Ổn định dân di cư tự do ở Lâm Đồng

03:12, 29/12/2013

3 năm gần đây, dân di cư tự do đến Lâm Đồng có chiều hướng tăng nhẹ, song vẫn đang "đặt nặng trên vai" của các cấp, ngành địa phương về việc phân bố dân cư, bố trí đất đai sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động trên địa bàn. 

3 năm gần đây, dân di cư tự do đến Lâm Đồng có chiều hướng tăng nhẹ, song vẫn đang “đặt nặng trên vai” của các cấp, ngành địa phương về việc phân bố dân cư, bố trí đất đai sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động trên địa bàn. 
 
Anh Nguyễn Văn Tình, chuyên viên của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết: Tính từ năm 2005 đến năm 2013, có 3.567 hộ với 13.474 nhân khẩu di cư tự do đến Lâm Đồng, trong đó địa bàn huyện Bảo Lâm chiếm nhiều nhất với 1.085 hộ (4.446 nhân khẩu). Người dân di cư tự do đến Lâm Đồng phần lớn ở các tỉnh phía Bắc và duyên hải miền Trung do thiếu vốn đầu tư và tư liệu sản xuất, nên ban đầu làm thuê thu hoạch cà phê, hái chè, làm cỏ, phụ hồ… để tích góp dân dần mua đất định cư lâu dài. Riêng nhóm hộ đồng bào thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào Lâm Đồng thường chọn những vùng rừng sâu, đất mới để lấn chiếm, phá rừng, dựng nhà ở để trồng trọt, chăn nuôi. Nhóm ít người còn lại, chủ yếu di cư tự do từ các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ đến Lâm Đồng hợp tác với người dân địa phương để “dồn điền đổi thửa” lập trang trại sản xuất nông nghiệp. 
 
Thống kê riêng trong 3 năm gần đây (2011 - 2013), dân di cư tự do từ các tỉnh, thành trong nước đến Lâm Đồng với các số hộ gia đình “tăng nhẹ” qua các năm lần lượt là 198, 293 và 462. Điểm tập trung dân di cư tự do đến Lâm Đồng nhiều nhất gồm huyện Lâm Hà, Di Linh, Đam Rông. Theo chuyên viên Nguyễn Văn Tình thì: có 2 tác động chính của dân di cư tự do đến Lâm Đồng. Thứ nhất, tác động tích cực là đã bổ sung nguồn nhân lực địa phương với chi phí nhân công thấp, cùng nhau góp công sức khai thác đất hoang hóa đưa vào sản xuất, góp phần tăng cường mối giao lưu kinh tế, văn hóa trong cộng đồng các dân tộc tại địa phương. Thứ hai, tác động tiêu cực là tăng đột biến quy mô, cơ cấu và chất lượng lao động, từ đó gây khó khăn không ít cho công tác quản lý hành chính của cơ quan nhà nước các cấp; hệ quả phát sinh tình trạng phá rừng làm rẫy, tranh chấp đất ngày một phức tạp, hậu quả nhiều hộ gia đình dân di cư tự do lâm cảnh bị thiếu đói, bệnh tật, thất học…
 
Trước những khó khăn về tài chính và các nguồn lực tại chỗ, Lâm Đồng đã chọn giải pháp tập trung ổn định dân di cư tự do ở những vùng trọng điểm trên địa bàn. Đến thời điểm cuối năm 2013, Lâm Đồng đã triển khai các dự án chuyển tiếp từ trước năm 2005, tổng nguồn vốn gần 140 tỷ đồng, hoàn thành đầu tư xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn, trường học, công trình thủy lợi và các công trình phúc lợi khác… ở các xã Xuân Trường (Đà Lạt), Tà Năng (Đức Trọng), Tân Hà (Lâm Hà), Rô Men (Đam Rông), Lộc Tân, Lộc Bảo (Bảo Lâm), Tôn K’Long (Đạ Tẻh)… Với các dự án triển khai mới từ năm 2005 đến nay, Lâm Đồng đã đầu tư gần 96,4 tỷ đồng, xây dựng hàng loạt công trình hạ tầng cơ sở gồm: 57,6km đường giao thông nông thôn, 17 phòng học, 7,7km đường dây điện trung hạ thế, cùng nhiều trạm y tế, phòng học, hội trường thôn, hệ thống thoát nước, khai hoang diện tích đất mới để bố trí sản xuất cho dân…      
 
Kết quả từ những giải pháp trọng tâm, trọng điểm nói trên, đến nay, Lâm Đồng đã bố trí đất sản xuất đạt bình quân từ 0,5- 1ha/hộ dân di cư tự do, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 10%. Tiếp tục thực hiện chính sách ổn định đối với dân di cư tự do, từ nay đến năm 2020, Lâm Đồng tiến hành hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ gia đình với các chương trình như cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, khai hoang đất mới, xây dựng nhà ở, hệ thống cấp nước sinh hoạt… Tuy nhiên, giải pháp căn cơ của mọi giải pháp vẫn là hạn chế thấp nhất người di cư tự do đến Lâm Đồng, điều này đòi hỏi trước hết ở trách nhiệm chính quyền các cấp của địa phương “nơi đi” cần phải tăng cường vận động, tuyên truyền, tạo việc làm nhiều hơn nữa đối với từng hộ người dân trên địa bàn của mình ngay từ khi bắt đầu có ý định “ly hương”.
 
VĂN VIỆT