, đường xa tới 2 km nên điện quá yếu, chỉ sử dụng được thời điểm ban ngày và đêm khuya, cứ vào lúc cao điểm từ 5h chiều tới 9h đêm là điện leo lét, không sử dụng được, bà con phải sử dụng đèn dầu. Đã thế, do hao tải trên đường dây, dù mỗi nhà chỉ sử dụng vài chục số mà đóng tiền tới hàng trăm ngàn. Ông Ngọc cho hay: “Không có điện, đời sống của bà con không phát triển được, khó khăn rất nhiều. Nay điện quốc gia về thôn 9, bà con sử dụng thoải mái, tới mùa có thể tưới cà phê phát triển kinh tế gia đình mà chi phí thấp hơn nhiều. Mừng quá, tết năm nay có điện đón xuân rồi. Cám ơn Đảng, Nhà nước và ngành điện đã mang ánh sáng về với bà con, chúng tôi cám ơn rất nhiều”.
Công trình kéo điện về phục vụ bà con thôn 9, xã Tân Thanh, hoàn thành vừa kịp vào những ngày đón xuân mới cũng làm cán bộ, công nhân ngành điện rất hào hứng. Vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ đúng kế hoạch đề ra, vui vì bà con từ nay được sử dụng điện lưới và niềm vui khi nhìn công sức đã được đón nhận nhiệt tình. Ông Thái Đắc Toàn, Giám đốc Điện lực Lâm Đồng chia sẻ: “Công trình lưới điện này đã hoàn thành, bà con vùng xa đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Chúng tôi hiện đang tiếp tục phát triển thêm lưới điện tại xã Tân Thanh và Mê Linh của huyện Lâm Hà, thực hiện nhiệm vụ của ngành, giúp đời sống của bà con tốt đẹp hơn và góp phần xây dựng nông thôn tốt hơn, đẹp hơn”.
Những ngày đông cuối năm 2013 đã thực sự là những ngày vui của bà con nông dân thôn 9, xã Tân Thanh, vùng khá xa so với trung tâm huyện. Những người nông dân đã có thể hưởng thụ một cuộc sống tiện nghi hơn với các vật dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu cũng như giải trí, từ nồi cơm điện, tủ lạnh cho tới ti vi, máy nghe nhạc và cả máy tính. Con em họ học bài đêm đêm không phải trong ánh đèn dầu leo lét mà trong ánh điện sáng bừng. Suốt hàng chục năm chờ đợi, cuối cùng dòng điện lưới cũng đã tới, hoàn thiện cuộc sống của những cư dân nơi đây. Nói như ông Trần Thanh Phương, Bí thư Huyện ủy Lâm Hà trong buổi gặp mặt thân mật: “Chúng tôi nhận thấy rất rõ thiếu sót của địa phương trong việc thiếu điện của bà con nhưng thật khó khăn để giải quyết vấn đề. Biết là kéo điện lưới vào vùng xa như thế này, ngành điện không tính toán tới hiệu quả kinh doanh mà chủ yếu là phục vụ bà con, thay mặt bà con địa phương tôi cám ơn sự nỗ lực của ngành. Rất hy vọng trong tương lai gần đây, Lâm Hà sẽ được gắn bó với ngành điện, để ánh sáng phủ kín mọi vùng xa, giúp Lâm Hà xây dựng nông thôn mới trọn vẹn và bền vững”.
Diệp Quỳnh