Nữ công nhân lái xe hơi

09:01, 02/01/2014

Chị không phải là doanh nhân, nữ công nhân Võ Thị Kim Phượng đến từ Công ty Dalat Hasfarm mỉm cười rất tự tin: "Mình nên thay đổi cách nghĩ về đời sống của công nhân, công nhân không gắn liền với sự nghèo khổ mà bằng sức lao động và cách chi tiêu hợp lý vẫn  có thể có một đời sống tương đối khá!".

Đến tham dự buổi tập dượt để chuẩn bị cho chương trình tôn vinh 120 gương điển hình tiên tiến chào mừng 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, chị đĩnh đạc bên chiếc xe hơi là phương tiện đi lại của gia đình. Chị không phải là doanh nhân, nữ công nhân Võ Thị Kim Phượng đến từ Công ty Dalat Hasfarm mỉm cười rất tự tin: “Mình nên thay đổi cách nghĩ về đời sống của công nhân, công nhân không gắn liền với sự nghèo khổ mà bằng sức lao động và cách chi tiêu hợp lý vẫn  có thể có một đời sống tương đối khá!”.
 
Nữ công nhân Kim Phượng bên chiếc xe là phương tiện đi lại hàng ngày
Nữ công nhân Kim Phượng bên chiếc xe là phương tiện đi lại hàng ngày
 
Là người được sinh ra tại Ðà Lạt trong một gia đình có 6 anh chị em, bố mẹ đều là dân lao động phổ thông nhưng đã nuôi dạy cả 5 anh chị em tốt nghiệp đại học, riêng chị Kim Phượng vì một tai nạn bất ngờ mà đành dở dang chuyện học. Chấp nhận cuộc sống bình dị với nghề đan len - một nghề phổ biến của phụ nữ thành phố trong vài năm, đến năm 1994, chị Phượng biết thông tin Công ty hoa Dalat Hasfarm được thành lập. Muốn thử sức mình trong một lĩnh vực mới và thực sự háo hức với các giống hoa đến từ đất nước Hà Lan, Kim Phượng quyết định nộp đơn vào vị trí công nhân. Ðược tuyển chọn trong lớp công nhân đầu tiên của Dalat Hasfarm thời đó, chị bắt đầu làm quen với những công việc lao động thuần túy: cuốc đất, làm luống, đan lưới… Nếu so với một Dalat Hasfarm quy mô và hiện đại ngày nay, công ty lúc đó còn thực sự khó khăn và chưa định hình bởi đang là thời kỳ khởi lập trên vùng đất mới. Ngay cả những điều kiện sinh hoạt như mở một căn - tin cho công nhân cũng chưa được xây dựng. Dù vậy, như một mối duyên, Kim Phượng gắn bó với công việc, tỉ mỉ và trách nhiệm. Chỉ hơn 1 năm sau, khi những mùa hoa đầu tiên bung nở trên những luống đất nối tiếp rộng rãi và được thu hoạch, Kim Phượng đã tận hưởng niềm vui của một người góp phần làm ra sản phẩm. Chị tiếp tục được chuyển đến khâu đóng gói và tầm nhìn được mở rộng hơn khi được các chuyên gia đến từ Indonesia hướng dẫn những kỹ thuật mới về: cắt, xếp, đóng gói, bảo quản hoa… Càng dấn thân, càng hăng say, chị được bổ nhiệm làm tổ trưởng tổ đóng gói với số lượng trên 10 công nhân trong tổ. Là bộ phận cuối cùng của quy trình sản xuất nhưng lại là khâu đầu tiên trong quy trình xuất hàng, khâu đóng gói đòi hỏi sự kỹ lưỡng, nắm bắt nhanh nhạy số lượng và các giống hoa. Với vị trí của mình, Võ Thị Kim Phượng thể hiện vai trò của một “đầu tàu”, hạn chế tối thiểu các sai sót để cùng các bộ phận liên quan đưa hoa ngày càng đến với nhiều thị trường khác nhau như: các nước trong khối ASEAN, Nhật, Hồng Kông, Hàn Quốc…
 
Hai mươi năm làm công nhân của một công ty có lối sản xuất công nghiệp, công nhân Võ Thị Kim Phượng chưa một lần vi phạm kỷ luật, đặc biệt tôn trọng bản quyền về giống hoa của công ty. Chị như một người điều phối nhịp nhàng các khâu: phân loại, đóng gói, vệ sinh nhà xưởng…cùng các công nhân. Những cành cẩm chướng bền màu, muôn sắc hoa hồng, hoa cúc rực rỡ, ly ly đài các... bền bỉ tạo cho chị nhiều sức hút. Những vẻ đẹp ấy như làm xua tan nỗi mệt nhọc của một công nhân để hoa và người cùng gắn bó…
 
Cũng tại môi trường ấy, chị gặp người bạn đời của mình. Anh làm ở bộ phận mua hàng. Cuộc sống của hai vợ chồng công nhân có kỹ thuật, hăng say lao động và biết tiết kiệm đã giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Họ cùng nuôi dạy hai con đang độ tuổi đi học, làm thêm kinh tế vườn hộ  trong những ngày nghỉ. Hình ảnh vợ chồng công nhân cùng lái xe hơi đưa con đi học rồi đến nơi làm việc như thay đổi cách nhìn về đời sống của công nhân hiện nay. Chị Phượng cười nhẹ nhàng: “Mình lao động và cống hiến cho công việc và có nhiều niềm vui từ công việc! Công nhân cũng có vị thế của riêng mình, chính bởi điều này nên tôi và ông xã đã cùng chung sức lao động và luôn trân trọng công việc mình đang làm!”. Câu nói của chị khiến tôi nghĩ về một câu danh ngôn đại ý rằng nếu bạn không tin ở chính mình thì ai sẽ tin bạn? Có lẽ, niềm tin ấy đã làm nên thành công hôm nay của nữ công nhân này!
 
HẢI YẾN