Ấn tượng ban đầu về một cậu bé có khuôn mặt không già như tuổi, bị khuyết tật, nhưng có thành tích đáng nể, đã khiến tôi không thôi ý định tìm hiểu về hoàn cảnh của Trường.
"Tôi gặp Lê Hải Trường ở Trung tâm nuôi dạy con nạn nhân chất độc da cam và trẻ em khuyết tật TP Bảo Lộc”. Nhìn cách em ngồi im tỉ mỉ, điêu luyện tô vẽ những mảng màu tranh cát, tôi không hề nghĩ và hoàn toàn bất ngờ khi biết em bị câm, điếc. Ấn tượng ban đầu về một cậu bé có khuôn mặt không già như tuổi, bị khuyết tật, nhưng có thành tích đáng nể, đã khiến tôi không thôi ý định tìm hiểu về hoàn cảnh của Trường.
|
Lê Hải Trường tặng cho Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và tác phẩm tranh cát. |
Tuổi thơ nhiều tình thương
Nghi nhiễm chất độc da cam từ ông nội, Lê Hải Trường bẩm sinh đã bị câm, điếc. Thấy con đến tuổi tập nói mà không biết nói, gọi cũng không nghe, bố mẹ của Trường (ông Lê Ðình Huệ và bà Lê Thị Thanh Châu ở Phường 1, Bảo Lộc) mới biết con khiếm khuyết. Thời điểm đó, đang là công chức, ông bà không nhiều tiền nhưng giàu tình thương dành cho đứa con trai đầu lòng không được toàn vẹn, đã cố gắng chạy chữa nhiều nơi, mong con mình nghe được, nói được. Nhưng, số phận dường như đã dành cho Trường một khởi đầu như thế. Giáo sư, bác sỹ Lê Tài Thu (Bệnh viện châm cứu Trung ương) dẫu đã châm cứu cho Trường ròng rã một tháng trời, cũng đành lắc đầu vô vọng.
Ôm con trở về, 2 bậc sinh thành dành hết tình thương và sự ưu ái để bù đắp, nuôi con lớn. Trải qua tuổi thơ đủ đầy tình yêu thương nhưng thiếu sự phát triển toàn vẹn, Trường cảm nhận thân phận khiếm khuyết của mình nên trí óc và tư chất của em phát triển rất sớm. Từ bé (theo lời kể của mẹ) Trường đã là đứa bé rất tự lập, hay giúp bố mẹ những công việc nhà trong khả năng và tỏ ra rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Nhưng, không thể “ôm” con mãi trong “vòng tay” của gia đình, khi Trường được 9 tuổi, bố mẹ em đành gác lại nỗi lòng thương con để tìm thầy, tìm môi trường cho con học chữ, chỉ mong con sau này, qua cánh cửa tri thức, có thể hòa nhập với đời. Và cánh cổng Trường Khiếm thính Lâm Ðồng (Ðà Lạt) đã mở ra với Trường năm 1996. Cũng từ đó, Trường bắt đầu hành trình rong ruổi tìm kiếm tri thức và học kỹ năng sống của một người khuyết tật.
“Dưỡng” năng khiếu hội họa
Ngay từ khi còn nhỏ, Trường đã có năng khiếu về hội họa. Môn thủ công và tập vẽ ở lớp, Trường luôn dẫn đầu với những con điểm 9 và 10. Suốt 7 năm học ở Trường Khiếm thính Lâm Ðồng, Trường luôn nằm trong “top” đầu những học sinh xuất sắc, giỏi đều các môn, nhưng trội nhất là hội họa. Ðưa con đi xa, lo lắng và trăn trở, nhưng bố mẹ Trường đã yên lòng khi liên tiếp nhận về thành tích học tập vượt trội của con. 16 tuổi, hoàn thành chặng đường học chữ, Trường trở về nhà và tiếp tục được bố mẹ gửi vào Trường tư thục dạy nghề cho người khuyết tật ở Lộc Phát (Bảo Lộc). Lại thêm 2 năm học nghề may, Trường đã tự làm ra sản phẩm. Nhưng, em không thích nghề may, trước ngưỡng cửa tuổi 18, Trường xin bố mẹ cho về TP HCM, tìm đến Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật (số 3, Võ Thị Sáu, Quận 3) để được đầu tư sâu hơn về hội họa. Lại một lần nữa, Trường thử thách nghị lực của mình và cũng thử thách luôn nỗi lòng của bố mẹ. Ngày đưa con xuống Trung tâm, mẹ Trường giấu nước mắt vào trong khi thấy con mình quá nhỏ bé và bỡ ngỡ trước môi trường mới. Nghĩ, chắc con không thể nào “trụ” được lâu, nên dù ra về, bà vẫn ráng ở lại nhà bà con để đợi xem con có đổi ý? Nhưng, một tháng, hai tháng sau đó, bà nhận được tin con đã được chọn vào lớp năng khiếu vẽ của Trung tâm.
