Thời gian qua, nhiều người dân thôn 9, xã Tân Lạc bức xúc về việc Trại bò Kobe đã để nước thải tràn qua vườn, làm chết chè của họ. Không những vậy, mùi hôi bốc lên từ Trại bò này còn là nỗi ám ảnh cho không ít hộ dân.
Thời gian qua, nhiều người dân thôn 9, xã Tân Lạc (huyện Bảo Lâm) bức xúc về việc Trại bò Kobe (thuộc Công ty CP Bò Kobe Việt Nam, đóng trên địa bàn thôn) đã để nước thải tràn qua vườn, làm chết chè của họ. Không những vậy, mùi hôi bốc lên từ Trại bò này còn là nỗi ám ảnh cho không ít hộ dân.
|
Chè của người dân bị chết |
Lần theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại thôn 9 để tìm hiểu thực hư sự việc. Qua quan sát, đập vào mắt chúng tôi là những đám chè đang bị chết khô. Từ việc xác minh thực tế, chúng tôi nhận thấy những gì người dân nơi đây phản ánh là hoàn toàn có cơ sở. Được biết, Trại bò Kobe được hình thành từ năm 2010, trên diện tích khoảng 5ha. Trong đó, 2ha dùng để xây dựng chuồng trại và các công trình phụ; phần đất còn lại dùng để trồng cỏ chăn nuôi. Hiện nay, Trại bò Kobe đang chăn nuôi hơn 200 con bò sữa, nên mỗi ngày thải ra môi trường một khối lượng nước thải khá nhiều.
Thông tin từ các hộ dân cho biết, phần đất mà bà con đang trồng chè được nhận khoán từ Công ty CP Chè Ngọc Bảo, theo hợp đồng là 45 năm (từ năm 1987). Tương tự, phần đất của Trại bò Kobe cũng được Công ty CP Bò Kobe Việt Nam mua lại của Công ty Chè Ngọc Bảo từ năm 2010. Bà Phạm Thị Nhung, một trong những hộ dân có chè bị chết, phản ánh: “Chè của chúng tôi trồng đã được hơn 20 năm. Vào mùa mưa, nước ứ đọng ít nhất 10 ngày, nhưng chè chưa bao giờ bị chết cây nào. Song, vào mùa mưa năm này thì khác, nước thải từ Trại bò tràn xuống khiến cho nước mưa nhiễm mặn làm chè của gia đình tôi chết mất khoảng 5 sào!”.
Tiếp lời bà Nhung, ông Nguyễn Văn Thực bức xúc: “Trước đây, vườn chè nhà tôi năm nào cũng xanh tốt và là một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhưng, giờ đây nước thải từ Trại bò tràn qua làm chết sạch. Không chỉ riêng chè gia đình tôi, mà tất cả 4 hộ khác có chè cạnh Trại bò đều chịu cảnh tương tự. Thấy vậy, chúng tôi cùng nhau viết đơn gửi tới lãnh đạo Trại bò để yêu cầu họ xem xét, giải quyết. Ai ngờ, khi nhận được đơn của bà con, ông Nguyễn Trí Đức Vũ, Giám đốc Trại bò, không giải quyết mà còn thách đố chúng tôi… Vì vậy, chúng tôi đành viết đơn gửi tới Phòng Tài nguyên - Môi trường (TNMT) huyện Bảo Lâm để kêu cứu. Nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn đâu vào đấy, nên bà con bức xúc”.
Hiện có khoảng 1,8ha chè của người dân bị chết do ảnh hưởng từ nước thải của Trại bò. Bên cạnh việc nước thải làm thiệt hại cây trồng, thì mùi hôi bốc lên từ Trại bò cũng gây ô nhiễm. Đầu năm 2013, bị bà Đinh Thị Loan kiện, Trại bò Kobe phải mua nhà và đất của bà Loan để gia đình bà Loan di dời đến nơi ở mới. Bà Loan cho biết: “Trước đây, khi gia đình tôi còn sống cạnh Trại bò, ngày nào cũng phải hứng chịu mùi hôi thối. Tôi đã viết đơn yêu cầu Trại bò giải quyết. Sau 3 lần “đàm phán”, cuối cùng ông Vũ phải mua lại nhà và 1,8 sào đất của gia đình tôi với giá 140 triệu đồng”.
Sau khi nhận được phản ánh của người dân về vấn đề trên, ngày 24/12/2013, Phòng TNMT huyện Bảo Lâm đã cử cán bộ đến làm việc với Trại bò Kobe. Qua xác minh hồ sơ, cho thấy Trại bò có cam kết thực hiện Chương trình tự quan trắc, giám sát môi trường định kỳ 4 lần/năm đối với nguồn nước cấp, nước thải và không khí xung quanh. Nhưng, tại thời điểm kiểm tra, đại diện Trại bò không xuất trình được bất cứ tài liệu hay báo cáo nào liên quan đến vấn đề này. Về phía Trại bò, ông Vũ giải thích: “Chè của các hộ dân bị chết là do họ không chăm sóc. Còn vấn đề nước thải, luôn được chúng tôi cho thu gom và xử lý theo công nghệ Nhật Bản, nên không lúc nào để tràn ra ngoài. Trong mùa mưa chỉ tràn ra một ít, chiếm khoảng 3% trong 100% nước có trong vườn chè của dân. Như vậy, làm sao có thể nói chè của họ chết là do nước thải từ Trại bò gây ra!”.
Song, theo nguồn tin riêng từ một công nhân (yêu cầu được dấu tên) đang làm việc trong Trại bò, cho biết: “Việc Trại bò lắp đặt hệ thống biogas là có thật; nhưng, từ lúc lắp đặt đến nay mới sử dụng được 2 lần, sau đó bị trục trặc rồi thôi. Vào mùa mưa, nước thải từ Trại bò không hề được thu gom, cỏ thì không có để tưới nên cứ xả trực tiếp ra ngoài. Hiện, trong Trại không trồng cỏ, thức ăn cho bò như hèm bia, bắp, cám, bả mía … chủ yếu mua từ bên ngoài”.
Hiện tại, nước thải từ Trại bò Kobe không còn tràn trực tiếp qua vườn của các hộ dân như những ngày mưa gió. Song, chè của họ lại chết ngày một nhiều hơn. Không những vậy, mùi hôi thối vẫn đang là nỗi lo của người dân có nhà cạnh Trại bò. Trước tình trạng đó, bà con rất cần sự quan tâm, xem xét của các ngành chức năng để được giải quyết thỏa đáng.
KHÁNH PHÚC