Ba năm sau, Trường tốt nghiệp với thành tích thủ khoa xuất sắc khóa đào tạo tranh sơn dầu ở Trung tâm dạy nghề. Cô giáo của em nhận xét: “Khả năng của Trường vượt xa các bạn và mong được nhận Trường ở lại Trung tâm để tiếp tục bồi dưỡng nâng cao cho em”. Nhưng, Trường lại nhắm đến một đích mới: Học làm tranh cát. Rời TP HCM, Trường rong ruổi về Bình Thuận, xin vào làm việc ở Công ty Tranh cát Phi Long. Ðể vượt qua vòng sơ tuyển, Trường phải vẽ một bức tranh chủ đề tự do. Bức tranh vẽ một người đàn bà chèo thuyền giữa biển Ðông dậy sóng với lời chú “Biển bao la không đong đầy tình mẹ” của Trường, ngay lập tức, đã cho em tấm vé vào đời. Tại đây, Trường có 3 tháng học việc và cũng sau 3 tháng đầu, Trường đã cho ra sản phẩm tranh cát đầu tay được công ty đánh giá cao. Thời gian sau đó, tranh của Trường luôn được bán ra với giá cao tại công ty và Trường luôn dẫn đầu top 10 trong tổng số 120 nhân viên vẽ tranh cát. Trường được UBND tỉnh Bình Thuận tặng Bằng khen về nghị lực vượt khó.
|
Lớp học của Trường ở Trung tâm nuôi dạy con nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật TP Bảo Lộc |
Theo nghiệp “họa” để thực hiện ước mơ
Một lần, Ðài Truyền hình địa phương về Công ty Tranh cát Phi Long (Bình Thuận) làm phóng sự, phỏng vấn về ước mơ của Trường. Em bộc bạch: “Muốn trở thành họa sỹ giỏi và có một phòng tranh để có thể dạy và tạo việc làm cho người khuyết tật”. Có lẽ, chính vì muốn thực hiện ước mơ đó, Trường đã từ bỏ công việc cho thu nhập khá cao ở Công ty Tranh cát Phi Long, trở về nhà. Bố mẹ em mừng thầm, thế là nó đã trở về “vòng tay” của mình, không còn là cậu bé nhút nhát khiếm khuyết ngày xưa, giờ đã trưởng thành và đầy nghị lực. Gom góp vốn sau nhiều năm về hưu buôn bán, bố mẹ Trường xây cho con một phòng tranh, trong một căn nhà mới ở mặt phố. Tưởng chừng Trường sẽ hài lòng và yên vị với ước mơ của mình, nhưng không, Trung tâm nuôi dạy con nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật TP. Bảo Lộc ra đời đúng thời điểm trở về, đã khiến Trường hoãn giấc mơ của mình để gắn bó với Trung tâm trong vai trò giảng viên dạy tranh cát.
Bây giờ, 26 tuổi, sau 16 năm xa gia đình để trải nghiệm nhiều thử thách và rèn luyện, Trường đã có thể vững vàng đứng trên bục giảng ở Trung tâm, “truyền” cho các bạn nhỏ đồng cảnh ngộ tình yêu nghệ thuật và hội họa. Từ đây, bức tranh sơn dầu với chủ đề “Làng trà quê hương” của Trường đã có dịp ra với Triển lãm Mỹ thuật ở Hà Nội và được tặng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Khâm phục nghị lực của cậu bé khuyết tật, Phó Chủ tịch nước mong muốn địa phương nên mở một cơ sở làm tranh cát cho người khuyết tật. Mang theo tâm nguyện đó trở về, Trường hăng say hơn với công việc. Chỉ sau 6 tháng, các bạn nhỏ khuyết tật trong lớp học của Trường đã cho ra đời những bức tranh cát đầu tiên. Tuy với cặp mắt bình thường, đó đã là những tác phẩm đẹp, nhưng Trường bảo: “Phải để các bạn cố gắng, đừng hài lòng quá sớm với thành quả của mình mà thiếu sự phấn đấu”. Trên bàn học, bên cạnh la liệt dụng cụ vẽ tranh cát là những tấm giấy nguệch ngoạc những dòng viết vội, là những trao đổi qua lại giữa thầy và trò. Âm thầm, nhưng lớp học rất sinh động.
Trường đã khởi đầu chặng đường thực hiện ước mơ như thế. Dẫu còn rất khiêm tốn, nhưng em đã tìm được “nốt nhạc” mới cho mùa xuân cuộc đời, những “nốt nhạc” vui, dẫu cuộc đời chưa bao giờ được nghe em hát và em cũng chưa bao giờ nghe được thanh âm của cuộc sống này.
HẢI UYÊN